Vladimir Putin: Từ Tổng thống 'tình cờ' đến người bảo vệ 'pháo đài Nga'

Trở thành Tổng thống Nga là điều mà ông Putin chưa bao giờ nghĩ tới vào năm 2000. Nhưng thực tế chứng minh rằng, bánh xe lịch sử đã lựa chọn đúng người để dẫn dắt nước Nga hồi sinh từ tro tàn.

Tổng thống Putin trong lễ nhậm chức năm 2000.

Vào một đêm lạnh tháng 3/2000, Tổng thống Vladimir Putin vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu tiên và đến trụ sở chiến dịch tranh cử sẵn sàng trả lời câu hỏi của phóng viên.

Ông Putin khi đó mới 47 tuổi, vẫn còn là một chính khách non trẻ mới vào chính trường, mặc lên mình chiếc áo len xám giản dị cùng gương mặt nghiêm nghị.

Chỉ ba tháng trước, Tổng thống Boris Yeltsin đã khiến cả thế giới bị sốc khi từ chức vào đêm giao thừa và chỉ định Putin - một cựu sĩ quan tình báo KGB và cựu lãnh đạo Cơ quan An ninh Liên bang – trở thành Tổng thống tạm quyền.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ tham gia vào cuộc bầu cử này", ông Putin nói với thái độ dửng dưng. "Tôi nghĩ rằng thật vô đạo đức khi đưa ra đủ loại lời hứa mà biết rằng lời hứa đó không thể thực hiện được".

Đó là câu bình luận nổi tiếng của Tổng thống Putin khi đó - một chính khách “chân ướt chân ráo” không hề muốn chạy đua vì chiếc ghế quyền lực mà dường như chỉ có động lực duy nhất là giúp nước Nga thoát khỏi đói nghèo, theo CNN.

"Người dân đều mệt mỏi", Tổng thống Putin khi ấy nói trước công chúng, "mọi thứ trở nên khó khăn đối với họ, mọi người đều mong đợi những điều tốt đẹp đến từ tôi. Nhưng dĩ nhiên, chẳng có phép lạ nào xảy ra”.

Nhưng một thập kỷ sau, phép lạ đã phần nào đó thành hiện thực. Người Nga có cuộc sống khấm khá hơn, nhờ vào cải cách kinh tế dưới sự dẫn dắt của ông Putin, trong khi giá dầu tăng vọt đã giúp cho ngân khố quốc gia trở nên dồi dào.

Nhưng khó khăn vẫn còn đó. Nga sa lầy vào cuộc chiến chống lại các phần tử nổi dậy Chechnya.

Trong thời điểm một tuần trước cuộc bỏ phiếu bầu cử năm 2000, ông Putin leo vào buồng lái chiến đấu cơ SU-27 và bay qua vùng chiến sự tới thủ phủ Grozny của Chechnya. Tại đây, ông tiếp thêm sĩ khí cho binh sĩ bằng lời thề sẽ hủy diệt phiến quân nổi dậy.

Hình ảnh một nhà lãnh đạo cứng rắn đã bắt đầu được thể hiện kể từ thời điểm đó. Trong suốt nhiệm kỳ về sau này, phẩm chất của nhà lãnh đạo Nga đã trở thành yếu tố giúp làm nên thành công trong mọi vấn đề mà đất nước gặp phải.

18 năm sau, vào một đêm bầu cử khác, Tổng thống Putin - 65 tuổi bước lên sân khấu tại một buổi lễ mừng chiến thắng ở trung tâm thành phố Moscow.

Ông Putin cảm ơn mọi người vì đã làm nên chiến thắng trong cuộc bầu cử lần thứ 4, gọi đây là sự công nhận những gì mà chính quyền của ông đã làm được trong những năm vừa qua, dù có những khi nước Nga rơi vào tình cảnh khó khăn nhất.

Tổng thống Putin tại lễ ăn mừng chiến thắng hôm 18/3.

"Chúng ta sẽ suy nghĩ về tương lai của Tổ quốc vĩ đại của chúng ta, về tương lai của con cái chúng ta! Chúng ta sẽ thành công!", Tổng thống Nga nói trước đám đông.

Ngày nay, ông Putin không thể hứa với đồng bào Nga rằng họ sẽ sống tốt hơn về mặt kinh tế trước bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây bủa vây và giá dầu sụt giảm.

Thay vào đó, ông đoàn kết họ lại như một tập thể vững chắc, thống nhất, vượt qua mọi trở ngại để chiến thắng.

"Mối đe dọa chính và kẻ thù chính của chúng ta là sự tụt hậu", ông đưa ra lời cảnh báo trong Thông điệp Liên bang hôm 19/3. "Chúng ta phải làm chủ số mệnh của chính mình”.

Tổng thống Nga chỉ đưa ra một vài chi tiết gợi mở về cách thực hiện nhiệm vụ này mà không đưa ra bất kỳ kế hoạch chi tiết nào, dẫu cho đây sẽ là nhiệm kỳ cuối của ông theo quy định của Hiến pháp.

Tuy nhiên, đối với nhiều người ủng hộ ông, phát triển kinh tế không phải là thứ định nghĩa nên Vladimir Putin. Vai trò quan trọng của ông chính là “Người bảo vệ quốc gia”.

Cuộc chiến Chechnya đã kết thúc từ rất lâu. Nhưng kẻ thù ngày nay là phương Tây: Mỹ, Anh và châu Âu.

Hình ảnh “người bảo vệ” của ông Putin được thể hiện rõ nét nhất trong màn giới thiệu siêu “vũ khí hạt nhân” trong Thông điệp Liên bang.

Trong đó, nhà lãnh đạo Nga đã lần đầu tiết lộ "loại vũ khí hoàn toàn mới" xuyên thủng mọi lá chắn của phương Tây. Ông gọi đây là những hệ thống vũ khí hạt nhân mang tính chiến lược.

"Không ai có thể kiểm soát được Nga”, ông chủ Điện Kremlin gửi lời cảnh báo tới những nước đang "tìm kiếm lợi thế đơn phương chống lại Nga” thông qua màn chào hàng vũ khí của mình.

Hành động trừng phạt từ phương Tây không thể ngăn lại những thành công của Nga trong chiến dịch quân sự ở Syria; cũng như những lời cáo buộc và động thái gây hấn ngoại giao của Anh trong vụ việc cựu điệp viên Nga bị đầu độc, không thể khiến cho vị thế của Moscow suy yếu.

“Nga hiện giống như một pháo đài và Tổng thống Putin là người bảo vệ”, tờ CNN bình luận.

Thậm chí chính những tranh cãi xoay quanh vụ việc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc có thể đã mang tới những lá phiếu cho ông Putin trong cuộc bầu cử này.

"Người dân chúng tôi luôn đoàn kết trong những thời điểm khó khăn", hãng thông tấn TASS trích lời Ella Pamfilova, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Nga.

"Vì vậy, xin cảm ơn một số nhà lãnh đạo – mà tôi không tiện nêu tên - từ các nước phương Tây, những người góp phần đoàn kết người dân Nga. Họ sẽ hiểu rằng chúng ta không giờ nơi lỏng khi vẫn còn đó những áp lực”.

Vào năm 2018, người Nga vẫn còn đó những kẻ thù - nhưng ít nhất - vị Tổng thống vẫn luôn bảo vệ họ tiếp tục được bầu một lần nữa.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/vladimir-putin-tu-tong-thong-tinh-co-den-nguoi-bao-ve-nuoc-nga-a363039.html