VN-Index điều chỉnh tích cực, khối ngoại chi mạnh gom cổ phiếu chăn nuôi

Thị trường phiên 21/5 có diễn biến điều chỉnh tích cực với thanh khoản xuất hiện đúng thời điểm quan trọng, tham gia nắm bắt cơ hội ở nhịp điều chỉnh sâu nhất.

Nhóm cổ phiếu sản xuất ghi nhận nhiều mã tích cực.

Nhóm cổ phiếu sản xuất ghi nhận nhiều mã tích cực.

VN-Index gặp khó khăn khi tiến lên vùng kháng cự 1.280 điểm. Phiên hôm nay, có thời điểm chỉ số mất gần 10 điểm, tuy nhiên dòng tiền sẵn sàng bắt đáy đã nhanh chóng giúp thị trường rút chân. Kết phiên, VN-Index chỉ điều chỉnh nhẹ 0,4 điểm, giữ ở mốc 1.277,14 điểm. Ngược lại, HNX-Index và UPCoM vẫn tăng điểm.

Thanh khoản duy trì ở mức cao với tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 25.000 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm gần 3.500 tỷ đồng và tiếp tục bán ròng hơn 700 tỷ đồng trên sàn HoSE. Một mã bất động sản vượt VHM bị bán ròng mạnh nhất là KBC (193 tỷ đồng). VHM vẫn bị bán ròng 142 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có VNM 91 tỷ đồng, VCB 82 tỷ đồng, TCB 79 tỷ đồng, VPB 76 tỷ đồng, VIC 53 tỷ đồng, VND 46 tỷ đồng, FPT 44 tỷ đồng; BID, VRE, STB trên 30 tỷ đồng...

Chiều ngược lại, cổ phiếu chăn nuôi DBC được mua ròng mạnh nhất phiên thứ ba liên tiếp, giá trị đạt 301 tỷ đồng. Ngoài ra, các mã được mua ròng đáng kể chỉ có HPG 83 tỷ đồng, DCM 41 tỷ đồng, HAG 26 tỷ đồng...

VN30 điều chỉnh sâu hơn, giảm gần 4 điểm về mốc 1.308,62 điểm. Giảm sâu nhất là TCB -2,1%. PLX và VJC cũng giảm hơn 1%. Còn lại các mã giảm dưới 1% như VIC, VHM, VCB, TPB, MSN, ACB... Chiều tăng có BCM, BID, CTG, FPT, GAS, MBB, MWG, SAB, SSI, VIB, VRE. Trong đó, BCM và FPT tăng tốt nhất với tỷ lệ hơn 2%.

FPT vẫn đang giao dịch ở vùng đỉnh 136.000 đồng/cp. Cổ phiếu công nghệ thu hút dòng tiền trở lại sau khi FPT thông báo triển khai việc thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 20:3 và trả nốt cổ tức tiền mặt năm 2023 tỷ lệ 10%. Thời gian thực hiện không muộn hơn quý 3/2024.

Với sự dẫn dắt của FPT, nhóm cổ phiếu công nghệ đạt mức tăng vốn hóa tốt nhất (hơn 2%). Ngoài ra còn có CMG cũng tăng mạnh hơn 4%, ELC tăng 1,6%. Ngược lại, CTR giảm 1,3%. VGI tạm chững đà tăng, giữ ở mức giá tham chiếu.

Các nhóm ngành khác diễn biến phân hóa. Nhóm ngân hàng có KLB và ABB tăng vượt trội hơn 12%. Ngoài ra chỉ còn một số mã ở chiều tăng, gồm BID, CTG, NVB, MBB, PGB, VAB, VBB, VIB. SHB, STB, VPB, SGB, BAB đứng tham chiếu. Chiều giảm sâu nhất là BVB -2,4%, TCB -2,1%.

Nhóm chứng khoán ghi nhận VND giảm hơn 1%, SHS giảm 0,5%. VCI tăng 1,2%, HCM tăng 0,9%; SSI và VIX tăng nhẹ. Dòng tiền chú ý hơn tới một số mã nhỏ như ABW +6,1%, BVS +6,1%, CTS +3,2%, MBS +2,5%, VDS +3%... MBS tiếp tục xác lập vùng đỉnh mới ở mức giá 32.800 đồng/cp.

Nhóm xây dựng và bất động sản ghi nhận loạt mã nhỏ tăng trần, gồm HPX, DTD, NHA, CCL, FIR, API, AAV... Một số mã khác cũng tăng đáng kể như TCH +4,5%, HDG +3%, AGG +4%, HBC +3,5%, CTD +3,1%, QCG +2,1%, DPG +1,9%... KBC, VRE, NLG, HQC, SJS tăng hơn 1%.

Chiều giảm có DIG, VHM, PDR, DXG, VIC, CEO, VCG, VPI, CII, KDH, HHV, HDC, BCG, HUT... Tuy nhiên các mã chỉ điều chỉnh trên dưới 1%.

Tại các nhóm ngành khác, đáng chú ý có TCM của nhóm dệt may, tăng trần lên mức giá 51.000 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 1/2023. Từ đầu tháng 5 đến nay, mã đã tăng hơn 20%. Một mã dệt may khác là VGT cũng tăng tốt 2,6% lên mức giá 16.000 đồng/cp, tăng 33% so với cuối tháng 4. Nhóm cổ phiếu dệt may diễn biến tích cực sau thông tin Mỹ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Ngoài TCM còn có VOS của nhóm vận tải biển, LSS của nhóm mía đường cũng tăng trần. DCM của nhóm hóa chất tăng mạnh hơn 5%, sau thông tin Đạm Cà Mau thâu tóm Phân bón Hàn - Việt (KVF), công ty có nhà máy NPK tổng vốn đầu tư hơn 60 triệu USD.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vn-index-dieu-chinh-tich-cuc-khoi-ngoai-chi-manh-gom-co-phieu-chan-nuoi-post34830.html