VN sẽ có thị trường carbon nên cần đào tạo nhân lực đủ chuyên môn

Việt Nam đang từng bước hình thành và vận hành thị trường carbon nên cần phải đào tạo những người có khả năng thẩm định để cấp chứng chỉ carbon.

Hiểu thế nào về cấp chứng chỉ, tín chỉ carbon?

Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông có hàng loạt bài viết về tín chỉ carbon, thị trường carbon nhưng vẫn chưa có nhiều những văn bản chính thống của các cơ quan có thẩm quyền liên quan nên vẫn có những cách hiểu chưa thật chính xác, chưa thật rõ ràng về nội hàm các khái niệm này.

Một tín chỉ carbon có thể trao đổi (bán/mua) tương đương với một tấn carbon dioxide hoặc lượng tương đương (CO2e) của một loại khí nhà kính khác được giảm thiểu, cô lập hoặc tránh được.

Nghĩa là khi mua một tín chỉ carbon thì người mua được coi là giảm được phát thải hoặc đã thu hồi (làm giảm) một tấn CO2e từ khí quyển và người bán sẽ mất quyền sở hữu này, cũng không được tính trong phát thải ròng CO2e nữa.

Hay nói cách khác, khi một tín dụng sử dụng để giảm thiểu, cô lập hoặc tránh phát thải, nó sẽ trở thành một khoản bù đắp và không thể mua bán được nữa.

Việt Nam đang từng bước hình thành và vận hành thị trường carbon (Ảnh: CTV)

Như vậy, phải có cách xác định mức tín chỉ carbon của một doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, ngành sản xuất, cộng đồng dân cư và có thể các cá nhân cụ thể.

Các chủ thể và cá nhân này phải chứng minh hoạt động của mình góp phần giảm, cô lập, thu hồi một lượng CO2e nào đó và phải được kiểm chứng và có cơ quan có thẩm quyền công nhận cấp chứng chỉ giảm thải ( như đối với cơ chế phát triển sạch trước đây) hay tín chỉ như đang dùng hiện nay.

Để hình thành được một thị trường tín chỉ carbon phải thực hiện nhiều bước như: Có cơ chế, chính sách rõ ràng, quy định được mức phát thải CO2e cho từng khu vực, từng ngành nghề, từng doanh nghiệp, từng cơ sở sản xuất; Xác định cách tính tín chỉ carbon để có thể áp dụng trong tính toán thực tế.

Phải xác định được đường, mức phát thải cơ sở hay phát thải trong trường hợp hoạt động bình thường (Business-As-Usual, BAU) cho từng đối tượng phát thải để làm căn cứ tính mức giảm thải thực tế.

Hội đồng liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) định nghĩa trường hợp cơ sở “hoạt động bình thường” là mức phát thải sẽ xảy ra nếu xu hướng phát triển trong tương lai tuân theo xu hướng trong quá khứ và không có thay đổi nào về chính sách.

Hiện nay, Việt Nam đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính nhưng chủ yếu ở quy mô quốc gia và chú trọng dòng phát thải từ các nguồn vào khí quyển (gọi tắt là dòng vào) theo hướng dẫn của IPCC. Riêng dòng đi ra, đi khỏi khí quyển thì việc tính toán phức tạp hơn và phải tính cả ở quy mô nhỏ hơn.

Như vậy, tín chỉ carbon sẽ được xét cấp cho ai chứng minh được: Giảm phát thải khí nhà kính so với BAU hoặc so với những cơ sở sản xuất khác với cùng sản phẩm hàng hóa; Có khả năng hấp thụ, thu giữ, làm giảm được CO2 từ khí quyển.

Việc chứng minh này không hề dễ dàng, phải hiểu rõ các cơ chế phát thải của từng đơn vị phát thải hoặc cơ chế hấp thụ khí nhà kính của các đối tượng khác nhau.

Ví dụ, nhà máy nhiệt điện chạy than, nếu nhà nước cho phép (có hạn ngạch) hàng năm phát thải X tấn CO2e mà nhà máy lắp đặt hệ thống xử lý, chuyển đổi nhiên liệu sử dụng nhiên liệu nên mức phát thải chỉ là W < X. Khi đó lượng giảm phát thải: X - W sẽ được xem xét cấp chứng chỉ, tín chỉ giảm thải.

Hay ngành lâm nghiệp, thậm chí một vùng đất lâm nghiệp hiện nay có mức khối lượng chất khô lưu giữ nào đó, có thể tính ra là x tấn CO2e nhưng một vài năm sau do quản lý tốt hơn, trồng thêm cây rừng, chăm sóc tốt để rừng phát triển và do đó trữ lượng chất khô tăng lên và tính ra CO2e là M tấn (M>x) thì có thể coi khu vực đất lâm nghiệp này đã hấp thụ thêm được M - x tấn CO2e trong thời gian tính và chúng được xem xét cấp chứng chỉ carbon.

Ở nước ta hiện nay chưa có các quy định về hạn ngạch phát thải carbon cụ thể cho các ngành, các cơ sở, doanh nghiệp nhưng đã được đề cập và sẽ nhanh chóng thực hiện công việc này trong vài năm tới.

Tất cả những điều phân tích ở trên chỉ ra phần nào tính phức tạp của việc tính toán, xác định mức giảm thải hay cô lập, thu hồi một lượng CO2e từ khí quyển để cấp chứng chỉ, tín chỉ carbon, tiến tới xây dựng thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường quốc tế.

Việt Nam cũng đã có bước chuẩn bị khá ấn tượng cho việc hình thành và vận hành thị trường carbon qua ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/1/2022. Trong Nghị định này có quy định về việc đào tạo những người có năng lực phục vụ xây dựng và thực hiện các công việc liên quan đến thị trường tín chỉ carbon.

Điểm b mục 2 Điều 32 Nghị định này nêu cụ thể: “Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách về kiểm kê khí nhà kính; đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các cơ sở, ngành và địa phương; kỹ thuật viên thực hiện lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị có chứa các chất được kiểm soát”.

Vì vậy, cần có những đơn vị tiến hành công tác chuẩn bị để có thể tiến hành đào tạo các cán bộ chuyên trách về chuyên môn cũng như tăng cường năng lực cho các cán bộ quản lý nhà nước liên quan.

Cơ sở đào tạo và nội dung đào tạo

Việc đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách về kiểm kê khí nhà kính là vấn đề lớn nên cần được bàn bạc để xác định được những loại hình đào tạo, loại hình chứng chỉ cấp sau khi đào tạo.

Theo chúng tôi, ở các trường đại học, cao đẳng đào tạo về môi trường (khoa học môi trường, công nghệ môi trường, kỹ thuật môi trường, kinh tế môi trường) sinh viên đã được học nhiều môn có liên quan đến kiểm kê phát thải chất ô nhiễm và kiểm kê khí nhà kính.

Vì vậy, nếu cho phép các trường này đào tạo các cán bộ chuyên trách như quy định trong Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/1/2022 là thích hợp nhất.

Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (Đồng Nai) là trường đầu tiên trên cả nước có chương trình đào tạo tín chỉ carbon (Ảnh: NTCC)

Tuy nhiên, do Việt Nam sẽ tham gia cả thị trường carbon quốc tế nên các đơn vị đào tạo phải phối hợp với các tổ chức quốc tế để mời các chuyên gia giỏi sang dạy, hoặc kết hợp với các tổ chức nước ngoài có uy tín chuyên về lĩnh vực này để xây dựng các quy trình tính toán tín chỉ carbon cho một số loại cơ sở điển hình ở Việt Nam.

Về loại hình đào tạo: Cơ sở đào tạo sẽ đào tạo để cấp chứng chỉ cán bộ chuyên trách trong thời gian 3 tháng trở lên cho đối tượng đã tốt nghiệp đại học về các lĩnh vực môi trường. Hoặc khóa tập huấn ngắn hạn có cấp chứng chỉ cho các cán bộ có thẩm quyền, phụ trách công việc liên quan đến hoạt động của thị trường carbon, các cán bộ của các cơ quan tham gia thị trường và những người quan tâm khác; Thời gian chỉ vài tuần đến cỡ 1 tháng liên tục.

Nội dung đào tạo xoay quanh những yêu cầu quốc tế và Việt Nam về tín chỉ carbon và vận hành thị trường tín chỉ carbon trong nước, tham gia thị trường carbon quốc tế. Nội dung cũng tập trung nhiều về cách tính phát thải CO2e quốc gia và của các ngành, cơ sở điển hình của Việt Nam và khả năng trao đổi, mua bán tín chỉ carbon trong nước và quốc tế.

Ngoài ra phải có những đợt đi thực địa xuống một số cơ sở thực hiện tất cả các khâu từ tính toán xác định mức tín chỉ carbon, lập hồ sơ xin thẩm định và cấp chứng chỉ gửi cơ quan có thẩm quyền, xây dựng cơ sở dữ liệu để có thể cập nhật hàng năm theo yêu cầu trong Nghị định nêu trên.

Để được đào tạo cấp chứng chỉ, các đơn vị phải xây dựng được chương trình đào tạo sát với yêu cầu của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/1/2022 và đăng ký đào tạo để được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tất nhiên, các trường đại học, cao đẳng cũng có thể dựa trên quyền hạn của mình, xây dựng chương trình, tập hợp giảng viên, tổ chức tuyển sinh để đào tạo và cấp chứng chỉ. Nếu đào tạo tốt, các cán bộ được đào tạo có thể làm việc trong các tổ chức chuyên tư vấn, làm dịch vụ tính toán xây dựng tín chỉ cho các cơ sở tham gia thị trường, thậm chí tham gia các cơ quan thẩm định, ngồi hội đồng thẩm định để cấp tín chỉ carbon.

Thời gian qua, thông tin Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (Đồng Nai) là trường đầu tiên trên cả nước có chương trình đào tạo tín chỉ carbon thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là nhiều em học sinh đang học trung học phổ thông.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Khánh Cường - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (Đồng Nai) cho biết, trường vừa ký kết chuyển giao chương trình đào tạo tín chỉ carbon với tổ chức BTEC Pearson (Vương quốc Anh).

Tổ chức BTEC Pearson sẽ chuyển giao từ chương trình đến việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên và một số tài liệu liên quan để nhà trường đào tạo.

Đối với chứng chỉ Cacbon đào tạo từ 3-6 tháng cho những người đã có chuyên môn về lĩnh vực đó. Học viên sẽ được học về những hành lang pháp lý tín chỉ carbon, các kiến thức về khí thải, hiệu ứng nhà kính, tính toán phát thải ra môi trường, lượng bù trừ carbon, kinh doanh và quản lý tín chỉ carbon, chiến lược quản lý carbon…

“Chứng chỉ Cacbon đào tạo sơ cấp, dự kiến đầu tháng 4/2024 mới chuẩn bị kịp các điều kiện cần thiết để triển khai tuyển sinh và đào tạo. Nhà trường bắt đầu tuyển sinh từ tháng 8/2024, dự kiến vào ngày 20/8/2024 sẽ tổ chức cho sinh viên nhập học đợt đầu tiên. Khóa đầu tiên, nhà trường tuyển sinh mỗi ngành một lớp với số lượng tuyển sinh từ 25-50 học viên”, ông Cường nói.

Lã Tiến

GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Hội Kinh tế môi trường Việt Nam

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/vn-se-co-thi-truong-carbon-nen-can-dao-tao-nhan-luc-du-chuyen-mon-post240874.gd