VNM: Khối ngoại mua mạnh – dòng tiền đầu cơ hay dài hạn?

VNM, cổ phiếu có lợi nhuận cao nhất ngành hàng tiêu dùng và tăng trưởng EPS ở mức 90%, thuộc mức cao nhất TTCKVN được mua mạnh bởi khối ngoại trong tháng 2.

Trong lúc khối ngoại có xu hướng bán ròng mạnh trong tuần cuối tháng 2/2010 thì VNM và nhóm cổ phiếu ngân hàng bảo hiểm được mua ròng rất mạnh. Trong tuần, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng VNM gần 6 triệu USD (120 tỷ) và ba cổ phiếu nhóm ngân hàng tài chính: VCB (76 tỷ), CTG (55 tỷ) và BVH (49 tỷ) nhưng xét trên toàn thị trường họ bán ròng 154 tỷ trên cả HOSE và HNX. Chỉ riêng hai ngày thứ 5 và thứ 6 tuần trước NĐTNN bán ròng tổng giá trị 237 tỷ VND (HOSE: 211 tỷ và HNX: 26 tỷ) Theo chúng tôi, VNM - cổ phiếu có lợi nhuận cao nhất ngành hàng tiêu dùng và tăng trưởng EPS ở mức 90%, thuộc mức cao nhất TTCKVN - được mua mạnh bởi khối ngoại do: (i) trào lưu đầu tư an toàn vào các cổ phiếu thực phẩm có tăng trưởng tại Châu Á những bất ổn của khủng hoảng nợ Châu Âu; và (ii) thông tin không chính thức về lợi nhuận đột biến có thể từ việc bán nhà máy chế biến cà phê và những tiến triển tốt trong kế hoạch mua lại HNM. Việc khối ngoại mua mạnh nhóm cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm bao gồm VCB, CTG và BVH, được cho là mang nhiều đặc điểm của dòng tiền đầu cơ ngắn hạn. Trong khi đó PPC, VSH và VIC nằm trong danh mục tái cấu trúc hoặc thoái vốn do những diễn biến chính sách của Việt Nam gần đây. Vì sao NĐTNN lại mua mạnh VNM? EPS tăng gần gấp đôi năm 2009, trào lưu đầu tư an toàn vào các cổ phiếu thực phẩm có tăng trưởng tại Châu Á và những tin đồn cực tốt đã giúp VNM là tâm điểm của khối ngoại trong tuần 21-26/2/2010. Số lượng cổ phiếu VNM còn được phép sở hữu của NĐTNN giảm mạnh trong tháng 2 Nguồn: Stox.vn (i) VNM là cổ phiếu có sự tăng trưởng về tài sản, lợi nhuận bền vững trong nhiều năm qua và kể cả trong đáy khủng hoảng năm 2008 VNM vẫn có 24% tăng trưởng doanh số. Năm 2009 là 29% và lợi nhuận tăng gấp đôi so với năm 2008 đạt 2.376 tỷ VND. Đây là mức lợi nhuận lớn nhất trên TTCKVN nếu không tính ngành tài chính. VNM chỉ đứng sau VCB (4,4 ngàn tỷ) và CTG (2,8 ngàn tỷ). Tăng trưởng EPS (đã điều chỉnh đợt phát hành cổ phiếu thưởng 1:1 năm 2009) lên tới 90%. Theo số liệu của StoxPlus thì đây là cổ phiếu có EPS tăng trưởng cao nhất TTCKVN trong số 50 cổ phiếu lớn nhất. (ii) VNM nằm trong trào lưu mua mạnh các cổ phiếu có sức tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững qua khủng hoảng với thương hiệu nổi tiếng ngành hàng tiêu dùng để bảo vệ danh mục đầu tư trước những rủi ro tiềm ẩn của cuộc khủng hoảng nợ từ Châu Âu và Hy Lạp. McDonald’s (mã MCD), Coca-Cola (KO), Pepsico (PEP) là có doanh số tăng trưởng 20-30% tại các thị trường Châu Á (tại thị trường Mỹ không tăng trưởng) gần đây đã được khuyến nghị mua. (iii) Và cuối cùng nhưng theo chúng tôi là quan trọng nhất thì trên thị trường có hai thông tin không chính thức về VNM: (1) lợi nhuận đột biến từ việc chuyển nhượng lại nhà máy café hòa tan. Theo báo cáo phân tích của CTCK Bản Việt thì chi phí xây dựng một nhà máy tương tự lên đến 25 triệu USD trong khi chi phí trên sổ sách của VNM là rất thâp; và (2) VNM gần đây có những tiến triển tốt trong thương vụ M&A mua lại đơn vị cùng ngành tại Hà Nội có gần 30% thị phần sữa cho trẻ em: HNM. Thực tế, HNM cũng được lợi từ câu chuyện này khi giá tăng kịch trần trong 2 phiên cuối tuần rồi. Thống kê giao dịch VNM trong tuần vừa qua cho thấy, số lệnh bán (3,8 ngàn lệnh) vẫn gấp đôi số lệnh mua (1,9 ngàn lệnh) và dư bán vẫn lớn hơn nhiều dư mua. Điều này chứng tỏ áp lực xả hàng của khối nội và các quỹ đóng mua trước kia vẫn rất lớn. Theo số liệu của StoxPlus, VNM là một trong 10 cổ phiếu được mua nhiều nhất trong năm 2008 – năm khủng hoảng. Nếu dòng vốn mua mạnh VNM là P-Notes và ETF trong thời gian gần đây thì rủi ro còn đó và khối ngoại có thể quay đầu rất sớm nếu theo quy luật “lướt sóng” của họ gần đây. Các yếu tố đầu cơ và lướt sóng của khối ngoại đối với VNM là có nhưng nếu các tin không chính thức về việc chuyển nhượng nhà máy café hòa tan và mua HNM có tiến triển tốt thì câu chuyện của KDC và GMD (lợi nhuận đột biến từ việc định giá lại tài sản) sẽ lặp lại. Tuy nhiên VNM có điểm hấp dẫn hơn là lợi nhuận bằng tiền (realised gain) thay vì lợi nhuận kế toán do đánh giá lại (unrealised gain). Do vậy chúng tôi khuyến nghị quý khách hàng đưa ra chiến lược đầu tư dựa trên sự đánh giá và tìm hiểu sâu hơn về hai luồng thông tin này. “Mua tin đồn, bán tin thật” có thể là một chiến lược đầu tư đem lại lợi nhuận cao nhưng rủi ro là rất lớn. Vì sao họ bán VIC, DPM, HPG, PPC, HAG và mua mạnh VCB, CTG và BVH? (i) Các cổ phiếu bị bán mạnh trong tuần qua chủ yếu đều nằm trong danh sách các cổ phiếu thành phần của các quỹ ETF (quỹ theo dõi chỉ số), vốn đã khá năng động trên TTCKVN thời gian gần đây. Có thể thấy rõ, 4/5 cổ phiếu bị bán mạnh trong tuần qua nằm trong danh mục thành phần của quỹ BD-TRACKER (ii) Các cổ phiếu bị bán mạnh gắn với kết quả kinh doanh thất vọng (VSH có EPS suy giảm 50%), rủi ro tỷ giá và điều chỉnh giảm giá trị đồng VND (PPC, VSH, VIC) và việc tăng giá nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng đến các công ty này (PPC, HPG). Các cổ phiếu ngành điện sẽ vẫn chịu ảnh hưởng của sự mất giá VND ảnh hưởng đến việc đánh giá lại các khoản vay của họ. Trong khi đó giá tăng điện mà EVN duyệt cho nhà sản xuất PPC có thể thấp hơn nhiều so với sự ảnh hưởng của tăng giá than (vốn chiếm gần 50% giá thành sản phẩm). Nhà đầu tư có thể tìm đọc thêm các bài phân tích về tác động của việc tăng giá than, điện và, xi măng trên Stox.vn và các phương tiện truyền thông khác. (iii)Theo các thông tin mà chúng tôi có được, đang có dấu hiệu của dòng vốn đầu cơ nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong đó có quỹ của nhà tỷ phú George Soros với tên giao dịch Asia Pacific Tiger Fund. Đây là nguyên nhân của việc mua vào các cổ phiếu ngân hàng bảo hiểm trong các phiên gần đây. Tuy nhiên áp lực xả hàng của khối nhà đầu tư trong nước là rất lớn. Riêng trong phiên cuối tuần trước dư bán của CTG gấp 8 lần dư mua trong khi con số này của VCB là hơn 6 lần. Nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam – họ là ai? Nhóm 1: Quỹ đóng (close-end funds): Đỉnh điểm của VN-Index trên 1170 điểm được thiết lập vào cuối năm 2007 với sự giúp sức của dòng vốn ngoại. Tổng số tiền chuyển vào Việt Nam ước tính lên tới gần 8 tỷ USD. Khoảng hơn 50% trong số này là giải ngân vào thị trường chứng khoán bao gồm cả các doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết hoặc đầu tư vốn tư nhân, phần còn lại là trái phiếu. Các quỹ này bao gồm nhiều quỹ dưới dự quản lý của VinaCaptial, Dragon Capital, Indochina Capital,v.v. Nhóm 2: P-notes: Dòng vốn này có quy mô không lớn và thông qua các ngân hàng đầu tư. Quỹ được xem như một công cụ thanh toán thương mại tương tự như thương phiếu và tín phiếu và do đó không phải đăng ký với cơ quan quản lý. Không có con số tài sản chính thức và sẽ tùy thuộc vào giao dịch của họ qua các ngân hàng đầu tư như HSBC, DB, Citigroup. Nhóm 3: Quỹ ETF: Tính đến cuối năm 2009 có ba quỹ với tổng tài sản 98 triệu USD (theo số liệu của Rosthchild LCF), trong đó đáng lưu ý là quỹ của DB - ex tracker với 91 triệu USD. Đây là quỹ có nhà đầu tư chủ yếu từ Châu Âu. Các quỹ này hoạt động với mục đích dõi theo chỉ số và thị trường và họ chỉ đầu tư vào các cổ phiếu có đủ các điều kiện (i) còn room đủ lớn để mua; (ii) có tính thanh khoản cao dựa trên số cổ phiếu có thể được giao dịch (free-float) và (iii) vốn hóa lớn, trong top 20 của thị trường. Tháng 2/2010 quỹ đầu cơ của nhà tỷ phú George Soros cũng đã quan tâm đến thị trường Việt Nam và theo con số không chính thức quy mô tài sản phân bổ cho thị trường Việt lên đến 200 triệu USD. Nhóm 4: NĐTNN cá nhân: Hơn 12 ngàn tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong tổng số 13 ngàn tài khoản đã được mở tại các công ty chứng khoán đến hết năm 2009. Download bài viết đầy đủ tại TTPT Tuấn Nguyễn, Analyst

Nguồn StoxPlus: http://stox.vn/v2/Views/Web/MessagesDetail.aspx?CatID=210&id=51162&MenuID=1&Title=.stox