Vở cải lương 'Thầy Ba Đợi' khiến nhiều người rơi nước mắt

Khán giả chật cứng Nhà hát lớn để xem vở diễn vở cải lương Thầy Ba Đợi do Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp các nghệ sĩ của Nhà hát Trần Hữu Trang biểu diễn.

Vở Cải lương "Thầy Ba Đợi" kể lại một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc thời vua Hàm Nghi. Trong đó, câu chuyện khắc họa rõ nét chân dung của thầy Ba Đợi, tên thường gọi là Nhạc quan - Nhạc sư Nguyễn Quang Đại, người có công lớn đối với quá trình hình thành và phát triển buổi đầu của nghệ thuật Cải lương.

Cảnh trong Thầy Ba Đợi

Thầy Ba Đợi đã kết hợp Lễ nhạc, Nhã nhạc cung đình Huế với Hát bội, Đờn ca tài tử để tạo thành nghệ thuật Cải lương lưu truyền đến bây giờ. Với kịch bản văn học của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, được soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương, NSƯT Triệu Trung Kiên và Lê Trung Thảo đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu chỉ đạo nghệ thuật, vở "Thầy Ba Đợi" đem đến cho công chúng một cái nhìn vừa toàn cảnh vừa cụ thể về một giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Trong vở diễn có nhiều trường đoạn khán giả hết sức ấn tượng. Đoạn vua Hàm Nghi bị đầy tạo hiệu ứng tình cảm đối với khán giả. Rồi mối tình giữa nhạc sư Quang Đại và cô Ái Hoa. Cô Ái Hoa đã hy sinh cả mạng sống để nhạc sư Quang Đại được an toàn, giống như đồng bào Nam Bộ chở che cho nhạc sư vậy. Cảnh nhạc sư Quang Đại qua đời cũng khiến nhiều người rơm rớm nước mắt.

Vở diễn cũng giúp người xem hiểu rõ hơn về cội nguồn cũng như phô diễn được những vẻ đẹp, những giá trị của nghệ thuật sân khấu Cải lương Việt Nam.

T.Lê

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/vo-cai-luong-thay-ba-doi-khien-nhieu-nguoi-roi-nuoc-mat-453993.html