Vợ chồng chung sống lâu năm thường suy nghĩ giống nhau

Nghiên cứu cho thấy sống với nhau thời gian dài, các cặp đôi dần có suy nghĩ, cách hành xử giống nhau. Đây có thể là yếu tố dự báo mức độ hạnh phúc của hôn nhân.

 Nghiên cứu khoa học cho thấy có nhiều yếu tố có thể giúp dự báo mức độ hài lòng trong hôn nhân. Ảnh: Pixels.

Nghiên cứu khoa học cho thấy có nhiều yếu tố có thể giúp dự báo mức độ hài lòng trong hôn nhân. Ảnh: Pixels.

Sự hài lòng trong hôn nhân và khả năng tương thích trong quan hệ tình cảm là chủ đề được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, các nhà khoa học chỉ mới bắt đầu tìm hiểu lý do nhiều cặp vợ chồng cho biết họ hạnh phúc với hôn nhân trong khi số khác lại không hài lòng với mối quan hệ này.

Đến nay, các nghiên cứu đã xác định một số yếu tố có thể góp phần vào hạnh phúc hôn nhân. Ví dụ, một đánh giá có hệ thống năm 2016 cho thấy tôn giáo, tình dục và giao tiếp ảnh hưởng đến sự hài lòng trong hôn nhân. Các yếu tố quan hệ nhân sinh, sức khỏe tâm thần cũng đóng vai trò quan trọng. Cùng với đó, nghề nghiệp, độ dài của hôn nhân, tuổi tác, số con ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc.

Ngoài ra, theo thời gian, các cặp vợ chồng có hôn nhân hạnh phúc thường bắt đầu suy nghĩ, hành xử giống nhau. Ví dụ, nghiên cứu năm 2021 phát hiện sự đồng bộ trong tính cách theo thời gian của các cặp vợ chồng lớn tuổi.

Song, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ liệu sự đồng bộ này có mang lại cảm giác hài lòng hơn về hôn nhân không.

Tuy nhiên, theo Medical News Today, nghiên cứu mới từ các nghiên cứu do Đại học Stanford (Mỹ) phối hợp với các nhà khoa học ở Trung Quốc đã đưa ra cái nhìn sâu sắc hơn về sự hài lòng trong hôn nhân.

Cụ thể, họ phát hiện những cặp vợ chồng khác giới có mức độ hài lòng trong hôn nhân cao hơn cũng có hoạt động não bộ đồng bộ khi xem các hình ảnh liên quan đến hôn nhân.

Hơn nữa, trái ngược với nghiên cứu khác, các nhà khoa học không tìm thấy mối liên hệ đáng kể nào giữa sự hài lòng trong hôn nhân với tuổi tác, giới tính, đặc điểm tính cách hoặc độ dài cuộc hôn nhân. Nghiên cứu này được xuất bản trong kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (PNAS).

Những người sống với nhau lâu năm sẽ có sự đồng bộ não cao hơn. Ảnh: Getty.

Hôn nhân hạnh phúc khiến vợ chồng suy nghĩ giống nhau?

Các tác giả đưa ra giả thuyết có thể đo lường mức độ hài lòng trong hôn nhân bằng cách xem xét phản ứng của não bộ đối với các tín hiệu liên quan đến hôn nhân và xã hội.

Họ cũng giả thiết vì nhiều bằng chứng cho thấy hoạt động thần kinh ở các cặp vợ chồng ngày càng đồng bộ hóa theo thời gian và trải nghiệm sống cùng nhau, sự đồng bộ này có thể góp phần tạo ra hôn nhân hạnh phúc.

Để nghiên cứu thêm lý thuyết này, các nhà khoa học đã tuyển chọn 35 cặp đôi dị tính ở Trung Quốc đã kết hôn ít nhất một năm. Họ cũng bao gồm các cặp nam - nữ chưa kết hôn được chọn ngẫu nhiên.

Đầu tiên, nhóm nghiên cứu xác định các yếu tố hành vi hoặc tính cách có dự đoán hạnh phúc hôn nhân hay không bằng cách yêu cầu những người tham gia hoàn thành bảng hỏi về sự hài lòng và gắn bó trong hôn nhân. Những người này cũng thực hiện bài kiểm tra tính cách Big Five (5 tính cách chủ yếu của con người).

Sau đó, những người tham gia được quét fMRI não trong khi xem các clip liên quan đến mối quan hệ và đối tượng. Các nhà khoa học hy vọng xác định được liệu các cặp đôi đã kết hôn có biểu hiện sự đồng bộ hóa hoạt động não nhiều hơn các cặp nam - nữ được chọn ngẫu nhiên hay không.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu bằng cách tính toán sự đồng bộ hóa xen kẽ (ISS) giữa những người đã kết hôn. Họ cũng áp dụng các biện pháp phân tích nhằm xác định liệu ISS giữa các cặp vợ chồng có liên quan đến sự hài lòng trong hôn nhân không.

Ngoài ra, nhóm kiểm tra vai trò của trạng thái mặc định (DMN) - các vùng não bộ liên quan đến suy nghĩ, cảm xúc, niềm tin về bản thân và những người khác - đóng vai trò gì trong hạnh phúc hôn nhân.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã xem xét liệu ISS trong DMN có liên quan đến các yếu tố cụ thể của sự hài lòng trong hôn nhân, bao gồm tính cách, giao tiếp và giải quyết xung đột, hay không.

Phân tích cho thấy những cặp vợ chồng hạnh phúc thường có hoạt động ở não tương tự khi họ xem các clip liên quan đến mối quan hệ. Tuy nhiên, hoạt động thần kinh đồng bộ này đã không xảy ra khi họ xem các hình ảnh liên quan đến vật thể, bất kể mức độ hài lòng trong hôn nhân ra sao.

Hơn nữa, các cặp vợ chồng hạnh phúc cho thấy hoạt động não đồng bộ hơn những cặp được ghép đôi ngẫu nhiên.

Trong một bài báo của Stanford Medicine, tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Vinod Menon, giáo sư Tâm thần học và Khoa học hành vi tại ĐH Stanford, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy mối liên hệ giữa hạnh phúc hôn nhân và các biện pháp đo lường hành vi, như kiểm tra tính cách, khá yếu”.

Trong bài báo, TS Vinod giải thích các cặp vợ chồng thường hoạt động não đồng bộ hơn những người được ghép đôi ngẫu nhiên bất kể họ hài lòng với hôn nhân không. Tuy nhiên, những người hạnh phúc thường có mức độ đồng bộ lớn hơn.

Nguồn gốc của tâm trí đồng bộ

Các cá thể liên kết với nhau và tạo ra các liên kết cặp do nhiều yếu tố phức tạp. Song giới khoa học vẫn chưa thể hiểu hết làm thế nào một cặp vợ chồng ngày càng suy nghĩ giống nhau.

Tiến sĩ Jared Heathman, bác sĩ tâm thần tại Texas, nói với Medical News Today: “Các cặp vợ chồng thường suy nghĩ giống nhau. Đó gọi là tư duy đồng bộ. Kiểu suy nghĩ này có thể là thứ gắn kết các cặp đôi với nhau. Mọi người thường chọn bạn đời tương đồng với họ. Suy nghĩ đồng bộ có thể là phản ứng có thể xảy ra sau khi một cặp vợ chồng đã ở bên nhau thời gian dài”.

Giải thích kết quả nghiên cứu, TS Heathman nói thêm suy nghĩ của ông về điều này là trong một mối quan hệ, cả hai đều hướng tới suy nghĩ giống nhau về nhu cầu, mong muốn và hy vọng. Họ ảnh hưởng lẫn nhau.

Dù vậy, họ vẫn có quan điểm, cái nhìn khác nhau về những chủ đề khác nhau. Đó là lý do họ không có hoạt động não tương tự khi xem các hình ảnh không liên quan đến mối quan hệ.

Tiến sĩ Monica Vermani, nhà tâm lý học lâm sàng và là tác giả cuốn Deeper Wellness: Conquering Stress, Mood, Anxiety and Traumas, nói: “Những cặp đôi có tư duy, tính cách giống nhau thường dễ đến với nhau, dễ chung sống hòa thuận. Mặt khác, một số người tìm kiếm người sở hữu đặc điểm mà họ thiếu hụt để đạt được cảm giác cân bằng”.

Về kết quả của nghiên cứu, tiến sĩ Vermani gợi ý sự tương đồng của não cho thấy mức độ có chung nhận thức, suy nghĩ, cách xử lý cảm xúc, sự tức giận, tương tác giữa cá nhân và xã hội.

“Những điểm tương đồng về hoạt động thần kinh/não bộ như vậy có thể là yếu tố dự báo mức độ hài lòng trong hôn nhân”, bà kết luận.

Nguyên Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vo-chong-chung-song-lau-nam-thuong-suy-nghi-giong-nhau-post1361321.html