Vợ chồng giáo viên tiếp sức học trò nghèo bằng bữa sáng miễn phí

Trải qua tuổi thơ vất vả và thiếu thốn khiến thầy Lương Văn Bá (giáo viên Thể dục) cùng vợ là Phạm Thị Thêu (giáo viên văn, trường THCS Dũng Hợp, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) quyết tâm chuẩn bị những bữa ăn sáng đủ chất dinh dưỡng dành tặng các em học trò nghèo.

Sáng thứ ba “miễn phí”

Từ 6h sáng, trước nhà cô Thêu - thầy Bá, các em học sinh đã bắt đầu í ới gọi nhau và càng lúc đến càng đông hơn. Những suất ăn nóng hổi được các em đón nhận trong niềm hân hoan. Vừa tất bật phục vụ các "thực khách" nhỏ tuổi, hỏi han về món ăn, lại phải vừa nhắc nhở các em giữ trật tự và vệ sinh chung, hai vợ chồng thầy Bá bận rộn, quay qua quay lại, không ngớt mồ hôi.

Cứ tốp học sinh này rời đi, lại một tốp học sinh khác đi vào. Bữa sáng chỉ diễn ra trong vòng 45 phút trước giờ vào học nhưng rất khẩn trương và dường như tất cả đều thấy hài lòng. Dù mệt nhưng khi nhìn thấy những đứa trẻ ngoan ngoãn ăn uống, vui vẻ nói cười và yên tâm rằng chúng đã được ăn no - ăn đủ chất trước khi đến lớp, thầy Bá - cô Thêu lại càng thêm có động lực và tin tưởng vào quyết định của mình.

Vợ chồng thầy cô giáo tự tay nấu bữa sáng tặng trò nghèo

Vợ chồng thầy cô giáo tự tay nấu bữa sáng tặng trò nghèo

“Ngày trước chúng ta vất vả thì không trách được vì cả xã hội như thế. Nhưng sau bao nhiêu năm, giờ đi dạy, vẫn thấy nhiều em vì hoàn cảnh mà không được ăn sáng đi học, hoặc ăn không đến nơi đến chốn thì tôi thương lắm. Nếu giàu có hơn thì mình sẽ có nhiều cách để giúp nhưng vì điều kiện có hạn nên vợ chồng tôi chỉ nghĩ thôi thì cứ làm việc thiết thực nhất trong khả năng của mình. Không đủ điều kiện làm tất cả các ngày thì tuần làm một ngày, cố gắng duy trì đều đặn là được”, thầy Lương Văn Bá chia sẻ.

Với sự đồng tâm hiệp ý và cả sự hỗ trợ của một số bạn bè thân thiết, vợ chồng thấy Bá - cô Thêu quyết định trích một phần tiền lương và bỏ thời gian, công sức để tổ chức bữa ăn sáng cho học trò. Ngày 9/4, bữa sáng miễn phí đầu tiên cho học sinh nghèo trên địa bàn được triển khai. Và từ đó đến nay, cứ mỗi thứ 3 hàng tuần, cửa hàng tạp hóa trước cửa nhà thầy cô trở thành điểm hẹn của các em học sinh nghèo cùng đến ăn sáng. Sau gần hai tháng, với trung bình 250 suất ăn mỗi ngày được chuẩn bị với thực đơn đa dạng như bánh mì kẹp thịt, xôi giò, xôi trứng, mì tôm xào thịt… thì đã có hàng nghìn lượt trẻ em được ăn sáng miễn phí.

Khi suất ăn cuối cùng được trao đến tay học sinh thì thầy Bá - cô Thêu cũng vội xách cặp đến lớp cho đúng giờ

"Bữa đầu thấy thầy cô để bảng "Bữa sáng miễn phí cho học sinh" thì cũng ngại lắm nhưng nay thì quen rồi. Có hôm em được ăn xôi, hôm được ăn bánh mì kẹp thịt, hôm ăn mì xào... món nào cũng ngon lắm ạ. Trước nhà xa, nhà cũng ít đồ ăn, có hôm em chỉ ăn cơm nguội hoặc nhin đói đến lớp nhưng bây giờ, cứ đến sáng thứ ba, em và chị đều cố gắng đi sớm và đến nhà thầy cô để được ăn miễn phí" - em Lô Thị Thanh Hoa, học sinh lớp 6A, người dân tộc Thái, hồn nhiên khoe.

Thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Dũng Hợp cho biết: “Hoạt động tổ chức bữa ăn sáng của vợ chồng thầy Lương Văn Bá, cô Phạm Thị Thêu rất đáng được ghi nhận. Có gần 100 học sinh của trường được thụ hưởng chương trình này. Tuy mỗi tuần 1 bữa ăn nhưng đã động viên, khích lệ các em rất nhiều”.

Vất vả bao nhiêu cũng xứng đáng

Hành động có ý nghĩa là vậy, thế nhưng, ít ai biết rằng, đằng sau nụ cười, niềm vui của các em học sinh nghèo trước giờ lên lớp, là biết bao trăn trở của thầy Bá – cô Thêu từ những ngày đầu. “Khi nghe chồng nói về ý định này, tôi cũng thấy lo lắng lắm. Chuyện chi phí, tiền nong là một phần. Nhưng cái chính là với số lượng học sinh nhiều, sức hai vợ chồng có làm được không, có bảo đảm cho các em được ăn no, ăn ngon không?", cô Thêu nhớ lại.

Với cô Thêu và thầy Bá, những suất ăn sáng không chỉ giúp các trò nghèo có một bữa sáng đủ no mà chứa đầy yêu thương

Mặc dù mỗi suất ăn sau trừ các chi phí nấu nướng, chỉ có giá trị 5.000 đồng nhưng với mong muốn các suất ăn vừa đáp ứng được sở thích của các em, vừa phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng để các em đến trường, thầy và cô đã phải nghiên cứu để xây dựng thực đơn phù hợp. Sau đó, các công đoạn để đưa ra được các suất ăn ngon, bổ dưỡng cũng lấy đi không ít tâm huyết và sự chuẩn bị. Các nguyên liệu được tuyển chọn kĩ càng, và phải là các nguyên liệu sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Công tác bảo quản, chế biến cũng được chú trọng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đợt này ở Nghệ An có dịch tả lợn châu Phi, dù xã Nghĩa Dũng không nằm trong vùng dịch nhưng để chắc chắn, thầy Bá vẫn cẩn thận mua lợn về tự làm thịt, trữ đông để nấu.

Cứ vào sáng thứ 3 hàng tuần, tiệm ăn sáng miến phí của vợ chồng cô Thêu lại đông đúc các trò nghèo miền núi

Để chuẩn bị cho 250 suất ăn sáng vào mỗi sáng thứ ba, thì ngay từ chiều thứ hai, vợ chồng thầy Bá đã phải tất bật chuẩn bị thực phẩm. Và sáng hôm đó, từ 4h sáng, khi mọi người còn đang say giấc thì thầy cô đã đỏ lửa nấu nướng. Không ai bảo ai, mỗi người một việc, làm không ngơi tay, trong khi cô Thêu bắc bếp đồ xôi thì thầy Bá nhanh tay chiên trứng hoặc rán xúc xích.

Những việc đó, có lẽ nếu chúng tôi không hỏi, thầy cô cũng sẽ không bao giờ nhắc đến. Bởi như thầy Bá đã chia sẻ với chúng tôi: “Có vất vả như thế, chứ vất vả hơn nữa cũng xứng đáng. Chỉ cần các em được ăn ngon, ăn đủ chất để đến trường là chúng tôi vui rồi. Rất mừng là thời gian qua, vợ chồng luôn nhận được sự ủng hộ, quan tâm của nhiều bạn bè, đồng nghiệp - điều này càng giúp chúng tôi có thêm tin tưởng và động lực để tiếp tục. Biết là sẽ rất khó nhưng chúng tôi sẽ cố gắng duy trì mỗi tuần 1 bữa sáng miễn phí cho các em trong năm học tiếp theo và cố gắng để càng nhiều em được hỗ trợ ăn sáng càng tốt”.

Đình Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/vo-chong-giao-vien-tiep-suc-hoc-tro-ngheo-bang-bua-sang-mien-phi-post59903.html