Vợ chồng hiệu trưởng nhận hàng chục tỷ đồng tiền bát họ ảo rồi 'bùng'

Lợi dụng lòng tin của nhiều người, hai vợ chồng hiệu trưởng một trường cấp 2 ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đã tự lập ra nhiều bát họ ảo để chiếm...

Một số nạn nhân tố bị hiệu trưởng lừa tiền cung cấp thông tin cho chúng tôi. Ảnh: PV

Tan nát vì chơi bát họ

Phản ánh tới Báo Lao Động, các ông Nguyễn Tiến Duy (SN 1954), bà Lê Thị Trâm (SN 1962), Nguyễn Thị Oanh (SN 1968) và nhiều người dân khác ở xã Tam Đa (huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng) tố cáo đích danh vợ chồng hiệu trưởng Trường THCS Đồng Minh - Lê Kim Đính và vợ là Trần Thị Hảo - giáo viên dạy ngoại ngữ Trường THCS Hưng Nhân có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng chục hộ dân trong và ngoài xã, số tiền lên đến gần 20 tỷ đồng.

Theo đó, từ năm 2009-2014, vợ chồng Hiệu trưởng Đính - Hảo đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn Hoa Đàm, xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo đã tự lập ra nhiều bát họ ảo, rồi đi đến từng gia đình người thân, họ hàng, làng xóm và đồng nghiệp,… để vận động tham gia chơi bát họ có lãi, với số tiền góp hàng tháng từ 1-10 triệu đồng/người/bát.

Khi tham gia, nếu ai chơi bát họ 1 triệu đồng/tháng và đóng một lúc 10 tháng một thì sẽ được bà Hảo tính lãi 20%/năm. Còn chơi bát 15 tháng trở lên thì mức lãi suất sẽ là 30.000 đồng/1 triệu đồng/tháng; hoặc chơi bát trên 26 tháng tiền lãi sẽ là 40.000 đồng/1 triệu đồng/tháng. Mức lãi suất chơi họ đều do vợ chồng Hảo tự dựng lên và giấu kín không cho ai biết con số cụ thể.

"2 vợ chồng họ vào từng nhà chúng tôi gạ cho vay tiền, có ký nhận giấy tờ cẩn thận. Lúc vay, 2 vợ chồng hiệu trưởng này còn nói: "Các chị cứ tin tưởng chúng em. Em là hiệu trưởng và vợ là giáo viên, các bác cứ cho bọn em vay để làm ăn. Em sợ người khác lừa bọn em chứ mọi người không phải sợ em lừa"" - bà Trâm kể lại.

Tờ danh sách nạn nhân ngày một dài thêm.

Sau một thời gian dài dựng bát họ ảo, đến cuối năm 2014, đúng thời điểm mà 2 vợ chồng ông Đính tuyên bố vỡ nợ thì số tiền mà 2 vợ chồng này đã nhận, chiếm đoạt của rất nhiều người đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Khi những người này đến đòi lại tiền, cả 2 vợ chồng đều tránh mặt, đôi lúc lại hành hung chính cả chủ nợ khiến nhiều người bức xúc.

Không chỉ chiếm đoạt tiền của những gia đình có điều kiện, ông Đính cùng vợ còn vay mượn nhiều tỷ đồng của các cá nhân và tập thể, trong đó có cả hộ nghèo, người tàn tật, gia đình chính sách… Sau khi cặp vợ chồng này tuyên bố vỡ nợ, nhiều gia đình đã lâm vào hoàn cảnh hết sức bi đát, khó khăn. Họ phải bán hết đất cát trả nợ, vợ chồng cãi đánh nhau, thậm chí không ít trường hợp vợ chồng phải bỏ nhau như trường hợp của bà Nguyễn Thị Oanh.

"Không trả được là lừa đảo"

Ngày 6.11, trao đổi với Báo Lao Động, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch xã Tam Đa cho biết, về vấn đề này xã đã nắm được thông tin, và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh làm rõ.

"Đây cũng là trách nhiệm của địa phương vì sự việc này rất nghiêm trọng. Đa số những người trong đơn tố cáo vợ chồng hiệu trưởng này đều có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, rất nhiều người nghèo khổ, họ phải mò cua bắt ốc để có tiền dành dụm. Có những người còn bán đất bán nhà và vay ngân hàng để có tiền tham gia và cho vay" - ông Thọ nói.

Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch xã Tam Đa.

Theo ông Thọ, ngay khi xảy sự việc vợ chồng Hiệu trưởng Đính - Hảo tuyên bố vỡ nợ, 2 vợ chồng này đã ly hôn và chuyển sang xã Đồng Minh sinh sống. Tuy nhiên, cả 2 vẫn sống cùng nhau và chính bản thân ông Đính vẫn đang là hiệu trưởng trường THCS Đồng Minh.

Cũng theo ông Thọ, ban đầu sự việc chỉ mang tính dân sự nhưng khi những người nhận tiền, vay tiền của nhiều người mà không trả hoặc không có khả năng chi trả thì đây là hành vi lừa đảo.

Thông tin với PV về vấn đề này, một lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo cho biết, huyện đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh, xử lý các thông tin liên quan đến việc người dân tố cáo cặp vợ chồng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Phạm Đông - Trần Khanh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/ban-doc/vo-chong-hieu-truong-nhan-hang-chuc-ty-dong-tien-bat-ho-ao-roi-bung-640095.ldo