Vô cùng thương tiếc người anh, người thầy tài năng uyên bác

Tin anh Phạm Sỹ Liêm ra đi quá đột ngột, khiến cho tất cả chúng tôi quá bàng hoàng và vô cùng xúc động. Viết về những cảm xúc và những kỷ niệm với anh Liêm, một bài viết dù có dài đến chục trang vẫn không đủ...

Tin anh ra đi quá đột ngột, khiến cho tất cả chúng tôi, những người đang công tác ở Tổng hội Xây dựng Việt Nam quá bàng hoàng và vô cùng xúc động. Anh Trần Trung Chính, Trưởng ban Thông tin truyền thông của Tổng hội bảo tôi viết đi, viết về những cảm xúc và những kỷ niệm với anh Liêm. Một bài viết dù có dài đến chục trang vẫn không đủ.

TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoài Phong

Từ thời anh còn là cán bộ giảng dậy tại trường Đại học Bách khoa, đến khi anh làm Chủ trì đề tài nhà ở tấm lớn của Hà Nội, rồi Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng hội phụ trách báo chí… ở mỗi một thời kỳ công tác của anh tôi đều có những kỷ niệm với anh và đều là những kỷ niệm khó quên.

Mới đây, tháng 8.2018, chúng tôi đến nhà anh để mời anh đi dự họp lớp kỹ sư xây dựng khóa 3 trường Đại học Bách khoa nhân kỷ niệm 60 năm ngày nhập trường. Anh vui vẻ đón tiếp: “Các cậu cầu kỳ quá, thầy là hồi đó, còn đã là đồng nghiệp với nhau từ lâu rồi, chúng mình đều già cả đến làm chi cho vất vả mất công, chỉ cần nhắn tin hoặc gọi điện báo địa điểm tôi sẽ đến”. Hôm đó thầy đã đến và còn đọc thơ cho cả lớp chúng tôi nghe...

Tạp chí Người Xây dựng có thâm niên hơn 30 năm, có thể nói gần như không có số báo nào là không có bài viết của anh. Ban biên tập chúng tôi rất nhàn nhã với bài viết của anh bởi đó đều là những bài chuẩn, không phải chỉnh dù chỉ là dấu chấm, dấu phẩy. Năm 2010, tôi có giúp anh xuất bản cuốn sách “Nghiên cứu Đô thị - Quy hoạch - Quản lý - Đất đai - Bất động sản và Nhà ở”. Tháng 9 năm nay giúp anh xuất bản cuốn sách “Tân kinh tế học thể chế”. Cũng thật may mắn cho tôi, anh còn kịp nhìn thấy cuốn sách của mình nếu không thì tôi sẽ ân hận suốt đời bởi Nhà Xuất bản Tri thức, họ đã om bản thảo của anh rất lâu. Cầm trong tay tác phẩm của mình, anh xúc động nói với tôi “Rất cảm ơn cậu, đầu xuôi đuôi lọt, mình đang viết một cuốn nữa cho trọn bộ, lại phiền cậu giúp tiếp cho”.

Đọc sách của anh, đọc những bài viết của anh đăng trên các Tạp chí cũng như nghe những ý kiến đóng góp của anh qua các buổi hội thảo, thì dẫu người có kỹ tính đến mấy cũng không thể phủ nhận anh là một người tài năng, có kiến thức sâu rộng, uyên bác. Anh có một cuộc sống giản dị, bình dân, trong sạch, chân thành.

Chúng tôi, lớp người đã cao tuổi luôn kính trọng, lấy gương của anh để học tập để rèn luyện.

Quyển sách còn đang viết dang dở... Đâu còn được nghe thấy tiếng anh ấm áp, vui vẻ thân mật trong những buổi trà nước đầu tuần. Anh đã ra đi… Để lại cho chúng tôi một sự hụt hẫng to lớn.

Nguyễn Xuân Hải

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/vo-cung-thuong-tiec-nguoi-anh-nguoi-thay-tai-nang-uyen-bac-16492.html