Vợ Cựu Chủ tịch Nissan bị thẩm vấn do cáo buộc vi phạm tài chính

Bà Carole Ghosn - vợ của cựu Chủ tịch Tập đoàn Nissan của Nhật Bản Carlos Ghosn, đã bị các công tố viên thẩm vấn tại Tòa án quận Tokyo vì cáo buộc dùng công quỹ phụ vụ mục đích cá nhân.

Trụ sở của Nissan ở Yokohama, Nhật Bản. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Trụ sở của Nissan ở Yokohama, Nhật Bản. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Ngày 11/4, bà Carole Ghosn - vợ của cựu Chủ tịch Tập đoàn Nissan của Nhật Bản Carlos Ghosn, đã bị các công tố viên thẩm vấn tại Tòa án quận Tokyo, một tuần sau khi chồng bà bị bắt giữ trở lại với cáo buộc mới liên quan đến việc dùng quỹ của công ty để phục vụ cho mục đích cá nhân.

Trưởng nhóm luật sư của bà Ghosn, ông Junichiro Hironaka, cho biết bà Carole đã bị thẩm vấn trong 3 giờ đồng hồ và bà đã trả lời trung thực các câu hỏi của công tố viên, song ông này không tiết lộ nội dung cuộc thẩm vấn.

Tuy nhiên, theo luật sư Hironaka, bà Carole Ghosn đã đưa ra lời giải thích được cho là sẽ giúp chồng bà trắng án.

Trước đó, ngày 5/4 bà Carole Ghosn đã rời Nhật Bản để tới Pháp với hộ chiếu Mỹ, nhưng sau đó, bà đã trở lại Nhật Bản vào ngày 10/4.

Nhóm luật sư biện hộ của bà Carole nhấn mạnh đây là minh chứng cho thấy bà không bỏ trốn mà sẵn sàng hợp tác với nhà chức trách Nhật Bản. Trước đó, các nhà điều tra đã tịch thu hộ chiếu Liban của bà.

Một số thông tin cho rằng các công tố viên đã đưa ra các câu hỏi liên quan đến cáo buộc mới nhằm vào chồng bà, ông Carlos Ghosn. Theo các nhà điều tra, từ cuối năm 2015 đến giữa năm 2018, ông Ghosn đã chuyển 15 triệu USD từ các quỹ của Nissan cho đối tác phân phối ô tô Suhail Bahwan, và đã rút 5 triệu USD để dùng cho mục đích cá nhân.

Cũng theo các nguồn tin này, một phần trong số 5 triệu USD đã được chuyển đến một công ty của bà Carole Ghosn có trụ sở tại quần đảo Virgin (Anh) để mua một du thuyền hạng sang trị giá gần 14 triệu USD. Cựu Chủ tịch Nissan trước đó đã bác bỏ toàn bộ cáo buộc chống lại ông.

Ông Carlos Ghosn từng là nhân vật quyền lực nhất nhì ngành sản xuất ôtô thế giới khi đứng đầu liên minh sản xuất ô tô gồm hãng Renault của Pháp và hai hãng Nissan, Mitsubishi của Nhật Bản. Ông bị cáo buộc gian lận tài chính, bị bắt giam 3 tháng và mới được tại ngoại hôm 6/3 sau khi nộp khoản tiền bảo lãnh 1 tỷ yen (khoảng 9 triệu USD).

Hiện ông đã bị bãi nhiệm tất cả các chức chủ tịch trong cả 3 hãng sản xuất xe nói trên.

Ngày 4/4 vừa qua, ông Ghosn đã bị bắt trở lại ở thủ đô Tokyo sau khi các công tố viên điều tra về một cáo buộc mới nhằm vào ông chủ một thời của ngành sản xuất ô tô thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/vo-cuu-chu-tich-nissan-bi-tham-van-do-cao-buoc-vi-pham-tai-chinh/563751.vnp