Vô địch đã khó, giữ còn khó hơn

Trong kế hoạch của mình, HLV Park Hang-seo đã vạch lộ trình bảo vệ hai danh hiệu vô địch Đông Nam Á từ lâu và ông cũng thừa biết rằng vô địch đã khó, bảo vệ ngôi vô địch còn khó hơn.

Năm nay, tuyển Việt Nam phải bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup 2020. Sang năm sau, U-22 có nhiệm vụ tương tự tại SEA Games 31. Cuộc chơi ngày càng khó khăn cho HLV Park Hang-seo và chính ông từng trải nghiệm điều này. Cụ thể, U-23 Việt Nam á quân châu Á năm 2018 nhưng sang năm 2020 bị quá nhiều đối thủ “soi” và cuối cùng ngã ngựa ngay sau vòng bảng.

Đội tuyển U-22 hội quân rèn luyện trước một năm cho chỉ tiêu vàng SEA Games 2021. Ảnh: NGỌC DUNG

Đội tuyển U-22 hội quân rèn luyện trước một năm cho chỉ tiêu vàng SEA Games 2021. Ảnh: NGỌC DUNG

Nhớ lần đầu tiên lên ngôi vô địch Đông Nam Á 2008, HLV Calisto đã thấy rất rõ những sức ép khi tuyển Việt Nam tham dự giải với tư cách đương kim vô địch. Lần đó, thầy trò Calisto đá giải AFF Cup 2010 bị các đối thủ như Philippines và nhất là Malaysia nghiên cứu rất kỹ. Ngay tại sân Mỹ Đình, đội tuyển Philippines của HLV Simon McMenemy bày ra thứ bóng đá phòng ngự phản công rất khó chịu, trong khi Việt Nam là nhà vô địch, lại chơi ở sân nhà nên phải chơi bóng đá tấn công.

Philippines chực chờ cơ hội phản công đánh bại Việt Nam 2-0. Thầy trò Calisto gặp may vào bán kết lại gặp Malaysia do HLV Rajagobal dẫn dắt và Việt Nam lại bị mắc bẫy lần thứ hai (lần đầu là thua ở chung kết SEA Games 2009).

10 năm sau, HLV Park Hang-seo bắt đầu cảm nhận sự ngột ngạt với tư cách nhà vô địch, từ AFF Cup 2020 cho đến SEA Games 31 trên sân nhà cùng tư thế của một đội “chiếu trên”.

Ông Park cùng các cộng sự và học trò đã phải xuất phát ngay từ bây giờ, nếu không muốn là kẻ đến sau.

TẤN PHƯỚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-thao/vo-dich-da-kho-giu-con-kho-hon-922155.html