Vỡ đường dây tiền ảo 15.000 tỷ: Công an TP.HCM vào cuộc

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM gửi công văn khẩn, yêu cầu Công an TP điều tra đường dây bán tiền ảo đa cấp liên quan Công ty CP Morden Tech.

Trong công văn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm khẳng định, các loại tiền ảo không phải tiền tệ, không là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Người nào dùng iFan, Pincoin để giao dịch sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhấn mạnh về trách nhiệm đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động tiền tệ, lãnh đạo TP yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm vi phạm và hạn chế tối đa rủi ro xảy ra với người dân, doanh nghiệp, báo VnExpress đưa tin.

Động thái của UBND TP.HCM được đưa ra sau khi hàng chục nhà đầu tư kéo đến trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech tại đường Nguyễn Huệ (quận 1) căng băng rôn tố cáo công ty này chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng, bằng hình thức kêu gọi rót vốn mua đồng tiền ảo iFan, Pincoin. Số tiền này được giải thích là quy đổi từ 650 triệu USD ICO (huy động vốn) thành công từ iFan, Pincoin và một số đồng tiền ảo khác do Modern Tech đại diện.

Các nạn nhân của vụ đầu tư tiền ảo iFan kêu cứu

Theo tố cáo từ người dân, Modern Tech được sáng lập bởi 7 người mang quốc tịch Việt Nam, nhưng lại mang danh nước ngoài. Đơn vị này đã tổ chức nhiều sự kiện tại Hà Nội và TP.HCM để huy động vốn, kêu gọi nhà đầu tư mua tiền ảo iFan, kèm theo lời cam kết lợi nhuận 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Người lôi kéo thêm nhà đầu tư mới sẽ được hưởng thêm 8% số tiền từ người mới tham gia.

Nhưng bất ngờ đến tháng 1/2018, tất cả nhóm Facebook, nhóm chat vào trang cá nhân của các "lãnh đạo iFan" đều biến mất. Hiện Công ty Modern Tech, pháp nhân của các hệ thống tiền số lừa đảo, vẫn im lặng trước cáo buộc lừa đảo 15.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia kinh tế, đã có nhiều bài học thực tế về đa cấp tiền ảo thế nhưng người dân vì tham mức lãi suất quá cao mà vẫn bị lừa đảo.

Trả lời trên báo chí, Luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO) cho rằng, khả năng những người góp vốn đầu tư mất trắng là rất cao, nếu thu hồi cũng không đáng kể.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính-ngân hàng Bùi Quang Tín cho biết, việc người dân đã đưa tiền vào dự án iFan có lấy lại được không sẽ phụ thuộc vào quá trình điều tra công ty đứng sau dự án này. Nhưng dưới góc độ pháp luật, người tham gia kinh doanh vào các lĩnh vực vi phạm pháp luật sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có rủi ro xảy ra.

Nếu cơ quan điều tra xác định công ty đứng sau dự án iFan vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế thì sẽ điều tra, thậm chí là truy tố.

"Thường những công ty như vậy họ đã tẩu tán tài sản rồi, người dân khó thu hồi lại tiền của mình”, ông Tín nhận định.

Nhìn nhận lỗ hổng pháp lý trong vụ việc này, theo các chuyên gia, do pháp luật không rõ ràng, không đồng bộ dẫn tới người kinh doanh dễ lợi dụng, người đầu tư dễ bị nhầm giữa hợp pháp và không hợp pháp.

Bên cạnh đó, việc các cơ quan chức năng không quan tâm hoàn thiện hành lang pháp lý, đôn đốc, chấn chỉnh, đặc biệt là cảnh báo người dùng khi trước những cam kết lãi suất cao ngất ngưởng để đỡ thiệt hại cho nạn nhân cũng là lỗ hổng trong sự việc này.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/vo-duong-day-tien-ao-15000-ty-cong-an-tphcm-vao-cuoc-3356192/