Vỡ hụi 120 tỷ ở Bắc Ninh:Người chồng viết gì trong đơn kêu cứu?

Trong đơn kêu cứu, ông Trường có nói vợ mình đứng tên vay số tiền cùng người khác buôn gỗ...

Bà S. cùng với cuốn sổ ghi nợ 650 triệu đồng với bà Khanh

Bà S. cùng với cuốn sổ ghi nợ 650 triệu đồng với bà Khanh

Người dân xã Tam Đa, huyện Yên Phong cũng chưa lý giải được vì sao bà Khanh vốn hiền lành, chân chất, thường ngày đi xe đạp cũ chỉ đáng giá 100 nghìn đồng, đội chiếc nón lá đã phai màu nhưng lại được nhiều người tin tưởng cho vay cả tỷ đồng. Nay bà Khanh tuyên bố vỡ nợ, chồng tự tử thì nhiều gia đình điêu đứng, vợ chồng cãi nhau, mất ăn, mất ngủ.

Cầm sổ đỏ để cho vay

Nằm sát ven đê sông Cầu, xã Tam Đa, huyện Yên Phong vốn đã bình yên bởi những người dân thuần nông, chất phác nhưng nay đi đâu, làm gì, bà con nơi đây cũng đều xôn xao, bàn tán chuyện hàng trăm gia đình sống dở, chết dở vì cho bà Hoàng Thị Khanh (57 tuổi) vay tiền tỷ mà không đòi lại được. Đau xót hơn khi ông Trần Đắc Trường (59 tuổi), chồng bà Khanh đã tìm đến cái chết vì áp lực của các món nợ khổng lồ.

Bà Trần Thị S. (53 tuổi, ở xã Tam Đa) cho biết, gia đình bà cho bà Khanh vay số tiền 650 triệu đồng. Đây là toàn bộ vốn liếng vợ chồng bà tích cóp, vay mượn để tháng 8 này xây nhà nhưng giờ đã biến mất vì bà Khanh tuyên bố vỡ nợ. “Trước đây, tôi từng cho chị Khanh vay nhưng chỉ vay mấy chục triệu đồng, lãi suất 20%, cứ đến tháng chị ấy trả đầy đủ. Do chị Khanh giữ đúng lời hứa nên dần dần tôi rất tin tưởng. Cách đây 1 năm tôi cho chị ấy vay 650 triệu đồng, trong đó có cả tiền vốn của vợ chồng và con gái. Hàng tháng chị ấy vẫn trả lãi. Thế nhưng đợt vừa rồi chị ấy tuyên bố vỡ nợ khiến tôi vô cùng bất ngờ”, bà S. chia sẻ.

Thông tin ban đầu tư CQĐT, bà Trần Thị Bích và Hoàng Thị Khanh có quan hệ vay mượn tiền nhau. Trong sổ ghi nợ, bà Bích có xác nhận vay của bà Khanh 17 tỷ đồng. Số nợ 120 tỷ đồng là do bà Khanh tự ghi, không có xác nhận của bà Bích. Bà Bích cũng xác nhận chỉ nợ bà Khanh 17 tỷ.

Theo trình bày của bà Khanh, bà này vay của người dân lãi suất từ 1.000 đồng/1 triệu/ngày đến 1.500 đồng/1 triệu/ngày sau đó cho bà Bích vay lại lãi suất từ 1.500 đồng/1 triệu/ngày đến 2.000 đồng/1 triệu/ngày.

Theo bà S., bà Khanh nói vay tiền để hùn vốn kinh doanh gỗ với một người phụ nữ khác. “Khi tôi hỏi thì chị ấy bảo gỗ buôn mất hết rồi, giờ không còn hy vọng gì nữa. Nghe xong tôi chỉ biết khóc chứ chả biết làm thế nào. Nghe nhiều người trong xã cho chị Khanh vay tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng tôi rất sốc. Nếu biết chị nợ nhiều thế này tôi đã không cho vay”, bà S. mắt đỏ hoe nói.

Anh N., người cho bà Khanh vay 1,7 tỷ đồng cho biết, khi biết vợ chồng anh có tiền, gia đình bà Khanh đã sang hỏi vay để buôn bán gỗ. Theo thỏa thuận, bà Khanh đưa sổ đỏ và giấy thế chấp nhà cho gia đình anh N. để được vay 1,7 tỷ đồng thời hạn một năm. “Trước hôm tuyên bố vỡ nợ, anh Trường sang nói chuyện với tôi và bảo sang nhà cầm chìa khóa, rồi giữ nhà giúp. Anh ấy nói sẽ sang ở nhờ nhà anh trai, thỉnh thoảng phiền tôi mở cửa để anh thắp hương. Anh ấy còn nói số tiền quá lớn, thế này không thể sống được. Tôi cũng động viên nhưng không ngờ, ngày hôm sau, anh nghĩ quẩn, uống thuốc cỏ tự tử”, anh N. cho biết.

Chị Nguyễn Thị B. (một người cho bà Khanh vay tiền) cũng cho biết, vợ chồng chị tích góp bao năm qua được 500 triệu đồng cho bà Khanh vay. Từ trước tới nay, ở địa phương vợ chồng bà Khanh là người hiền lành, tử tế nên ai trong xã cũng yêu quý. “Tôi cho bà Khanh vay số tiền trên nhưng cũng không đòi hỏi lãi lời gì. Bà ấy bảo khi nào tôi cần sẽ trả. Hôm nghe tin bà ấy tuyên bố vỡ nợ tôi cũng bất ngờ lắm. Tôi có sang hỏi chứ cũng không đòi thì bà Khanh hứa sẽ trả sau”, chị B. nói.

Theo người dân địa phương, vợ chồng bà Khanh làm nghề giết mổ lợn. Hàng ngày, người phụ nữ này cũng chỉ quanh quẩn bên chiếc xe đạp cũ trị giá chỉ khoảng 100 nghìn đồng để đi chào hỏi mọi người. “Bà ấy không biết đi xe máy, cứ đạp xe đạp, đội chiếc nón thâm rách. Chính vì hay vay tiền huy động vốn rồi khi ai đó cần lại trả ngay nên nhiều người tin tưởng, không ngần ngại mang toàn bộ tài sản trong nhà cho bà ấy vay”, hàng xóm bà Khanh chia sẻ.

Là người cho bà Khanh vay hơn 3,1 tỷ đồng, chị Hoàng Thị Th. (SN 1978) cũng sống trong tâm trạng mất ăn, mất ngủ. Theo chị Th., số tiền trên là của anh chị em trong nhà góp lại để mua đất, thậm chí vay của cả người ngoài. “Do chưa sử dụng tiền ngay nên ngày 5/7, bà Khanh có sang hỏi mượn với giao ước 5 ngày sau sẽ trả nên tôi cho vay mà không kèm theo điều kiện gì vì chị em lâu nay vẫn hỗ trợ vay mượn nhau khi khó khăn. Nhưng hết thời hạn, tôi có hỏi tiền thì chị khất hết lần này tới lần khác và tới bây giờ là vỡ nợ. Vì vụ này mà gia đình tôi thường cãi vã, chả muốn làm ăn gì nữa. Giờ tôi có bán nhà cũng chẳng ai mua vì cả làng không có tiền”, chị Th. mếu máo.

Chiều 23/8, tại ngôi nhà 3 tầng của bà Khanh trong con ngõ nhỏ, người thân vừa tổ chức xong tang lễ và đưa ông Trường đi hỏa táng. Một người tự xưng là em họ của bà Khanh cho biết: “Chị Khanh rất mệt mỏi, đang nằm trong phòng, giờ gia đình vẫn đang cắt cử người trông nom vì sợ chị đi theo chồng”.

Hơn 300 hộ cho vay tiền để buôn gỗ?

Ông Nguyễn Văn Tôn, Chủ tịch UBND xã Tam Đa, huyện Yên Phong cho biết, ngày 14/8, nhận được thông tin vợ chồng bà Khanh tuyên bố vỡ nợ, lãnh đạo địa phương đã họp, giao nhiệm vụ cho công an xã có biện pháp ngăn chặn tình trạng các đối tượng đến đòi nợ, đề phòng các tình huống manh động. Đồng thời, báo cáo vụ việc với Công an huyện Yên Phong. Thời điểm này, bà Khanh cũng đã gọi các “chủ nợ” đến để viết giấy vay và hứa hoàn trả.

Theo ông Tôn, sáng 21/8, ông Trường có gọi cho người nhà và công an báo có mấy người đang đến đòi nợ gia đình. Sau đó, người thân và lực lượng chức năng đến nhà ông Trường thì phát hiện ông này đã uống thuốc diệt cỏ tự tử nên đưa đi bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do thuốc ngấm quá nặng, chiều cùng ngày, người thân đưa ông Trường về nhà, đến ngày 22/8, ông Trường tử vong.

“Trước khi tự tử, ông Trường có mang đến UBND xã một lá đơn đề nghị công an xã bảo vệ gia đình vì có nhiều người đến đòi nợ. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu làm các thủ tục liên quan thì ông Trường rút đơn. Sau đó dẫn đến sự việc đáng tiếc”, ông Tôn nói và cho biết, trong lá đơn, ông Trường có nói vợ mình đứng tên vay số tiền cùng người khác buôn gỗ và ông Trường không trực tiếp liên quan gì đến việc này.

Ông Tôn cho biết thêm, cách đây vài hôm, xã nhận được đơn của bà Khanh với nội dung cho một người tên Trần Thị Bích (39 tuổi) ở thôn Đại Lâm (xã Tam Đa) vay số tiền 120 tỷ đồng chia làm 2 lần để buôn gỗ. Tuy nhiên, buôn gỗ hay huy động “chơi hụi” với thỏa thuận lãi suất lớn ra sao thì đang điều tra. Hiện, bà Bích vẫn sinh sống ở địa phương và không có biểu hiện hoang mang, lo sợ. “Qua nắm bắt tình hình có hơn 300 hộ đã cho bà Khanh vay tiền, ít nhất khoảng vài chục triệu, cao nhất khoảng 5 tỷ đồng. 10 năm trước, trên địa bàn cũng xảy ra sự việc huy động tiền rồi bị vỡ nợ tại địa phương nhưng số tiền ít hơn khoảng 30-40 tỷ đồng, sau đó họ khắc phục bằng cách thu hồi của những người nợ họ để trả, phần khác họ xin khất nợ hoặc xin trả tiền gốc”, ông Tôn nói.

Hữu Tuấn

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/vo-hui-120-ty-o-bac-ninhnguoi-chong-viet-gi-trong-don-keu-cuu-d269406.html