Vỏ khủng, ruột rỗng

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng lớn, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa nói chung và bảo tàng nói riêng càng được chú ý đặc biệt.

Đánh giá vai trò của di sản văn hóa, trong đó đặc biệt là bảo tàng, từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020, nhằm kiện toàn và phát triển hệ thống bảo tàng, phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, giảng dạy, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa, khoa học và thưởng thức văn hóa cho công chúng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Các bảo tàng Việt Nam được đặt trong yêu cầu phải nâng cao chất lượng hoạt động, thúc đẩy sự phát triển đa dạng về loại hình bảo tàng, hình thức sở hữu, vươn lên theo xu hướng phát triển của bảo tàng thế giới hiện đại; vận dụng những thành tựu hiện đại của bảo tàng quốc tế vào Việt Nam để ngành bảo tàng Việt Nam không lạc hậu so với khu vực và thế giới.

Xu hướng hoạt động của bảo tàng thế giới ngày nay không chỉ phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục cộng đồng mà còn hướng đến phục vụ các nhu cầu giải trí và thưởng thức của công chúng. Các bảo tàng ở Việt Nam đang vận hành như thế nào trong xu hướng chung này? Bảo tàng đã thực sự được coi trọng và phát triển đúng tầm hay chưa? Câu trả lời là chưa.

Khác với vài thập niên trước, hiện nay với bảo tàng, công chúng không chỉ đơn thuần là khách tham quan mà còn là đối tượng khách hàng. Họ không còn dễ dãi chấp nhận bất cứ “món ăn” nào mà bảo tàng cung cấp như trước đây, thay vào đó họ có quyền lựa chọn dịch vụ mà mình ưa thích, có quyền bỏ qua những điểm đến không cần thiết. Bởi thế, bảo tàng nào không nỗ lực sáng tạo vì công chúng sẽ bị đào thải, không thể tồn tại tâm lý cầu may hay ngồi chờ du khách một cách thụ động. Nhìn lại những hoạt động của một số đơn vị như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh... thời gian qua, có thể thấy rất rõ tính sáng tạo trong hoạt động bảo tàng hướng đến công chúng. Những gì diễn ra tại một số bảo tàng hàng đầu Việt Nam cho thấy bài học kinh nghiệm về cách thức vận hành cần có của bảo tàng trong giai đoạn hiện nay: phải chuyển đổi tư duy, từ quan niệm bày ra, ngồi đợi khách, sang chủ động tìm hiểu nhu cầu của “thượng đế”, xem họ muốn gì và cố gắng phục vụ họ thật chất lượng.

Tính đến nay, cả nước đã có trên 145 bảo tàng nhưng số bảo tàng hoạt động chất lượng và thu hút công chúng còn rất khiêm tốn. Việc bảo tàng mới được xây dựng nhưng công chúng không mấy mặn mà có nhiều nguyên nhân, mà một trong những nguyên nhân chính là các cấp, ngành liên quan chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức việc đầu tư xây dựng bảo tàng, nhất là cho công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức nội dung và trưng bày; thực tế đầu tư cho lĩnh vực này quá ít và không đúng tầm với một thiết chế văn hóa quan trọng như bảo tàng. Thực tế ở nhiều nơi, một thiết chế văn hóa nhưng lại đưa cho một ngành không liên quan gì đến văn hóa làm chủ đầu tư, quyết định từ A - Z. Trong khi, các giám đốc bảo tàng, chuyên gia bảo tàng chỉ có “chân” trong ban quản lý cho đúng quy chế và… đẹp đội hình, những ý kiến thiết kế về chuyên môn, đặc trưng cho bảo tàng không hề được quan tâm. Cũng có trường hợp xây mới bảo tàng nhưng cũng chỉ biết có… xây mới, mà không biết nội dung trưng bày ra sao, đề cương trưng bày từng giai đoạn thế nào, hiện vật ở đâu? Có bảo tàng đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, khánh thành đi vào hoạt động nhưng không có hiện vật trưng bày, gần 10 năm hoạt động mà chẳng mấy thu hút du khách. “Căn bệnh” này còn lây lan đến các địa phương như Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Nghệ An, Kon Tum... Thế nên, rút kinh nghiệm từ bài học xương máu, các dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam (tổng kinh phí đầu tư trên 11.300 tỷ đồng), Bảo tàng Tổng hợp TPHCM (kinh phí đầu tư dự kiến trên 2.000 tỷ đồng)… được yêu cầu phải hoàn thiện song song cả 2 nội dung, vừa xây dựng thiết kế vừa phải xây dựng nội dung và đề cương trưng bày. Công trình đầu tư xây dựng mới vừa có thiết kế hiện đại vừa đáp ứng nhu cầu chuyên môn, được đánh giá là thành công nhất đến nay mới chỉ có khối Bảo tàng - thư viện tỉnh Quảng Ninh.

Bảo tàng hiện đại, trước hết không phải là một phòng tuyên truyền hay một cuốn sách giáo khoa, đó phải là một không gian mở, kết nối và phục vụ nhu cầu văn hóa của cộng đồng. Chiến lược xây dựng hay đầu tư xây mới bảo tàng cũng cần lưu tâm đến việc xây dựng mỗi bảo tàng, phải có sự khác biệt và có nét độc đáo riêng, không nhầm lẫn. Đến Bảo tàng chiến thắng Trou, ở vùng Normandy nước Pháp, không ít du khách khi đến đây rất háo hức khám phá những món ăn được cho là khởi nguồn từ thời Thế chiến I, được phục vụ bởi một nhà hàng rất lớn ngay trong bảo tàng. Để được thưởng thức một bữa ăn ở nhà hàng này, ngoài số tiền không nhỏ, khách phải đặt chỗ trước. Ngay cả ban giám đốc bảo tàng khi muốn đãi khách ở đây cũng phải đặt chỗ trước, không có bất cứ ngoại lệ nào. Hay như khi đến với “thành phố bảo tàng” Hiroshima ở xứ sở hoa anh đào, để được thưởng thức món ăn có một không hai, có truyền thống từ hơn 200 năm trước của người dân thành phố này, du khách vừa phải đặt chỗ trước ở nhà hàng vừa phải xếp hàng chờ đợi 2-3 giờ mới được phục vụ…

Như vậy, xây mới bảo tàng không nhất thiết phải chạy theo số lượng, quan trọng là nét độc đáo trong tư duy, hiện đại trong trưng bày là yếu tố quyết định.

MINH AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vo-khung-ruot-rong-535624.html