Vợ làm thư ký giúp NSND Trần Hiếu viết sách ở tuổi U90

Cuốn sách 'Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam' của NSND Trần Hiếu là những nghiên cứu, đúc kết từ thực tiễn nghiên cứu, biểu diễn và giảng dạy thanh nhạc của ông.

 NSND Trần Hiếu và vợ

NSND Trần Hiếu và vợ

NSND Trần Hiếu là một cây đại thụ của nghệ thuật ca hát Việt Nam. Ông là một trong những giọng ca lớn của thế kỷ 20, một ca sĩ thể hiện được đa dạng các dòng âm nhạc từ opera, thính phòng đến nhạc cách mạng, nhạc trữ tình…, từ chính ca đến phong cách hài hước, dí dỏm…

Ông còn là một nhà sư phạm thanh nhạc xuất sắc, đã đào tạo ra nhiều nghệ sĩ tài năng của nghệ thuật thanh nhạc như: cố NSND Y Moan, NSND Thanh Hoa, NSND Quốc Hưng, NSƯT Tấn Minh, ca sĩ Trọng Tấn… Thông tin NSND Trần Hiếu ra mắt sách với tư cách một tác giả khiến không ít người bất ngờ.

Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam là những nghiên cứu, đúc kết từ thực tiễn nghiên cứu, biểu diễn và giảng dạy thanh nhạc trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật gắn liền với ca hát NSND Trần Hiếu. Sách dày hơn 100 trang, bố cục gồm 2 phần chính: Đôi điều về tiếng hát Việt Nam, Ngôn ngữ và học thuật.

Cuốn sách "Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam"

Ở phần Đôi điều về tiếng hát Việt Nam, NSND Trần Hiếu đề cập tới truyền thống ca hát nói chung, vai trò của tiếng hát Việt Nam nói riêng trong phạm vi khá rộng, từ thời kỳ mở nước, dựng nước đến thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc cho tới thời kỳ âm nhạc mới Việt Nam xuất hiện. Thông qua đó, ông khẳng định cho dù ở bất kỳ giai đoạn nào thì tiếng hát vẫn luôn là một nghệ thuật của ngôn ngữ. Đồng thời, ông cũng chỉ ra những sự tương đồng và khác biệt giữa đặc điểm của ngôn ngữ dân tộc so với thế giới để làm sao phát huy được hiệu quả nhất ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam.

Phần hai, Ngôn ngữ và học thuật, NSND Trần Hiếu đưa ra những nhận định và chứng minh sự tinh tế và ý vị của ngôn ngữ trong dân ca, những bài nhạc không lời và trong cấu trúc âm nhạc của người Việt. Phần này, ông cũng đi sâu vào kỹ thuật ca hát cổ truyền cũng như kỹ thuật ca hát của thế giới để từ đó tìm ra điểm chung nhất, phù hợp với đặc điểm của người Việt nhất trong các kỹ thuật cơ bản của tiếng hát. Từ đó, ông đưa ra kiến nghị về tiếng hát thời đại của Việt Nam nên được xây dựng như thế nào.

Cuốn sách có giá trị với giới âm nhạc, nghệ thuật ca hát Việt Nam

NSND Quốc Hưng - Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - cho rằng, Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam là tư liệu quý để người học thanh nhạc biết về tầm quan trọng trong ngôn ngữ của nghệ thuật ca hát Việt Nam, từ đó trau dồi trong cách hát. Mặt khác, thông qua cuốn sách, người đọc biết thêm sự yêu nghề, cách tiếp cận tác phẩm và những tâm huyết trong việc tìm tòi, đưa ra những hướng xử lý tốt nhất cho tác phẩm của NSND Trần Hiếu.

NSND Trần Hiếu

Cũng trong cuốn sách, NSND Trần Hiếu còn cho thấy sự hiểu rộng và sâu của ông về vốn lịch sử âm nhạc Việt Nam, chất liệu dân gian dân tộc, đồng thời cách ông áp dụng nó vào trong biểu diễn và giảng dạy.

Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất của NSND Trần Hiếu thể hiện trong cuốn sách là việc ông phân tích sâu về vai trò và ý nghĩa của âm vị học trong tiếng hát Việt Nam, đưa ra các đặc điểm về nguyên âm, phụ âm, đặc điểm về khiếu thưởng thức ca hát của người Việt Nam, tính tượng hình tượng thanh trong cái tai người Việt, tác động của phụ âm "đầu và cuối âm tiết" vào nguyên âm tiếng Việt, tính biến hóa sinh động của việc xử lý phụ âm cuối âm tiết trong tiếng hát Việt Nam… Đây là lần đầu tiên có một cuốn sách, một công trình khảo cứu về nghệ thuật thanh nhạc Việt Nam bàn sâu về vấn đề này.

Những thông tin mà NSND Trần Hiếu chia sẻ trong cuốn sách bên cạnh một số mang tính lịch sử âm nhạc Việt Nam và thế giới thì hầu hết đều là những vấn đề rất mới, được nhìn nhận theo góc nhìn riêng của tác giả, một người nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Bởi vậy, cuốn sách được đánh giá là thực sự có giá trị đối với giới âm nhạc với nghệ thuật ca hát Việt Nam.

Làm sách kiểu... Trần Hiếu

NSND Trần Hiếu đã ấp ủ từ lâu về việc viết lại những gì ông đúc kết được trong cuộc đời hoạt động ca hát của mình để mong truyền lại được cho thế hệ sau những điều bổ ích và lý thú. Ông nhận thấy, trong tiếng hát Việt Nam, ngôn ngữ có vai trò quan trọng nhất, góp phần định hình phong cách trong tiếng hát Việt Nam. Chính vì thế, ông chọn ngôn ngữ làm trọng tâm sức mạnh trong tiếng hát Việt Nam và lấy đó làm đối tượng trọng tâm để nghiên cứu, diễn giải và bàn luận trong cuốn sách.

Vợ chồng NSND Trần Hiếu cùng vợ chồng NSND Quốc Hưng

Quá trình thực hiện sách cũng khá thú vị, cách viết sách của NSND Trần Hiếu cũng rất đặc biệt. Ở tuổi U90, trong khi những năm gần đây sức khỏe của ông không ổn định, cho nên ông không thể tự tay chấp bút trên từng trang bản thảo. Song, được sự động viên và sát cánh của người bạn đời NSND Trần Hiếu đã dần biến mong muốn của mình thành hiện thực.

Người bạn đời của ông, bà Nguyễn Thị Minh Ngà, chia sẻ: Toàn bộ các phần, chương, mục đã nằm trong suy nghĩ của NSND Trần Hiếu, ông chia sẻ với người vợ lúc này với tư cách một thư ký. Bà ghi chép lại, sau đó cùng đọc để ông có thể chỉnh sửa theo ý muốn. Sau khi bản thảo đã hoàn thành, được sự góp sức của một người cháu ruột, cùng các học trò mà đứng đầu là NSND Quốc Hưng, cuốn sách chuyển sang khâu tiếp theo của quá trình xuất bản.

NSND Trần Hiếu đã giao cho nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long, anh cũng là một cựu học trò thanh nhạc của NSND Trần Hiếu chịu trách nhiệm hiệu đính. Và sau khoảng gần 2 năm thực hiện, cuốn sách đã hoàn thành và được NXB Sân khấu xuất bản, giới thiệu đến công chúng.

Minh Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vo-lam-thu-ky-giup-nsnd-tran-hieu-viet-sach-o-tuoi-u90-20220512083104857.htm