Vỗ mông, sờ đùi vì 'yêu quý học sinh' - đừng dung túng cho tội ác

Luật pháp hay các hành động bảo vệ trẻ em chỉ trở nên thực chất khi xuất phát từ quan điểm vững vàng và rõ ràng. Không thể dựa vào kẽ hở để dung túng cho hành vi quấy rối tình dục.

Trường mẫu giáo của con gái tôi tại Hà Nội đang trong quá trình tu sửa khi các cháu vẫn trong năm học, và điều đó thực sự làm tôi bất an những ngày gần đây.

Tại sao? Đơn giản là bỗng dưng có rất nhiều người lạ ra vào, chưa kể đến việc khu xây dựng không được ngăn cách biệt lập với khu vui chơi của trẻ.

Đầu tôi liên tục hiện lên quá nhiều câu hỏi: Giáo viên, công nhân làm việc trong nhà trường có được phổ biến cặn kẽ về những nguyên tắc để đảm bảo an toàn cho trẻ em trong trường hợp này, bao gồm những nguyên tắc khi tiếp xúc với trẻ em? Trẻ và phụ huynh có được giải thích kỹ lưỡng về sự ra vào của người lạ? Thông tin cá nhân của người lạ ra vào có sổ sách ghi chép đầy đủ? Nơi xây dựng có được rào chắn kỹ và biệt lập với khu vui chơi của trẻ?

Việc không thực hiện bất kỳ một trong những biện pháp này chỉ chứng tỏ sự hời hợt của người lớn chúng ta trong việc bảo vệ trẻ em.

Người lớn đang làm gì?

Cách Hà Nội khoảng hơn 50 km, vụ việc thầy giáo Dương Trọng Minh vỗ mông, sờ đùi học sinh ở trường Tiểu học Tiên Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) thu hút sự chú ý của dư luận cả nước suốt tuần nay. Câu hỏi như thế nào mới gọi là dâm ô một lần nữa bộc lộ quá nhiều kẽ hở của pháp luật. Thế nhưng, điều khiến tôi và nhiều cha mẹ khác quan tâm, và bất an hơn cả, chính là cách người ta diễn giải hành động của thầy giáo Minh.

Theo đại diện cơ quan điều tra, ông Minh “chỉ véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi, một số học sinh. Ngoài ra, ông Minh không có hành động nào khác".

Hiệu trưởng trường tiểu học Tiên Sơn cho rằng “chắc do thầy yêu quý học sinh quá”. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Việt Yên thì phát biểu: “Sự việc không nghiêm trọng bởi thầy Minh sau khi uống rượu chỉ có hành vi cấu véo nữ sinh, chưa có hành động dâm ô”.

Những phát ngôn đó liệu có nhằm mục đích xoa dịu dư luận, có ý bao che hay xuất phát từ việc xem nhẹ nguy cơ của những hành động này đối với trẻ em? Cho dù có là gì đi nữa thì việc những quan điểm này đến từ cán bộ thuộc ngành giáo dục và các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ trẻ em khác chỉ càng thêm xác tín một mối lo chưa có hồi kết: Trong lúc thế “bế tắc của pháp luật” vẫn chưa được khơi thông, người lớn chúng ta làm gì để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ lạm dụng tình dục vốn luôn chực chờ?

Tại Việt Nam, phần lớn thủ phạm trong hơn 1.500 vụ án xâm hại trẻ em năm 2018 là người có trách nhiệm nuôi dưỡng, quản lý trẻ em như giáo viên, bảo mẫu, cha mẹ ruột, cha mẹ kế. Trên thế giới, các nghiên cứu có uy tín cũng chỉ ra hơn 90% các nạn nhân bị những người quen biết lạm dụng.

Dù nhìn từ bất cứ góc độ nào, trẻ em vô cùng dễ bị tổn thương vì các em luôn ở thế yếu hơn. Nói theo ngôn ngữ tâm lý hay phát triển, các em ở trong một mối quan hệ bất bình đẳng về quyền lực so với người lớn. Sự bất bình đẳng này càng rõ rệt trong quan hệ của trẻ em với những người mang chức phận chăm sóc và giáo dục các em.

Một nghiên cứu xuất bản cách đây hai năm do Liên minh châu Âu và UNICEF chỉ rõ: “Phần lớn giáo viên cho biết họ không được đào tạo đầy đủ về dấu hiệu, triệu chứng của việc xâm hại trẻ em và cách thức báo cáo sự việc. Rõ ràng cần phải giáo dục cho giáo viên nhiều hơn để giải quyết những rào cản mà họ đã nhận ra, đồng thời giúp họ cảm thấy tự tin hơn trong việc báo cáo các vụ xâm hại trẻ em”.

Nghiên cứu này cũng khảo sát những người làm công tác chuyên môn khác với trẻ em - bác sĩ nhi khoa, cảnh sát, nhân viên công tác xã hội… Tất cả đều cho thấy nhiều người cảm thấy không hề tự tin khi phải xử lý những trường hợp trẻ em bị xâm hại: Họ không nhận biết được triệu chứng, và nếu có thì không biết nên áp dụng quy trình nào.

Định nghĩa chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về xâm hại đã nêu rõ: “Xâm hại trẻ em bao gồm mọi hình thức ngược đãi về thể chất và tinh thần, xâm hại tình dục, xao nhãng, bóc lột gây ra những thương tổn về sức khỏe, tính mạng, khả năng phát triển hay phẩm giá bằng cách lợi dụng chức phận, lòng tin hoặc quyền hạn”.

Ngay cuốn “Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em” của tổ chức World Vision cũng mô tả rất cụ thể những hành vi xâm hại trẻ em, trong đó có “sờ mó những bộ phận riêng tư trên cơ thể trẻ”.

Trẻ bị xâm hại khi còn nhỏ gặp nhiều khó khăn hơn về khả năng ngôn ngữ, phát triển cảm xúc xã hội và sức khỏe tinh thần. Cứ 5 thanh niên từng bị xâm hại khi nhỏ lại có 4 người có triệu chứng bị ít nhất một loại rối loạn thần kinh ở tuổi 21.

Nhiều nghiên cứu ở Mỹ cho thấy trẻ bị xâm hại khi còn nhỏ gặp nhiều khó khăn hơn về khả năng ngôn ngữ, phát triển cảm xúc xã hội và sức khỏe tinh thần. Cứ 5 thanh niên từng bị xâm hại khi nhỏ lại có 4 người có triệu chứng bị ít nhất một loại rối loạn thần kinh ở tuổi 21.

Việc trẻ bị xâm hại và lơ là cũng ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thiết lập và duy trì các mối quan hệ thân thiết lành mạnh khi trưởng thành. Tất nhiên, tất cả tác động trên dẫn đến chi phí y tế khổng lồ bên cạnh việc làm suy giảm hiệu quả làm việc khi chính những đứa trẻ ấy bước vào độ tuổi đi làm.

Đừng lấy kẽ hở luật pháp để dung túng hành vi xấu

Quá trình giải quyết những bế tắc của luật pháp cần phải bắt đầu từ việc nâng cao hiểu biết về vấn đề xâm hại trẻ em.

Tại Singapore, khi số lượng các vụ việc gia tăng, chính phủ quốc đảo này đã ban hành các công cụ hướng dẫn những người làm công tác trẻ em cách thức hành động khi đứng trước một vụ việc xâm hại. Công chúng - bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ - cũng được thông báo về nhiều địa chỉ tiếp nhận thông tin khác nhau.

Ở Mỹ, các quy định ngăn ngừa quấy rối và tấn công tình dục trong môi trường giáo dục được thực hiện rất nghiêm. Không hiếm nếu một giáo viên mất việc chỉ vì bị tố cáo quấy rối tình dục, mặc dù quá trình điều tra vẫn còn đang diễn ra.

Thay đổi nhận thức và chuyển hóa những quan niệm đã hằn sâu hẳn nhiên không dễ gì, nhưng nếu không bắt tay từ bây giờ thì bao giờ chúng ta mới thay đổi.

Các trường đại học cũng chú trọng giáo dục cho sinh viên những điều tuyệt đối tránh làm để không bị khép vào tội quấy rối. Ví dụ, ĐH Columbia (New York, Mỹ) quy định rõ các sinh viên, cả hệ cử nhân và cao học, phải tham dự đầy đủ các hoạt động của Sáng kiến Sexual Respect (Tôn trọng Tình dục) thì mới được tốt nghiệp.

Mỗi tổ chức, công ty, cơ quan đều có thể ban hành chính sách bảo vệ trẻ em. Điều này phải trở thành bắt buộc với các cơ quan làm công tác trẻ em. Cũng như rất nhiều tổ chức quốc tế khác, CARE đưa ra chính sách cụ thể nhằm bảo vệ trẻ em, dù chúng tôi không trực tiếp làm công tác trẻ em.

Chúng tôi coi xâm hại tình dục trẻ em là mọi hành vi đụng chạm mà một người lớn hơn (có thể là một đứa trẻ lớn hơn hoặc người lớn) thực hiện với trẻ nhằm thỏa mãn hoặc kích thích tình dục hoặc để trục lợi kinh tế cho chính mình.

Ở CARE, chính sách bảo vệ trẻ em được mang ra tập huấn nhắc lại hàng năm; mọi đối tác và các nhà cung cấp dịch vụ/sản phẩm dù là cá nhân hay tổ chức đều phải ký vào điều khoản bảo vệ trẻ em. Chỉ có chính sách thôi sẽ không đủ để ngăn ngừa tuyệt đối, nhưng chắc chắn nó góp phần giảm bớt các vụ xâm hại.

Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật liên quan, một trong những khía cạnh thách thức nhất của việc chống quấy rối tình dục ở Việt Nam là thay đổi nhận thức, hành vi và thói quen trong ứng xử. Thay đổi nhận thức và chuyển hóa những quan niệm đã hằn sâu hẳn nhiên không dễ gì, nhưng nếu không bắt tay từ bây giờ thì bao giờ chúng ta mới thay đổi.

Những thảo luận liên tục trên mạng xã hội, tại các cuộc hội thảo, hội nghị, trên báo chí… về chủ đề này là cách để chúng ta, bao gồm các nhà làm luật, người sử dụng lao động và công chúng nói chung nhìn nhận lại xem những lời nói, hành vi tưởng vô hại lâu nay liệu có thật sự vô hại, thế nào là môi trường làm việc an toàn và văn minh, đâu là khung pháp lý tốt nhất để hỗ trợ người bị quấy rối và xử lý người quấy rối.

Luật pháp, hay hành động bảo vệ trẻ em từ các cơ quan làm công tác trẻ em, sẽ chỉ trở nên thực chất khi nó xuất phát từ quan điểm vững vàng và rõ ràng ngay từ đầu. Lấy kẽ hở từ luật pháp ra để dung túng cho hành vi xấu thì chẳng khác nào con tằm nhả tơ tự trói mình.

2019 là năm kỷ niệm năm thứ 30 Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em. Nhắc đến chuyện này, Việt Nam thường tự hào là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước vào ngày 20/2/1990.

Nhưng sự việc như chuyện thầy giáo Minh ở Bắc Giang, tranh cãi quanh kết luận của cơ quan điều tra, lý giải của thầy hiệu trưởng “chắc do thầy yêu học sinh quá” cho thấy chúng ta vẫn còn một chặng đường dài trước mặt trong công tác bảo vệ trẻ em.

Luật pháp, hay các hành động bảo vệ trẻ em từ các cơ quan làm công tác trẻ em, sẽ chỉ trở nên thực chất khi nó xuất phát từ quan điểm vững vàng và rõ ràng ngay từ đầu. Lấy kẽ hở từ luật pháp ra để dung túng cho hành vi xấu thì chẳng khác nào con tằm nhả tơ tự trói mình.

Tôi lại thật mong chúng ta sớm có thể tự hào vì đã thực sự ráo riết trong công tác bảo vệ trẻ em chứ không chỉ vì thâm niên tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc.

Phạm Kim Ngân
Illustration: Nhân Lê

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vo-mong-so-dui-vi-yeu-quy-hoc-sinh-dung-dung-tung-cho-toi-ac-post923260.html