'Vợ ơi' tri ân nửa thế giới yêu thương

Sau những lời tạ ơn dành cho người vợ yêu dấu bằng tập thơ Vợ ơi vừa được tái bản trong một diện mạo mới với những hình minh họa đẹp từ bộ lịch thơ, nhà thơ Nguyễn Duy tiếp tục trình làng tập thơ Kính thưa liền thị – đây cũng được coi là lời tri ân của ông dành cho một nửa của thế giới.

Tập thơ Vợ ơi của Nguyễn Duy vừa được tái bản sau 25 năm.

Tập thơ Vợ ơi của Nguyễn Duy vừa được tái bản sau 25 năm.

Hai tập thơ được NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành dịp kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3.

Tạ ơn nửa thế giới của mình

Nhà thơ Nguyễn Duy và nhiều thi phẩm của ông từ lâu đã không còn xa lạ với nhiều thế hệ bạn đọc. Nhắc đến nhà thơ Nguyễn Duy, bạn đọc thường nhớ ngay đến những tác phẩm quen thuộc: Tre Việt Nam, Ánh trăng, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Đò Lèn, Sông Thao...

Mới đây, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã tái bản tập thơ Vợ ơi của ông sau 25 năm xuất bản. Ở lần ra mắt này, tập thơ được tái bản trong một diện mạo mới với những hình minh họa đẹp từ bộ lịch thơ Nguyễn Duy.

Vợ ơi là một tập thơ nhỏ xinh gồm 20 bài thơ Nguyễn Duy viết cho vợ - bà Bùi Thị Hào – “từ hồi trót nói lời thương” từ năm 1971 cho đến hơn hai thập kỷ sau đó. Vợ ơi dành tặng người vợ tào khang với đủ mọi cung bậc cảm xúc của một hành trình dài yêu thương và gắn bó.

Nguyễn Duy là nhà thơ hiếm hoi của làng văn chương Việt dành cả một tập thơ tặng vợ. Dịp Tết năm 1991, những bài thơ viết tặng vợ lác đác xuất hiện trên nhiều tờ báo Xuân và liên tục xuất hiện suốt năm sau đó.

Năm 1995, Nguyễn Duy tập hợp lại các bài thơ để in thành tập thơ Vợ ơi (NXB Văn nghệ). Những vần thơ được viết ra như được chiết xuất từ niềm tin yêu, cả lòng biết ơn trân trọng xúc động tận đáy lòng của một người chồng với người vợ đầu gối tay ấp của mình.

Vợ ơi đã được giới văn chương nhận định “thương rát lòng, đau thắt ruột, cười ra nước mắt...” và nhận được nhiều sẻ chia đồng cảm sâu sắc từ độc giả.

Nhà thơ Nguyễn Duy

25 năm sau, Vợ ơi được tái bản trong một diện mạo mới với những hình minh họa đẹp từ bộ Lịch thơ Nguyễn Duy, đây cũng là một nén tâm nhang nhà thơ thắp lên tưởng nhớ vợ mình nhân ngày giỗ đầu của bà.

Không giới hạn trong một hoàn cảnh riêng, Vợ ơi là một món quà ấm áp mà những cặp đôi đã hay sẽ bước vào hôn nhân đều có thể yêu mến, đồng cảm và tìm thấy mình trong đó.

Vợ ơi chứa đựng cả lời tạ tội, lời tự thú đầy trào lộng mà cũng thật xót xa: Khi trong túi có mấy đồng ngọ nguậy/ta chạy rông như gì nhỉ - quên đời/lúc xơ xác bờm xờm từng sợi tóc/đói lả mò về/ cơm đâu/ vợ ơi (Vợ ơi - 1990).

Là tình cảnh mà những bà vợ có chồng nghệ sĩ ham vui, ham chơi: Thường gặp thất tha thất thểu văn chương/kẽo cà kẽo kẹt tai ương đường dài/yêu cùng ai ghét giùm ai/để cơm áo vẹo hai vai em gầy (Xin đừng buồn em nhé, 1989).

Hãy nghe tâm tư của một kẻ ưa lang bạt kỳ hồ chợt một ngày “ngộ” ra: Thôi ta về với mình thôi/chân trời đành để chim trời nó bay/trông người xưa ngẫm người nay/đường xa nghĩ nỗi sau này… cũng kinh (Đường xa, 1988).

Đó là lời tâm tình, an ủi: Này em mình tự dọn mình/Ta ân xá tội với tình cho ta/Thời gian lướt khướt quan tòa/một mai trắng án thiên hà cả thôi (Thời gian, 1994).

Tập thơ Vợ ơi là một món quà ấm áp mà những cặp đôi có thể dành cho nhau vừa là lời nhắc tinh tế, khiến ai đó có thể giật mình bởi họ chưa biết sống trọn vẹn với người vợ, với gia đình của mình.

Tri ân với nửa thế giới

Nguyễn Duy nổi tiếng với những bài thơ lục bát mềm mại, đậm hồn cốt làng quê được viết theo phong cách hiện đại vừa phóng túng lại vừa uyển chuyển, chặt chẽ nhưng dung dị hồn nhiên trong sáng.

Ông cũng có nhiều bài thơ thế sự đầy suy tư, triết, sâu nặng trăn trở về thời cuộc, vận mệnh đất nước. Nhưng chính sự gần gũi, mộc mạc của những bài thơ ông viết về phụ nữ - bà, mẹ, vợ, em... lại thu hút và được đông đảo độc giả yêu mến.

Với hơn năm mươi bài thơ đặc sắc viết về phụ nữ, Kính thưa liền thị là một bản tổng hòa các cung bậc cảm xúc: Say đắm, yêu thương, kính trọng, biết ơn, thương cảm, xót xa, day dứt, tiếc nuối, ăn năn, hối hận… của một người đàn ông dành tặng một nửa thế giới còn lại.

Rất yêu phụ nữ, nhưng ông không dễ dàng thốt ra những lời chót lưỡi đầu môi. Mà đó là những lời gan ruột của mọi cảm nghiệm, là những phản tỉnh vô cùng rung động: Khi tôi biết thương bà thì đã muộn/bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi… (Đò Lèn).

Đó cũng là niềm yêu thương sâu đậm, ngậm ngùi: Mẹ ta không có yếm đào/nón mê thay nón quai thao đội đầu…Ta đi trọn kiếp con người/cũng không đi hết những lời mẹ ru (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa). Và cũng đầy thương cảm, day dứt: Giá như ta chớ gặp em/để không mắc nợ cái duyên Kỳ Cùng/giá như em đã có chồng/để bòng bong khỏi rối lòng Lạng Sơn (Lạng Sơn, 1989).

Đọc Vợ ơi, người ta thấy cả tính riêng tư – tâm tình của nhà thơ viết riêng cho người vợ của mình – nhưng khi soi rọi vào cuộc đời thực người ta vẫn tìm thấy tính phổ quát – tâm sự của những đức ông chồng ham vui, ưa những chuyện đại sự to tát, bỏ quên gánh nặng cơm áo, gia đình, con cái trên vai những người vợ nhẫn nại bao dung: Áo mưa vợ giương cánh buồm giữa phố/chồng với con mấp mé một thuyền đầy/năm tháng bão giông sang sông lũ đổ/một tay em chèo chống ngày ngày ngày… (Nợ nhuận bút, 1992).

Và, khi cầm trên tay tập thơ Kính thưa liền thị, những người phụ nữ lại được nhận món quà đầy thành kính mà nhà thơ Nguyễn Duy dành để tri ân họ trong cuộc đời này.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/vo-oi-tri-an-nua-the-gioi-yeu-thuong-4069622-b.html