Vô sinh thì có được nhờ người khác mang thai hộ?

Theo quy định của pháp luật, mang thai hộ vì mục đích thương mại, kiếm lợi nhuận là hành vi bị nghiêm cấm, thậm chí có thể xử lý hình sự. Vậy những cặp vợ chồng vô sinh chỉ được phép nhờ người mang thai hộ trong trường hợp nào?

Mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ảnh: IT/Images

Mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi bị cấm

Vô sinh, hiếm muộn ngày càng nhiều, và để có con, nhiều cặp vợ chồng đã có nhu cầu mang thai hộ. Lợi dụng điều này, nhiều đường dây tổ chức mang thai hộ, mua bán tinh trùng, hiến trứng nhằm mục đích trục lợi đã xuất hiện, tiếp cận những người có nhu cầu, liên hệ và đặt vấn đề với các gia đình hiếm muộn.

Trương Thị Thùy Trinh - người cầm đầu đường dây mang thai hộ ở Huế tại cơ quan Công an. Ảnh: Quốc Anh

Điển hình gần đây nhất là Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã triệt phá đường dây tổ chức mang thai hộ quy mô lớn nhất miền Trung, Tây Nguyên do Trương Thị Thùy Trinh (30 tuổi, trú tỉnh Bình Thuận) cầm đầu. Thủ đoạn của nhóm đối tượng này là đăng tải nhiều bài viết liên quan đến hoạt động mang thai hộ tại nhiều hội nhóm trên mạng xã hội Facebook.

Mỗi ca mang thai hộ có giá dao động từ 450-600 triệu đồng. Việc tuyển chọn người mang thai hộ và hiến trứng thường kèm theo các yêu cầu về sức khỏe, ngoại hình, độ tuổi.

Xử phạt đối với hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác và đây là hành vi bị nghiêm cấm.

Do đó, phụ nữ mang thai hộ vì mục đích thương mại là một hành vi vi phạm pháp luật. Theo khoản 1, Điều 60 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP thì đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, Điều 187 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại" như sau:

"1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình. Đồng thời, xâm phạm đến việc quản lý của Nhà nước trong việc tổ chức mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Vì vậy, mức phạt cao nhất có thể áp dụng đối với người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là 5 năm tù.

Thậm chí, một người phụ nữ tự nguyện mang thai hộ nhưng lại nhận lợi ích kinh tế và nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh trên.

Trường hợp có quyền nhờ người mang thai hộ

Trong bối cảnh tình trạng vô sinh hiếm muộn xảy ra ngày càng nhiều tại Việt Nam, để mở rộng cơ hội được làm cha, làm mẹ cho nhiều cặp vợ chồng không thể mang thai và sinh con, pháp luật Việt Nam cho phép cặp vợ chồng này có quyền nhờ người mang thai hộ nhưng phải vì mục đích nhân đạo.

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014

Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản có công chứng.

Căn cứ Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì vợ chồng sẽ có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện:

- Thứ nhất, có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Như vậy, không phải cặp vợ chồng nào cũng được nhờ người mang thai hộ mà chỉ có những cặp vợ chồng vô sinh.

Cụ thể, theo khoản 2, Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung thì vô sinh là tình trạng vợ chồng sau một năm chung sống có quan hệ tình dục trung bình 2 - 3 lần/tuần, không sử dụng biện pháp tránh thai mà người vợ vẫn không có thai.

- Thứ hai, vợ chồng đang không có con chung. Việc đang không có con chung này được xác nhận bởi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ.

- Thứ ba, đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Ai sẽ được phép mang thai hộ cho cặp vợ chồng vô sinh?

Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên cơ sở khoa học. Ảnh: IT/Images

Luật quy định bên mang thai hộ phải đáp ứng các điều kiện cơ bản sau:

- Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ. Cụ thể, người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ.

- Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần. Sở dĩ luật quy định người mang thai hộ phải là người đã từng sinh con bởi điều này chứng minh họ có khả năng sinh đẻ bình thường và từ đó mới có thể giúp người khác mang thai và sinh con.

Đồng thời, luật chỉ cho phép một người phụ nữ chỉ được giúp người khác mang thai hộ vì mục đích nhân đạo một lần trong đời để tránh nguy cơ tiềm ẩn những thỏa thuận mang thai ngầm vì mục đích thương mại.

- Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ.

- Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.

- Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Người phụ nữ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên cơ sở khoa học và dựa trên các quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt chứ không phải có sự tiếp xúc cơ thể giữa bên nhờ và bên nhận sinh con như cách nhìn nhận truyền thống từ trước đến nay.

Lam Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/vo-sinh-thi-co-duoc-nho-nguoi-khac-mang-thai-ho-179231202164659538.htm