8 cơn bão đổ vào miền Trung: Quân đội cùng dân vượt qua gian khó

Giữa thời bình, máu các anh vẫn đổ, đã có nhiều hy sinh, mất mát to lớn nhưng những người lính Cụ Hồ không quản ngại gian khổ cùng nhân dân vùng mưa lũ vượt qua những thời khắc gian khó nhất.

Tháng 10 và 11 năm nay, miền Trung gồng mình ứng phó với những trận bão lũ lớn, sạt lở núi. Bão lũ đi qua đọng lại nhiều hình ảnh đẹp của những người lính quên mình trong lúc cứu nạn, giúp đỡ người dân phòng tránh thiên tai.

Trực thăng cứu các thuyền viên tàu Vietship 01 gặp nạn trên biển

Trực thăng cứu các thuyền viên tàu Vietship 01 gặp nạn trên biển

Còn nhớ những ngày đầu tháng 10 năm nay, việc cứu nạn các thuyền viên và ngư dân mắc kẹt trên tàu Vietship 01 gặp nạn ở biển Cửa Việt thu hút sự quan tâm của dư luận. Thời tiết biển nguy hiểm nhưng đội cứu hộ đã bám biển suốt 3 ngày, vượt qua sóng to, gió lớn, thực hiện nhiều phương án cứu hộ để hoàn thành nhiệm vụ cứu người. Thành công trong lần cứu hộ này có sự phối hợp chặt chẽ giữa đội trực thăng và các lực lượng đặc công Hải quân, Quân sự, Biên phòng cùng chính quyền, người dân địa phương. Chiến sỹ Đoàn Văn Đức, Đại đội 8 Trinh sát, Lữ đoàn 126, Quân chủng Hải quân cho biết, trong điều kiện sóng biển hung dữ, đặc công phải bơi vòng ra xa rồi quay ngược lại để tiếp cận con tàu gặp nạn, cố gắng cứu các thuyền viên.

“Ra ngoài đó sóng to, ngược dòng sóng đẩy mình đi ra ngoài, phải bơi vòng ra ngoài xa rồi bơi vào, gặp nhiều khó khăn. Dù sóng có to hơn nữa thì đội đặc công vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của mình. Được giúp dân thì cảm giác thật tuyệt vời, mình vào bộ đội mình cống hiến, đó cũng là nhiệm vụ cấp trên giao mình phải hoàn thành”, chiến sĩ Đoàn Văn Đức chia sẻ.

Chỉ mấy ngày sau, đêm 12/10, sạt lở xảy ra tại công trường Thủy điện Rào Trăng 3, vùi lấp 17 công nhân. Ngay trong đêm, Đoàn công tác cứu nạn gồm lực lượng Quân khu 4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cán bộ tỉnh Thừa Thiên Huế đã đi bộ xuyên đêm để tiếp cận hiện trường. Giữa đêm xảy ra vụ sạt lở núi, chôn vùi hai căn phòng của lực lượng cứu hộ cứu nạn đang nghỉ tại đây. 13 cán bộ, chiến sĩ trong đoàn công tác đã vĩnh viễn nằm lại.

Sạt lở đất vùi lấp 22 cán bộ chiến sĩ, làm hư hỏng nhiều công trình tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337

Vụ sạt lở Rào Trăng 3 chưa kịp khắc phục lại xảy ra chuyện đau lòng tại huyện miền núi tỉnh Quảng Trị. Đêm 17/10, những cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 đóng quân tại xã Hướng Phùng trở về đơn vị sau 1 ngày giúp dân phòng chống thiên tai. Các anh vừa chợp mắt thì một phần của ngọn núi Tạc sau doanh trại đổ sập, làm 22 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Các anh ra đi khi những ước mơ còn dang dở, những rẫy cà phê các anh trồng giúp dân chỉ vừa mới đơm bông, đồng bào còn trông ngóng các về giúp bà con bản làng.

Bà Ngô Thị Lan, 60 tuổi, ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị nhớ lại, bộ đội ở đây bám dân, bám bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con. Nhà ai thiếu gạo, nhạt muối thì bộ đội gùi về tận nhà cho, ai không biết làm nông nghiệp thì bộ đội hướng dẫn, ai nghèo khó thì bộ đội cho cây con giống để làm ăn, xóa đói giảm nghèo.

Tìm kiếm thủ công tại khu vực vùi lấp các cán bộ chiến sĩ Đoàn 337

Bà Ngô Thị Lan ngậm ngùi: “Đoàn 337 luôn sẵn sàng để hỗ trợ giúp dân. Bão lụt các anh lại về nhắc nhở bà con tránh lụt bão. Sáng ra nghe tin 22 cán bộ chiến sĩ hy sinh, chị em chúng tôi bàng hoàng, khóc nhiều, không ngờ sự việc lại xảy ra quá nhanh và quá đột ngột, quá đau thương. Có những chiến sĩ mới, cũng có chiến sĩ gắn bó lâu với dân rồi, có chuyện gì cũng vui buồn với nhau”.

Cùng thời điểm đó, các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh mưa như trút nước, lũ dâng cao, hàng trăm nghìn người dân chới với trong mưa lũ. Từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ đều được Bộ Tư lệnh Quân khu 4 điều động đi cứu dân, tìm kiếm người mất tích. Chưa có năm nào mà tất cả các lực lượng của Quân khu 4 phải căng mình thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn như đợt mưa lũ năm nay.

Chiến sĩ Võ Đức Nhật, công binh thuộc Quân khu 4 cho biết: “Đi cứu hộ về là 3 giờ sáng, ăn gói mì tôm xong nghỉ được một lúc thì nhận được lệnh điều động lên đây. Những vị trí nào xác định có người dưới đó thì đưa máy san gạt phần đất đá phía trên trước. Khi phát hiện dấu vết nơi bộ đội mình nằm ngủ nghỉ thì bắt đầu thực hiện thủ công. Trên kia có 1 đài quan sát có người đứng ở vị trí cao nhất, thấy sạt lở cái là họ đánh kẻng để mình chạy ra khỏi khu vực nguy hiểm”.

Họp bàn các phương án cứu hộ trên biển.

Mưa lũ năm nay, các tỉnh miền Trung liên tiếp chịu nhiều thiệt hại nặng nề của 8 cơn bão và nhiều đợt mưa lũ lớn. Bộ Quốc phòng đã xuất cấp nhiều phương tiện phục vụ ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các tỉnh, thành thuộc địa bàn Quân khu 4, Quân khu 5 và hỗ trợ nhu yếu phẩm cho nhân dân vùng bị thiệt hại thiên tai. Cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Quân khu 4, Quân khu 5 vừa tham gia cứu hộ, cứu nạn, cung cấp lương thực vào vùng bị cô lập; vừa đóng vai trò nòng cốt trong việc giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Lực lượng bộ đội giúp thầy cô giáo dọn dẹp trường lớp sau khi cơn lũ quét qua

Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu Trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, lực lượng Quân đội luôn sát cánh với Nhân dân vượt qua mọi hiểm nguy trong thiên tai, bão lũ.

“Đã điều động các lực lượng phối hợp cùng cấp ủy chính quyền, nhân dân để khắc phục hậu quả thiên tai trên mọi miền của đất nước. Điều động cả lực lượng xe, máy, điều cả trực thăng, điều cả chó nghiệp vụ để giúp tìm kiếm cứu nạn. Chúng tôi đã rất tích cực, có thể nói không đáp ứng được hết nhưng quân đội sẽ cố gắng làm, làm hết mình vì nhân dân, vì Tổ quốc, vì sự trường tồn của đất nước này", Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh./.”

Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/8-con-bao-do-vao-mien-trung-quan-doi-cung-dan-vuot-qua-gian-kho-825054.vov