Vô tình bất kính với Phật, phải làm sao?

GN -

HỎI: Trước đây, tôi có thỉnh bức hình Phật Dược Sư về nhà với lòng rất hoan hỷ. Tôi treo hình Đức Phật ở tầng trệt với ý muốn mẹ tôi ngày ngày được chiêm ngưỡng Ngài. Nhưng ngay vị trí đặt hình Phật chiếu thẳng lên tầng trên là nhà vệ sinh mà tôi đã vô ý không nhớ. Đến một thời gian sau tôi mới phát hiện và cho chuyển mục đích sử dụng nhà vệ sinh đó làm nhà kho.

Hiện tại càng nghĩ tôi càng cảm thấy lo sợ cho bản thân và người nhà tôi (những người đã sử dụng nhà vệ sinh đó) đã mang tội bất kính, sợ bị đọa địa ngục. Tôi không biết nên làm gì? Tôi rất hối hận và tự dằn vặt bản thân vì đã làm liên lụy tới mình và người nhà.

(NGỌC HẠNH, hanna…@gmail.com)

Tôn kính Như Lai - Ảnh minh họa

ĐÁP:

Bạn Ngọc Hạnh thân mến!

Việc thờ phụng hay tôn trí hình tượng Phật để chiêm ngưỡng ở tầng trệt hay các tầng dưới nếu không để ý sẽ mắc lỗi thất kính với Ngài. Vẫn biết khuynh hướng thờ Phật ở tầng trệt hiện nay đã được nhiều người lựa chọn nhưng cần tránh những nơi mà phía trên là giường ngủ hay nhà vệ sinh.

Bạn đã có sự khinh suất không nhỏ khi treo hình Phật Dược Sư mà phía trên có nhà vệ sinh. Dù hiện nay, bạn đã chuyển mục đích sử dụng của nhà vệ sinh làm kho nhưng thiết nghĩ vẫn chưa ổn. Bạn hãy cố gắng tìm cách chuyển vị trí của ảnh Phật đến một chỗ khác miễn sao mẹ của bạn dễ nhìn thấy là được.

Bạn cũng không nên quá lo lắng, bởi bạn sơ suất, không cố ý trong vấn đề này. Khi bạn thỉnh được bức hình Phật về nhà, tâm bạn rất hoan hỷ, thành kính. Tội hay nghiệp sẽ nặng nề khi người tác tạo có chủ ý. Bạn và người nhà vì vô ý nên dù vẫn có tội và nghiệp nhưng nhẹ hơn, có thể sám hối được.

Giải pháp cho vấn đề của bạn, sau khi dời vị trí hình ảnh Phật sang chỗ thích hợp, bạn cần đối trước bàn thờ Phật của gia đình (hoặc lên chùa) sắm sửa hương hoa nhang đèn cúng Phật rồi chí thành sám hối.

Trước, bạn cần phát lồ (lạy Phật ba lạy xong, quỳ xuống tác bạch trước Tam bảo về sự sơ thất của mình, thành tâm sám hối, mong Đức Phật chứng minh tha thứ cho sự tối tăm dẫn đến lỗi bất kính. Xin thay mặt cho cả gia đình thành tâm sám hối. Lòng bạn nghĩ sao thì cứ tác bạch phát lồ như vậy). Kế, bạn xướng danh hiệu Phật Dược Sư (Nam-mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật) hoặc xướng các danh hiệu Phật (theo Nghi thức Sám hối-Hồng danh bửu sám) rồi chí thành lễ bái. Nếu được thì mỗi lần sám hối bạn xướng và lạy 108 lạy. Tuy nhiên, cũng tùy theo tình trạng sức khỏe và hoàn cảnh khách quan mà bạn có thể điều chỉnh thời lượng, gia giảm số lần lễ lạy cho phù hợp. Sau mỗi thời lạy sám, bạn đọc sám nguyện (theo Nghi thức Sám hối), sau cùng là phát nguyện và hồi hướng.

Nhờ Tam bảo chứng minh cho lòng chí thành, nhờ Phật lực gia hộ cho tâm nguyện thiết tha, nhờ năng lực sám hối khiến cho tội diệt phước sinh, sau một thời gian sám hối bạn sẽ thấy bớt đi sự hối hận và ray rứt. Bạn phát huy nỗ lực tinh tấn tiếp tục sám hối cho đến khi thấy lòng thanh thản thì có thể tạm dừng. Song hành với sám hối là phát tâm cúng dường lên Đức Phật. Lễ phẩm cúng dường Phật thường là hoa, quả, hương, đèn, nước sạch. Chí ít là trong quá trình sám hối, bạn cần trang nghiêm bàn thờ Phật luôn hoa tươi, quả tốt.

Không hạn cuộc thời gian, sám hối bao lâu tùy thuộc vào tâm thành và tinh tấn của bạn. Dấu hiệu của vơi hết tội nghiệp có thể là mộng thấy hoa sen, thấy Đức Phật xoa đầu, cụ thể nhất là thấy thân tâm nhẹ nhàng thư thái, không còn hối hận hay dằn vặt nữa.

Chúc bạn tinh tấn!

Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ

(tuvangiacngo@yahoo.com)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//tuvantamlinh/2020/02/29/3642d3/