Vội vàng tái đàn lãnh ngay hậu quả

Ngày 25/12, tại trại chăn nuôi của hộ gia đình ông Cao Văn Dương ở xóm 9, xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã xảy ra ổ dịch tả lợn Châu Phi.

Lợn bị dịch tả Châu Phi (Ảnh minh họa).

Trước đó, cả huyện hầu như xã nào cũng bị dịch tả lợn Châu Phi. Riêng trại lợn nhà ông Dương vẫn giữ sạch bệnh và sau khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi cơ bản được dập tắt, ông đã bán hết đàn lợn 140 con với giá 80.000 đồng/kg thịt hơi thu về hơn 1,2 tỉ đồng.

Những tưởng chuồng trại nhà mình khá an toàn, không có mầm mống dịch tả lợn Châu Phi và thế là ông vội vã tái lập đàn với số lượng lên đến 200 con, hy vọng sẽ thu về khoản tiền lớn hơn.

Nguồn gốc toàn bộ số lợn giống ông mua về tái đàn từ một trang trại chăn nuôi ở tỉnh Hà Tĩnh. Khi xuất bán lợn giống cho ông Dương trang trại này có giấy xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn Châu Phi. Nhưng sau khi đưa lợn về trại nuôi được 10 ngày thì thấy một số con biểu hiện bị ốm.

Ngay lập tức gia đình báo cáo với cơ quan Thú y huyện đến kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi. UBND xã Diễn Liên và Trạm Chăn nuôi - Thú y của huyện đã tiến hành lập biên bản và cho tiêu hủy toàn bộ số lợn 200 của gia đình ông Cao Văn Dương.

Ông Võ Văn Kỳ - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Liên cho biết: Số lợn giống 200 con gia đình ông Cao Văn Dương mua về tái đàn không hề báo cáo với chính quyền địa phương và chưa được sự đồng ý của Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện.

Cũng trên địa bàn huyện Diễn Châu, tại xã Diễn Vạn có gia đình bà Phan Thị Dần ở xóm Trung Phú phát sinh ổ dịch tả lợn Châu Phi. Được biết bà Dần mua 25 con lợn giống cũng tại trang trại chăn nuôi ở Hà Tĩnh cùng nơi ông Cao Văn Dương ở xã Diễn Liên mua về và cũng không khai báo với UBND xã Diễn Vạn cho đến khi lợn bị dịch chết mới báo cáo cho xã biết.

Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Cả 2 ổ dịch này đều do dân tự mua con giống về nuôi và không khai báo với chính quyền địa phương trước khi tái đàn trong khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi hiện còn có 4 xã chưa qua 30 ngày. Đây là một việc làm rất tùy tiện dễ gây hậu quả nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi lợn hiện nay của huyện.

Theo quy định của UBND huyện Diễn Châu, sau khi huyện công bố hết dịch, nếu các hộ dân và các chủ trang trại chăn nuôi lợn muốn tái đàn phải được chính quyền sở tại và cơ quan chuyên môn kiểm tra chuồng trại có đảm bảo an toàn sinh học không, sau đó kiểm tra nguồn gốc con giống nơi mua về và phải được xét nghiệm có âm tính với dịch tả lợn Châu Phi không.

Nếu đảm bảo đầy đủ các yếu tố phòng dịch tốt thì mới được tái đàn. Cả 2 trường hợp để xảy ra dịch tả lợn Châu Phi nói trên, Phòng NN-PTNT đã xuống tận nơi lập biên bản, cương quyết không làm hồ sơ để hỗ trợ.

DOÃN TRÍ TUỆ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/voi-vang-tai-dan-lanh-ngay-hau-qua-post256122.html