'Vòm sắt' Iron Dome ở đâu khi Israel bị phiến binh Hồi giáo cực đoan tấn công dồn dập?

Iron Dome được coi là chiếc 'vòm sắt' hiệu quả khi Israel bị tấn công bởi các đối thủ. Tuy nhiên trong cuộc tấn công bất ngờ diễn ra vào lúc rạng sáng ngày 17-10, phòng không Israel đã không kịp hành động.

Hãng tin Sputnik dẫn tuyên bố của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã phát hiện tên lửa bắn đi từ dải Gaza nhằm về phía lãnh thổ Do Thái.

Lập tức "Mật mã đỏ" đã được kích hoạt, còi báo động phòng không rền vang khắp khu vực Be'er Sheva cấp báo cho 200.000 cư dân Do Thái ở đây khẩn trương tìm chỗ trú ẩn.

"Một quả đạn (có thể là pháo phản lực) bắn đi từ dải Gaza nhằm vào lãnh thổ Israel đã được phát hiện", thông báo ngắn của IDF cho biết.

Theo IDF, vụ việc xảy ra vào lúc khoảng 4h00 sáng nay giờ địa phương (tức 1 giờ GMT hay 8h00 sáng, giờ Việt Nam).

"Chúng tôi sẽ bảo vệ các công dân Israel" người phát ngôn của IDF tuyên bố trên trang Twitter chính thức của của lực lượng này.

Cập nhật mới nhất cho thấy quả đạn đã bắn trúng và gây hư hại cho ít nhất 1 nhà dân ở khu vực Be'et Sheva.

Tuy nhiên may mắn là không có thương vong hay bất cứ hư hại nào khác đối với dân thường ở khu vực này.

Tổ hợp phòng thủ tên lửa chiến trường Iron Dome của Israel được coi là chiếc khiên thần để bảo vệ nước này lại không thấy khai hỏa?

Iron Dome là một trong những hệ thống đánh chặn độc đáo nhất thế giới, ngoài đánh chặn các mục tiêu trên, hệ thống này còn đánh chặn được cả đạn pháo.

Đây là điều mà hiếm có hệ thống phòng không nào trên thế giới làm được kể cả các hệ thống của Nga và Mỹ.

Iron Dome với biệt danh "Vòm sắt" được Israel tự nghiên cứu và chế tạo dùng để bảo vệ không phận nước này khỏi pháo phản lực, đạn pháo và đạn cối của các lực lượng Hồi giáo cực đoan.

Hình ảnh xe tiếp đạn của hệ thống phòng thủ Iron Dome.

Hệ thống được bắt đầu chế tạo vào năm 2005 và ra mắt công chúng vào năm 2011.

Đạn tên lửa của Iron Dome có tầm tác chiến hiệu quả từ 4 km tới 79 km, với cơ chế dẫn đường đặc biệt nó có thể phá hủy ngay cả đạn pháo siêu tốc.

Mỗi xe mang phóng có cơ số đạn gồm 20 quả tên lửa được đặt trong các ống phóng. Hình ảnh quả đạn đánh chặn của hệ thống Iron Dome.

Một khẩu đội thường là 3 xe mang phóng sẽ có tổng số đạn trực chiến là 60 quả tên lửa.

Khi radar phát hiện ra vật thể bay thù địch, hệ thống xe chỉ huy sẽ tính toán quỹ đạo bay và đưa ra tọa độ rơi của quả đạn.

Nếu quả đạn được xác định sẽ rơi đúng vào khu vực đông dân cư, tên lửa đánh chặn từ Iron Dome được kích hoạt và tiêu diệt mục tiêu ngay còn khi đang bay trên không.

Điểm mạnh của hệ thống này chính là tốc độ phản ứng nhanh và có khả năng đánh chặn cực kỳ hiệu quả.

Theo phía Israel công bố, kể từ khi được triển khai từ tháng 3-2011 cho tới tháng 11-2012, Iron Dome đã đánh chặn được hơn 400 quả đạn được phóng ra từ pháo phản lực vào lãnh thổ nước này.

Như vậy, Iron Dome đã vô hiệu hóa tới 90% số lượng tên lửa được phóng đi từ Gaza nhắm vào các khu dân cư của Israel.

Tuy vậy không hiểu sao lần này hệ thống này đã bị qua mặt khi quả đạn bay thẳng vào lãnh thổ Israel mà không gặp bất cứ pha đánh chặn nào.

Hiện Israel đang ngầm điều tra sự việc xem liệu hệ thống này có bị đối thủ "chọc mù" hay không.

Nếu hệ thống này bị đối thủ qua mặt thì đây là thông tin sốc cho Israel trong bối cảnh nước này luôn chịu các cuộc tấn công từ các tay súng Hồi giáo cực đoan.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-vom-sat-iron-dome-o-dau-khi-israel-bi-phien-binh-hoi-giao-cuc-doan-tan-cong-don-dap/786772.antd