Vốn âm cả trăm tỷ, Tổng công ty Sông Hồng như 'ngàn cân treo sợi tóc'

Tổng CTCP Sông Hồng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẩn thiết kiến nghị cho phép được thoái vốn Nhà nước ngay trong năm 2019.

Hàng loạt vấn đề trong báo cáo tài chính của Sông Hồng

Theo báo cáo tài chính 6 tháng năm 2019, Tổng công ty Sông Hồng ghi nhận gần 40 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 3 lần cùng kỳ 2018. Lợi nhuận gộp mang lại chỉ hơn 1,5 tỷ đồng trong khi chi phí lãi vay ngốn mất 26 tỷ đồng.

Chính những điều này đã làm Tổng công ty Sông Hồng lỗ ròng hơn 31 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ gần 22 tỷ đồng của cùng kỳ 2018.

Với mức lỗ đều đặn qua các kỳ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 30/6/2019 của Tổng công ty Sông Hồng âm nặng 932 tỷ khiến vốn chủ sở hữu cũng âm tới 616 tỷ đồng.

Trong khi đó, tiền mặt của Tổng công ty Sông Hồng hiện chỉ vỏn vẹn hơn 10 tỷ đồng mà vay nợ tài chính ngắn hạn tới 303 tỷ đồng, phải trả ngắn hạn cũng tới 626 tỷ đồng....

Đáng nói, khoản vay nợ của Tổng công ty Sông Hồng cũng có vấn đề khi ghi nhận 192 tỷ đồng đã gia hạn thanh toán 6 lần tới tháng 1/2016 với Ngân hàng TMCP đại Dương (Oceanbank). Tuy nhiên từ đó đến thời điểm lập báo cáo, cả hai bên chưa có thêm văn bản thỏa thuận gia hạn nào về khoản vay này.

Tổng công ty Sông Hồng.

Tổng công ty Sông Hồng.

Ngoài ra, Tổng công ty Sông Hồng còn gánh thêm khoản nợ phải trả và nợ tiềm tàng liên quan đến các khoản bảo lãnh cho các khoản vay.

Cụ thể, theo bản án ngày 12/4/2018 xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp hợp đồng bảo lãnh giữa Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Tổng công ty Sông Hồng.

TAND TP Hà Nội kết luận Tổng công ty Sông Hồng phải có nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty Thép Sông Hồng số tiền gần 239 tỷ đồng, trong đó nợ gốc chỉ 95 tỷ đồng, còn lãi trong hạn và nợ lãi quá hạn tới 143 tỷ đồng.

Về tình hình nợ xấu, Tổng công ty Sông Hồng ghi nhận tới 247 tỷ đồng đã quá hạn trên 3 năm chủ yếu đến từ công ty mẹ và các công ty con khiến đơn vị này phải trích lập dự phòng gần 248 tỷ đồng.

Chưa kể, Tổng công ty Sông Hồng ghi nhận gần 282 tỷ đồng phải trả người bán nhưng lại không đánh giá được khả năng thanh toán và xác định số có khả năng chi trả nợ tại thời điểm lập báo cáo.

Khoản mục tài sản dở dang của Tổng công ty Sông Hồng ghi nhận 35,6 tỷ đồng từ khách sạn Royal Sông Hồng.

Trong khi đó, dự án Royal Sông Hồng được thực hiện năm 2008 với tổng mức đầu tư 36,7 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 18 tháng. Tuy nhiên, đến tháng 9/2017, Bộ Xây dựng đã chấp thuận chủ trương cho phép Tổng công ty Sông Hồng tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng nhưng đến nay vẫn “treo” tại báo cáo của đơn vị này.

Ngoài ra, hàng loạt dự án do Tổng công ty Sông Hồng góp vốn hợp tác đầu tư như khu nhà ở Sông Hồng - Việt Trì 1-2, dự án tại khu đất ngõ 49 đường Hùng Vương, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc... cũng chưa hoàn tất thủ tục pháp lý để triển khai thực hiện dù ghi nhận sự thống nhất của các bên từ năm 2014.

Âm vốn nặng vẫn muốn đấu giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu

Tổng công ty Sông Hồng có vốn điều lệ 270 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhà nước đóng góp 132 tỷ đồng (chiêm 49% vốn), còn lại là các cổ đông khác.

Với hàng loạt vấn đề về khả năng thanh toán, Tổng công ty cổ phần Sông Hồng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẩn thiết đề nghị được thoái vốn ngay trong năm 2019.

Theo Tổng công ty Sông Hồng, từ sau cổ phần hóa (2010) đến nay, tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty gặp rất nhiều khó khăn, mất khả năng thanh toán rất nghiêm trọng.

Chính vì vậy, trong vài năm gần đây, công ty không triển khai được dự án đầu tư cũng như không có hợp đồng thi công xây lắp mới nên tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh không có cơ hội để phục hồi cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Bên cạnh đó, Sông Hồng còn đang phải thi hành bản án với số tiền 238,4 tỷ đồng phải trả cho Ngân hàng SHB; rồi Tòa án quận Tây Hồ chuẩn bị đưa ra xét xử vụ Ngân hàng Oceanbank khởi kiện buộc Tổng công ty phải trả nợ vay thi công công trình Nhiệt điện Vũng Áng I với số tiền cả gốc và lãi khoảng 470 tỷ đồng.

Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài trong một thời gian rất ngắn nữa thì Tổng công ty Sông Hồng chắc chắn sẽ buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ phần vốn Nhà nước tại đây.

Theo đó, Tổng công ty Sông Hồng cho biết đã trình Bộ Xây dựng phê duyệt hồ sơ thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty để đấu giá một phần vốn Nhà nước. Đồng thời tìm kiếm nhà đầu tư có thể giam gia đấu giá công khai với mức giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần với điều kiện phải tiến hành thoái vốn trong năm 2019.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/tai-chinh/von-am-ca-tram-ty-tong-cong-ty-song-hong-nhu-ngan-can-treo-soi-toc-71819.html