Vốn đầu tư công từ nguồn ODA: Tỷ lệ giải ngân thấp

Rà soát của Bộ Tài chính cho thấy, mặc dù chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm nhưng có tới 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài (ODA) rất thấp, thậm chí không giải ngân được đồng vốn nào, trong số đó nhiều địa phương đề nghị được trả lại kế hoạch vốn…

Dự án Tuyến đường sắt thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, một trong những “điểm nghẽn” giải ngân của Hà Nội.

Dự án Tuyến đường sắt thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, một trong những “điểm nghẽn” giải ngân của Hà Nội.

Nhiều địa phương đề nghị trả lại kế hoạch vốn

Ngay sau Hội nghị với các bộ ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn ODA năm 2020, mới đây Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì Hội nghị trực tuyến với 62 tỉnh, thành phố cũng về nội dung này. Tại Hội nghị, bà Nguyễn Xuân Thảo - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, tổng dự toán vốn ODA được giao từ nguồn ngân sách trung ương (TW) theo Quyết định 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ là 60.000 tỷ đồng, trong đó dự toán giao cho các địa phương (ĐP) là 38.484 tỷ đồng. Số các ĐP đã phân bổ và nhập vào Hệ Tabmis tính đến ngày 27/8/2020 là 90,4% (34.790,9 tỷ đồng), tăng 3,98% so với thời điểm Hội nghị giải ngân ngày 25/6/2020.

Tổng dự toán vốn ODA được TW cho vay lại các ĐP là 26.541,6 tỷ đồng theo Quyết định 2503/QĐ-BTC ngày 29/11/20219 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong đó số đã được các ĐP giao chi tiết và nhập vào hệ thống Tabmis là 19.668 tỷ đồng, đạt 74,1%.

Về tình hình giải ngân, tính đến ngày 27/8/2020, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (cấp phát) năm 2020 từ nguồn vốn ODA của các ĐP là 8.411 tỷ đồng (bao gồm cả 2.878 tỷ đồng giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước), đạt tỷ lệ 21,86% so với dự toán được giao; tăng 9,14% so với số liệu đã báo cáo tại thời điểm Hội nghị giải ngân ngày 25/6/2020. Số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn ODA cho các ĐP vay lại là 5.767,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 29,3% so với dự toán được các ĐP nhập Tabmis.

Một loạt trở ngại được đề cập đến như nguồn vốn năm 2019 được chuyển nguồn, kéo dài song song với công tác giải ngân kế hoạch vốn năm 2020; công tác thực hiện đầu tư như giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu kéo dài; dự án đầu tư liên tục phải điều chỉnh…

Cũng theo báo cáo, đến nay, đã có 5/62 ĐP có văn bản gửi Bộ KH&ĐT đề nghị trả lại kế hoạch vốn, tổng số 1.617,2 tỷ đồng, trong đó vốn cấp phát là 953,4 tỷ đồng, vốn vay lại là 663,8 tỷ đồng. “Trường hợp không điều chỉnh giảm kế hoạch vốn cho các ĐP này thì tỷ lệ giải ngân sẽ đạt thấp”–Đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại khẳng định.

Phải rà soát để có giải pháp phù hợp

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cũng cho rằng, nếu không có các biện pháp thúc đẩy tăng cường giải ngân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thì từ nay tới cuối năm, khả năng số liệu giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn ODA ở các ĐP cũng không thể tăng được nhiều…

Thứ trưởng yêu cầu các ĐP, đơn vị cần có rà soát lại khả năng giải ngân đến cuối năm của từng dự án để xem xét, điều chỉnh dự toán cho phù hợp. Trường hợp phải điều chỉnh tổng mức dự toán, các ĐP phải có báo cáo với TW để xem xét; trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giữa các dự án trong phạm vi tỉnh, thành phố thì các ĐP chủ động thực hiện; riêng các dự án có liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn thì phải xin ý kiến của Bộ KH&ĐT để có điều chỉnh phù hợp.

Với những dự án có khả năng hoàn thành giải ngân, phải chỉ đạo sớm giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đấu thầu… để đảm bảo tiến độ. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần sớm phối hợp hoàn tất thủ tục cho vay lại với Bộ Tài chính.

“Hiện nay qua số liệu rà soát của Bộ Tài chính cho thấy có tới 14 ĐP có tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí không giải ngân được đồng vốn nào. Đề nghị các ĐP phải rà soát, xác định rõ khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tốt hơn…”- Thứ trưởng Trần Xuân Hà lưu ý và cho biết, từ nay tới cuối năm, Bộ Tài chính sẽ duy trì hội nghị giao ban hàng tháng với các bộ, ngành, ĐP để kiểm điểm tiến độ giải ngân và cùng đưa ra các biện pháp tháo gỡ nhằm thực hiện tốt nhất công tác giải ngân theo đúng kế hoạch đã đề ra…

Các địa phương vướng gì?

Theo lãnh đạo UBND TP.Hà Nội, dự án Tuyến đường sắt thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội còn một số vướng mắc về thủ tục tạm ứng gói thầu số 9 do Bộ Tư pháp chưa cấp hiệu lực pháp lý cho Hiệp định vay bổ sung 20 triệu Euro với Chính phủ Pháp; vướng mắc về thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án Đường sắt đô thị số 3 Hà Nội…

Đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết dù lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và đưa ra nhiều giải pháp để thúc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn ODA nhưng tỉnh vẫn có một số vướng mắc như phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn chất lượng môi trường, xã hội theo yêu cầu của các nhà tài trợ nên mất khá nhiều thời gian.

Lãnh đạo TP Cần Thơ thừa nhận tỷ lệ giải ngân vốn ODA ở ĐP còn thấp là do nhiều nguyên nhân chủ quan như: Việc đăng ký vốn chưa sát thực tế, chưa lường hết được các vấn đề trong quá trình triển khai, công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư chưa hợp lý khiến dự án cần điều chỉnh nhiều lần làm mất nhiều thời gian thực hiện…

Linh Linh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/von-dau-tu-cong-tu-nguon-oda-ty-le-giai-ngan-thap-541043.html