Vốn FDI vào BĐS qua góp vốn, mua cổ phần: Thận trọng

Nhà đầu tư luôn đứng trên lợi ích của doanh nghiệp, nếu công tác quản lý bị buông lỏng thì sai phạm đều có thể xảy ra

Báo cáo của Bộ KH-ĐT trong 10 tháng đầu năm 2019 cho thấy, vốn FDI đổ vào BĐS của Việt Nam đang ngày càng tăng mạnh.

Đáng chú ý, vốn FDI đăng ký vào bất động sản qua kênh góp vốn, mua cổ phần tăng rất nhanh, đạt 1,75 tỷ USD, chiếm 58,6% tổng vốn FDI vào bất động sản.

Tỉ lệ này được đánh giá là cao nhất từ trước đến nay, trong khi tỉ lệ dòng vốn ngoại đăng ký dự án mới chỉ đạt 1,3 tỷ USD, thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.

Nhiều vị trí nhạy cảm ven biển Đà Nẵng bị rơi vào tay người Trung Quốc gây lo ngại. Ảnh: Báo văn hóa

Nhiều vị trí nhạy cảm ven biển Đà Nẵng bị rơi vào tay người Trung Quốc gây lo ngại. Ảnh: Báo văn hóa

Đặt báo cáo trên trong bối cảnh nhiều lô đất ven biển đã bị sang tên, chuyển nhượng cho người nước ngoài cũng thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, khiến dư luận đặc biệt lo ngại.

Nhận định về xu hướng trên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính chỉ ra mấy vấn đề.

Thứ nhất, ông Đính cho rằng, dòng vốn FDI đổ vào BĐS Việt Nam tăng mạnh trong nhiều năm gần đây nhất là theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, là xu hướng không mới.

Việc này có lý do từ thủ tục, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam quá phức tạp, rườm rà, mất thời gian và rủi ro quá cao. Vì thế, các nhà đầu tư nước ngoài thường hướng tới việc lựa chọn đầu tư vào những dự án đã "sạch sẽ", chỉ việc đưa vốn vào là hoạt động để tránh tình trạng phải "chi từ đầu" vừa mất thời gian vừa rủi ro lớn.

Thứ hai, thủ tục sang tên, chuyển nhượng chủ đầu tư dự án ở Việt Nam cũng rất phức tạp, khó khăn vì thế, các nhà đầu tư ngoại cũng luôn hướng tới tìm giải pháp dễ nhất, nhanh nhất mà hiệu quả lại cao nhất.

Vì lý do này, nhà đầu tư ngoại thường lựa chọn giải pháp góp vốn theo tỉ lệ cao vào những doanh nghiệp đang hoạt động hoặc đã được cấp đầy đủ giấy phép hoạt động, sau đó từng bước chiếm hữu, nắm quyền chi phối, điều hành tại doanh nghiệp.

Đây là giải pháp nhanh nhất, dễ nhất để nhà đầu tư ngoại đẩy nhanh dòng vốn FDI vào dự án, từng bước chiếm quyền chi phối, thâu tóm dự án.

"Như vậy, để trả lời cho câu hỏi tại sao lại có xu hướng tăng vốn FDI theo hình thức góp vốn, mua cổ phần thì phải khẳng định đó là do chính sách, pháp luật của Việt Nam quá phức tạp, lằng nhằng, quá nhiều khó khăn khiến doanh nghiệp nước ngoài quá oải nên phải lựa chọn cách đi tắt, đi nhanh", ông Đính nói.

Siết chặt quản lý

Trước những lo ngại tăng vốn FDI để từng bước thâu tóm, chiếm hữu doanh nghiệp rồi dần tiến tới thâu tóm, sở hữu đất đai, tài sản của đất nước, điển hình như 21 lô đất tại Đà Nẵng đã bị rơi vào tay nhà đầu tư Trung Quốc cũng chính bằng hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, ông Đính cho rằng đó là do công tác quản lý.

Theo ông Đính, xu hướng đầu tư vào BĐS Việt Nam không chỉ có những nhà đầu tư Trung Quốc mà còn có rất nhiều những nhà đầu tư nước ngoài khác.

Xét trên phương diện đầu tư, kinh doanh đây là hiện tượng bình thường, tuy nhiên, trên góc độ quản lý sẽ có những lo ngại đằng sau dòng vốn FDI đổ vào BĐS ngoài mục đích đầu tư thì còn những mục đích khác. Nhất là với dòng vốn Trung Quốc, đó là lo ngại thực tế.

Nếu nhìn lại các báo cáo thống kê những tháng đầu năm, lượng vốn đầu tư từ Trung Quốc thời gian qua đạt hơn 7,6 tỷ USD.

Trong 7 dự án lớn của 5 tháng đầu năm 2019 được thống kê có tới 5 dự án của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

Đó là: Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage; Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (Trung Quốc); Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện; Dự án Công ty TNHH lốp Advance Việt Nam; Dự án Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam (Hồng Kông)...

Ông Đính cho rằng, điều này cho thấy nhà đầu tư Trung Quốc vẫn chủ yếu đầu tư vào Việt Nam theo dạng thụ động như hợp tác góp vốn lấy lợi nhuận, mua bán doanh nghiệp cũ, doanh nghiệp lên sàn để chờ đợi thời cơ.

Người Trung Quốc sở hữu 21 lô đất Đà Nẵng:Do quản lý

Trước những vấn đề mà nhà đầu tư Trung Quốc từng để lại như, mở sào huyệt cờ bạc, công xưởng ma túy ở Hải Phòng, Kon Tum dưới "vỏ bọc" doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hay mượn danh khách du lịch nhưng lại tạo nên những “căn cứ bất khả xâm phạm” hoạt động phi pháp trên lãnh thổ Việt Nam... thì cũng phải cẩn trọng.

Nhưng, nếu nhìn từ công tác quản lý cũng phải khẳng định công tác quản lý tại các địa phương là có vấn đề.

Theo ông Đính, từ việc 21 lô đất bị rơi vào tay người Trung Quốc rõ ràng đã có kẽ hở trong thực thi pháp luật.

"Chúng ta có đủ hệ thống các quy định pháp luật, từ Luật Đầu tư - kinh doanh, Luật Nhà ở... Luật pháp đã quy định rất chặt chẽ đối với các trường hợp vốn đầu tư nước ngoài, phải dựa trên các quy định đó để làm cho đúng.

Việc xảy ra ở Đà Nẵng là các cơ quan quản lý địa phương làm không tốt, không chặt, trong đó không loại trừ khả năng có tiêu cực, tiếp tay để nhà đầu tư lách luật mượn danh người Việt chiếm quyền sử dụng đất. Cần phải làm rõ và xử lý nghiêm.

Nên nhớ, việc mua bán, chuyển nhượng các dự án ngay với các nhà đầu tư trong nước cũng vô cùng khó khăn, nhưng việc nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng đạt được mục đích thì phải xem xét lại công tác quản lý và trách nhiệm của những người làm quản lý", ông Đính nói.

Ông Đính kết luận, nhà đầu tư luôn đứng trên lợi ích của doanh nghiệp, vì thế, với bất kỳ nhà đầu tư nào nếu công tác quản lý bị buông lỏng thì sai phạm đều có thể xảy ra.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bat-dong-san/von-fdi-vao-bds-qua-gop-von-mua-co-phan-than-trong-3391970/