Vốn ngân hàng chờ nhà đầu tư ngoại

Để đáp ứng theo các tiêu chuẩn Basel II, các ngân hàng đang cần nguồn vốn lớn để đáp ứng mức tăng trưởng tín dụng. Hơn nữa, với tốc độ tăng trưởng khả quan những năm qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm, mạnh tay rót vốn mua cổ phần.

Việc góp vốn, mua cổ phần sẽ tạo thành làn sóng đầu tư khi Việt Nam tiếp tục có được một nền kinh tế vững chắcl. Ảnh: ST.

Làn sóng mua cổ phần

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 2 tháng đầu năm 2019 có 1.039 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 5,17 tỷ USD, gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 585 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 4,78 tỷ USD và 454 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 0,39 tỷ USD. Các chuyên gia dự báo, việc góp vốn, mua cổ phần sẽ tạo thành làn sóng đầu tư khi Việt Nam tiếp tục có được một nền kinh tế vững chắc. Đặc biệt, với lĩnh vực tài chính ngân hàng, dòng vốn này được kỳ vọng sẽ có sự bứt phá hơn hẳn do khả năng sinh lời cao và tốc độ tăng trưởng mạnh trong những năm qua.

Thực tế đã chứng minh nhận định trên hoàn toàn đúng bởi ngay những tháng đầu năm, đã có nhiều thương vụ được thực hiện hoặc cam kết thực hiện. Cụ thể, ngay đầu tháng 1/2019, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã phát hành cổ phiếu riêng lẻ thành công hơn 111 triệu cổ phiếu cho đối tác GIC Private Limited (GIC) - quỹ đầu tư quốc gia của Singapore và Mizuho Bank Ltd (Mizuho) - một trong những định chế tài chính lớn nhất của Nhật Bản, thu về khoảng 6,2 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 265 triệu USD). Khoản đầu tư của GIC và Mizuho đã giúp vốn điều lệ của Vietcombank tăng lên 37,1 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 1,6 tỷ USD), giúp tạo nền tảng vốn vững chắc cho việc đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn theo Basel II.

Đặc biệt, đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ nêu trên mới đạt 1/3 theo tổng số lượng mà Vietcombank dự kiến phát hành. Trước đó, vào tháng 9/2018, Vietcombank được chấp thuận phát hành riêng lẻ tối đa gần 360 triệu cổ phần (tương ứng 10% vốn điều lệ). Như vậy, thời gian tới, rất có thể ngân hàng này sẽ đẩy mạnh chào bán phần còn lại.

Cũng liên quan đến một trong 4 “đại gia” ngân hàng ở Việt Nam, tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khoảng giữa tháng 2/2019, ông Kanetsugu Mike, Tổng giám đốc Ngân hàng MUFG (Nhật Bản) cho biết, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã đáp ứng tiêu chuẩn Basel II cùng những tiêu chuẩn quan trọng khác nên MUFG đã luôn đẩy mạnh hoạt động hợp tác với VietinBank. Là cổ đông chiến lược của VietinBank, MUFG sẵn sàng hỗ trợ VietinBank tăng vốn điều lệ nhằm tạo thuận lợi trong kinh doanh.

Không chỉ các nhà băng lớn, nhiều nhà băng vừa và nhỏ cũng đã và đang tập trung đẩy mạnh thu hút vốn ngoại. Thời gian qua, một số ngân hàng đã triển khai kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán, từ đó chào bán thành công cổ phiếu cho các công ty, tổ chức quốc tế, mang lại nguồn vốn hàng trăm triệu USD. Tiêu biểu như Warburg Pincus – Công ty quản lý Quỹ đầu tư vào vốn cổ phân tư nhân hàng đầu thế giới chuyên đầu tư vào các công ty có tiềm năng tăng trưởng dài hạn, đã đầu tư hơn 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) vào Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank)…

“Đất” cho nhà đầu tư ngoại còn nhiều

Một thương vụ rất đáng chú ý là thương vụ bán vốn của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cho đối tác KEB Hana (Hàn Quốc). Giới chuyên giá đánh giá thương vụ sẽ là tín hiệu tích cực để giải tỏa cho áp lực tăng vốn và nâng cao khả năng cạnh tranh của BIDV trong mảng bán lẻ. Tuy nhiên, lãnh đạo BIDV kiến nghị các cơ quan chức tháo gỡ các điều kiện ràng buộc nhà đầu tư nước ngoài để BIDV có thể hoàn tất giao dịch bán vốn cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề “đau đầu” của các chủ nhà băng khi tìm vốn ngoại là những hạn chế từ tỷ lệ sở hữu cổ phần (room) của nhà đầu tư nước ngoài. Vào gần cuối tháng 10/2018, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đã thông báo điều chỉnh tỷ lệ room nhà đầu tư nước ngoài của mã chứng khoán ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu từ 29,83% lên 30%. Bởi trước đó, quỹ ngoại Whistler Investments Limited cùng với quỹ Sather Gate Investments Limited (thuộc sở hữu hoàn toàn bởi công ty mẹ Alp Asia Finance Vietnam Limited) đã nhận chuyển nhượng lại và sở hữu gần 10% cổ phần vốn ACB, khiến room ngoại của ACB đạt mức tối đa 30%.

Theo quy định hiện nay, tỷ lệ sở hữu cổ phần (room) của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ; tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30%. Các ngân hàng cho rằng, đây là rào cản lớn, bởi thậm chí, một số nhà băng đã dùng cạn số room này nên đề nghị được nới room lên khoảng 40%.

Như vậy, nhìn vào thị trường hiện nay có thể thấy, “đất” cho các nhà đầu tư ngoại còn rất nhiều, nhất là khi Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” vừa được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2 vừa qua đã yêu cầu đến hết năm 2020, toàn bộ ngân hàng thương mại phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức HoSE, HNX, UPCoM. Tuy nhiên, việc mở thêm “cửa” và tăng thêm “đất” cho các nhà đầu tư nước ngoài ở mỗi ngân hàng cần lộ trình và sự tính toán kỹ lưỡng, tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến toàn hệ thống.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/von-ngan-hang-cho-nha-dau-tu-ngoai-101496.html