Vốn ODA không phải 'của trời cho'

Cùng với quá trình phát triển của quốc gia nhận viện trợ, lãi suất vay có xu hướng tăng dần, nếu không cân nhắc kỹ, Việt Nam có thể rơi vào bẫy 'ODA và vay ưu đãi' khi lãi suất và phí thu xếp vốn cao hơn so với mức lãi suất vay thương mại trên thị trường vốn trong nước. Hơn nữa, vốn ODA chỉ là một kênh huy động ngoại tệ tạm thời, Việt Nam cần phải có một chiến lược rút lui.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển rất lớn về chính sách hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển sản xuất kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi Việt Nam ký kết trong giai đoạn 2016- 2017 đạt 9.198 triệu USD, trong đó vốn vay là 8.981 triệu USD (vay ODA 6.781 triệu USD, vay ưu đãi 2.200 triệu USD), viện trợ không hoàn lại 216,8 triệu USD).

ODA và vốn vay ưu đãi có lãi suất thấp, thời hạn vay dài (25-40 năm) và thời gian ân hạn hợp lý (thường 5-10 năm). Tuy nhiên, thời gian qua, vốn ODA và vay ưu đãi cũng bộc lộ những điểm hạn chế nhất định.

"Bẫy" ODA và vay ưu đãi

Bộ KH&ĐT cảnh báo, cùng với quá trình phát triển của quốc gia nhận viện trợ, lãi suất vay có xu hướng tăng dần, nếu không cân nhắc kỹ, có thể Việt Nam sẽ rơi vào bẫy "ODA và vay ưu đãi" khi lãi suất và phí thu xếp vốn cao hơn so với mức lãi suất vay thương mại trên thị trường vốn trong nước.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên đại học Fulbright Việt Nam, tính toán hiện tại lãi vay ODA 1-2%/năm. Nếu cộng thêm các khoản ngoài lãi như phí tư vấn, dàn xếp vốn, chi phí đội vốn… tổng chi phí vay ODA không rẻ hơn các khoản vay thương mại hiện có với lãi suất khoảng 7%/năm. Thậm chí, chi phí vay ODA thực tế ở một số dự án phải trả có thể lên đến 10%/năm.

Một số khoản vay ưu đãi có kèm theo điều kiện ràng buộc về kỹ thuật, công nghệ, lựa chọn nhà thầu… khiến chi phí vay thực tế có thể cao hơn nhiều so với những trường hợp có đấu thầu cạnh tranh.

Ngoài ra, rủi ro do tác động bất lợi của biến động tỷ giá, đặc biệt là việc lên giá của đồng tiền ODA và vay ưu đãi so với đồng Việt Nam có thể làm tăng nghĩa vụ trả nợ và tăng nợ công.

Trong khi đó, năng lực hấp thụ viện trợ nước ngoài của quốc gia, ngành, địa phương và những dự án cụ thể còn hạn chế. Phần lớn các dự án vốn vay nước ngoài đều phải gia hạn, kéo dài thời gian thực hiện, chậm phát huy hiệu quả do tư tưởng "của cho không".

Khảo sát cho thấy thời gian giao kế hoạch vốn hàng năm rất chậm. Một số địa phương chỉ hoàn thành việc giao kế hoạch vào tháng 3-5, dẫn tới trong 6 tháng đầu năm, việc thực hiện và giải ngân vốn cho các dự án đều bị chậm.

Ông Tuấn đánh giá, không ít bộ, ngành, địa phương đến nay vẫn xem ODA là "của trời cho" mà không nhìn nhận rằng bản chất đây là khoản vay phải trả trong khoảng 20-30 năm sau. Nhiều lãnh đạo địa phương vẫn chưa hình dung được áp lực, trách nhiệm phải trả khoản vay ODA.

Do đó, tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư xảy ra đối với nhiều chương trình, dự án. Cụ thể, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Tp.Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo tăng từ 19.555 tỷ đồng lên 51.750 tỷ đồng (tăng vốn gấp gần 3 lần); dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Tp.HCM tuyến 1, đoạn Bến Thành – Suối Tiên tăng từ 17.387,6 tỷ đồng lên 47.325,2 tỷ đồng…

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng nêu những điểm bất cập của nguồn vốn ODA từ các đối tác song phương, tiêu biểu là vốn vay từ Trung Quốc. Vốn vay ưu đãi của Trung Quốc cho Việt Nam tương tự các khoản vay tín dụng xuất khẩu, là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các DN Trung Quốc) và kém ưu đãi hơn so với ODA của nhà tài trợ.

Bộ KH&ĐT cảnh báo Việt Nam có thể rơi vào bẫy "ODA và vay ưu đãi"

Chiến lược rút lui

Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và vay ưu đãi, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ quản rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án, khẩn trương triển khai các thủ tục điều chuyển kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương từ dự án giải ngân thấp sang dự án có khả năng giải ngân cao hơn theo quy định hiện hành.

Các bộ, ngành địa phương và các ban quản lý dự án phải tăng cường giám sát, theo dõi từ khâu đề xuất, báo cáo khả thi đến khâu triển khai, thực hiện dự án để kịp thời xử lý, phản ánh các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình, dự án; nhất là các dự án đường sắt đô thị quy mô lớn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục điều chỉnh dự án.

Đặc biệt, theo Bộ KH&ĐT, việc có định hướng rõ ràng và có tính chiến lược cho việc thu hút và sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi trong thời gian tới là cực kỳ quan trọng đối với Việt Nam.

Theo đó, vốn vay nước ngoài cần ưu tiên sử dụng cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng, nhất là những loại dự án có thể làm tăng khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ trong trung và dài hạn.

Đồng thời, vay vốn nước ngoài chỉ nên tập trung vào một vài lĩnh vực chủ chốt, đặt dưới sự điều phối tập trung, thống nhất của cơ quan kế hoạch. Sự thẩm định, đánh giá dự án một cách chặt chẽ, khách quan, minh bạch sẽ là những yếu tố căn bản để tăng cường hiệu quả sử dụng vốn vay nước ngoài.

Theo ông Tuấn, cần xây dựng lại một quy trình, cơ chế huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA trong thời gian tới. Các khoản ODA được cấp chỉ nên đưa ra ràng buộc về tài trợ chứ không nên ràng buộc điều khoản thực hiện. Đồng thời, phải bảo đảm có một cơ quan chịu trách nhiệm về hiệu quả của nguồn vốn ODA sau khi được phân cấp, phân bổ.

Mặt khác, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, với tình hình nguồn vốn rẻ ngày càng hiếm, để đầu tư các dự án trong nước, có thể đẩy mạnh huy động vốn theo hình thức PPP (đối tác công tư) với các hợp đồng BOT… thay vì tìm nguồn vay khác khi rủi ro và gánh nặng trả nợ rất lớn.

Trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp IDA của Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 7/2017 và dự kiến sẽ tốt nghiệp ADF của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vào 1/1/2019, nghĩa vụ trả nợ gốc của Chính phủ tăng lên gấp đôi, đồng thời rút ngắn thời gian vay đối với các khoản nợ hiện hành, đặc biệt là điều chỉnh lại các hợp đồng cho vay lại.

Ngoài ra, việc tiếp cận với một số khoản vay mới theo điều kiện gần thị trường có lãi suất thả nổi làm tăng rủi ro cũng như chi phí vay của Chính phủ. Vì vậy, Bộ KH&ĐT cho rằng cần chuẩn bị cho chiến lược rút lui vốn ODA – đây chỉ là một kênh huy động ngoại tệ tạm thời.

Lê Thúy

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT

Lợi ích lớn nhất của vốn vay nước ngoài là có được nguồn ngoại tệ để tiếp cận công nghệ, tài sản đầu tư và các kiến thức chuyên môn tiên tiến. Về lâu dài, chúng ta cần có chiến lược để tiếp cận được tất cả yếu tố đó mà không cần ODA. Điều đó có nghĩa là cần tập trung xây dựng thị trường vốn trong nước, tiếp cận thị trường vốn nước ngoài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước để tiệm cận dần trình độ quốc tế.

Ts. Dương Đình Giám - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công thương

Cơ quan quản lý cần phải làm tốt vai trò của mình. Với vai trò tham mưu cho Chính phủ, cơ quan quản lý phải thực hiện đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng, thậm chí đề xuất từ chối không tiếp nhận những nguồn vốn vay ODA nếu nhận thấy nguồn vốn đó có khả năng gây bất lợi cho dự án, cho địa phương cũng như cho nền kinh tế nói chung.

Ông Bùi Trinh - Chuyên gia kinh tế

Vốn ODA chỉ nên vay khi hiệu quả sử dụng đồng vốn cao hơn chi phí nhưng không ít khoản vay lại không đem lại hiệu quả kinh tế. Trong khi đó, suy nghĩ vay ODA hiện tại chưa phải trả nên các bộ, ngành, địa phương vẫn tiếp tục sử dụng dòng vốn này dù nợ công đã ở mức cao và mỗi người dân sẽ phải gồng gánh trả nợ trong tương lai.

Nguồn Thời báo Kinh doanh

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//von-oda-khong-phai-cua-troi-cho_n40407.html