Vốn vay chiếm 82% tổng mức đầu tư: Kite Air sẽ có lãi sau 3 năm?

Tổng vốn đầu tư 5.500 tỉ đồng, nếu được Thủ tướng chấp thuận thì Kite Air sẽ cất cánh vào quý II năm nay với 6 máy bay ATR72 và dự kiến có lãi sau 3 năm khai thác.

Một máy bay của Hải Âu - công ty con chuyên cung cấp dịch vụ bay ngắm cảnh của Tập đoàn Thiên Minh.

Sau quá trình thẩm định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Cánh Diều (Kite Air) của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh.

Theo hồ sơ dự án, công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, do ông Trần Trọng Kiên (Chủ tịch Thiên Minh Group) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc.

Tổng vốn đầu tư của Dự án là 5.500 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.000 tỉ đồng (chiếm 18% vốn đầu tư), vốn vay 4.500 tỉ đồng (chiếm 82% tổng mức đầu tư); địa điểm thực hiện tại cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Phân tích tài chính của Dự án cho thấy, dự kiến, tổng giá trị hiện tại ròng (NPV) sau năm 2025 của KiteAir là 27,74 triệu USD. Tỉ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) đạt 17,8%/năm với thời gian hoàn vốn 5 năm. Do đó, Dự kiến, hãng bắt đầu có lãi từ năm 2023.

Về hiệu quả kinh tế - xã hội, theo đánh giá sơ bộ, sau khi đi vào hoạt động, Dự án dự kiến sẽ đóng góp khoảng 430 triệu đô la Mỹ cho các dịch vụ sân bay trong 5 năm tới, đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng năm khoảng 800 tỷ đồng thông qua các hình thức như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môi trường; mang lại cơ hội việc làm trực tiếp cho khoảng 294 lao động trong năm 2020 và tăng lên tới hơn 1.300 lao động trong 5 năm đầu hoạt động.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý rằng những kỳ vọng này mới ở mức sơ bộ. “Các dữ liệu đầu vào mới là giả định. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm các số liệu và tính chính xác về sơ bộ hiệu quả đầu tư Dự án", Tờ trình của Bộ này nêu rõ.

Trường hợp được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong giai đoạn tiếp theo, nhà đầu tư cần phải xây dựng kế hoạch khai thác các đường bay trong nước và quốc tế linh hoạt, phù hợp với năng lực, thực tiễn tại các Cảng hàng không dự kiến khai thác, bảo đảm có đủ giờ cất-hạ cánh (slot) cho máy bay phù hợp với mô hình khai thác đồng thời đánh giá cụ thể hơn tác động của Dự án đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của khu vực với mục tiêu thúc đẩy kết nối du lịch, kinh tế - xã hội một cách toàn diện.

Nói về dự án này, điểm nhấn quan trọng nhất của báo cáo này là việc Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án với mục tiêu xây dựng một hãng hàng không mới chi phí thấp để kết nối người dân các địa phương có hạ tầng sân bay chưa được đầu tư phát triển. Trong những năm tiếp theo, nhà đầu tư sẽ mở các đường bay quốc tế nhằm nhằm thúc đẩy giao lưu và hội nhập văn hóa, kinh tế khu vực và quốc tế.

Trong năm đầu tiên, KiteAir sẽ khai thác 6 tàu bay ATR72 hoặc tương đương và tăng dần qua các năm, đến năm thứ 6 khai thác 25 tàu bay. Trong đó, từ năm thứ 3 trở đi, hãng sẽ bổ sung thêm tàu bay A320/A321 hoặc tương đương.

Dự kiến, ngay từ năm đầu tiên, KiteAir sẽ mua 6 tàu bay ATR72-600 mới, đồng thời sẽ nghiên cứu thuê khô hoặc thuê mua tài chính, bước đầu khai thác bay nội địa, sau đó mở rộng bay quốc tế với Lào, Campuchia, khu vực Đông Dương, Đông Nam Á và một số điểm Đông Bắc Á.

Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, KiteAir sẽ hoàn tất các thủ tục để bắt đầu khai thác từ quý II/2020.

Ở một diễn biến khác có liên quan là việc Nghị định 89/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2016/NĐ-CP và 30/2013/NĐ-CP về các hoạt động kinh doanh ngành hàng không đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Cụ thể, trong Nghị định 89/2019/NĐ-CP, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư ngoại được tăng từ 30% lên 34% trong các hãng hàng không. Ngoài ra, mức vốn tối thiểu cho các hãng hàng không được giảm xuống cho các hãng có khai thác đường bay quốc tế với 10 tàu bay là 300 tỉ đồng; 11 đến 30 tàu bay là 600 tỉ đồng và trên 30 tàu bay là 700 tỉ đồng (trước đây, số vốn quy định này cao hơn khá nhiều, tương ứng là 700 tỉ đồng, 1.000 tỉ đồng và 1.300 tỉ đồng).

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, với điều kiện mức vốn tối thiểu cho các hãng hàng không được giảm xuống bên cạnh việc tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp muốn nhảy vào thị trường hàng không bé bở này, thì cũng gián tiếp tạo ra cuộc cạnh tranh thị phần vốn đang khá “nóng” sẽ khốc liệt hơn trong thời gian tới.

Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, hiện tại, có 3 hãng hàng không đang xin cấp phép bao gồm: Vinpearl Air, Hãng hàng không lữ hành Việt Nam (Viettravel Air) và Hãng hàng không Cánh diều (Kite Air). Cụ thể, Hãng hàng không Vinpearl Air vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, cuối tháng 12/ 2019, Bộ KH&ĐT cũng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Vietravel Airlines.

Linh Nga

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/von-vay-chiem-82-phan-tram-tong-muc-dau-tu-kite-air-se-co-lai-sau-3-nam-164826.html