Vốn vay cho học sinh, sinh viên: Những câu chuyện vay – trả

Để đến được với cánh cổng trường đại học, cao đẳng, nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh kinh tế khó khăn phải tìm đến sự hỗ trợ của chính sách tín dụng đối với HSSV. Đây được xem là giải pháp 'cứu cánh' để nhiều gia đình có cơ hội cho con em tiếp tục đến với giảng đường, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

Để được học đại học, em Trịnh Đình Dương, một sinh viên giỏi của Trường Đại học Hồng Đức có hoàn cảnh khó khăn phải nhờ đến sự hỗ trợ từ chính sách tín dụng đối với HSSV.

Chắp cánh cho những giấc mơ học tập

Từ nhiều năm nay, chính sách trợ vốn ngân hàng cho những HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV đã giúp nhiều người thực hiện được giấc mơ đến với giảng đường. Nhiều sinh viên nghèo nhờ vào nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đã có kinh phí chi trả cho quá trình học tập và sinh hoạt.

Em Trịnh Thị Trang sống tại xã Xuân Yên (Thọ Xuân) đến giờ vẫn không thể tin mình lại có thể theo học cao đẳng. Nhà nghèo, đông chị em, bố ốm nặng rồi mất sớm, mẹ em mặc dù thường xuyên đau ốm vẫn phải tảo tần nuôi các con ăn học. Mười mấy năm trời, dù chăm chỉ làm ăn, gia đình em vẫn không sao thoát ra khỏi diện hộ nghèo của xã. Nhận được tin trúng tuyển, niềm vui mừng xen lẫn nỗi lo lắng bởi em biết điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn, không có đủ sức để tiếp tục theo học. Tính đi tính lại, nhưng vì tương lai của con, mẹ của Trang đã quyết định vay vốn ưu đãi dành cho HSSV để con tiếp tục được đến trường. “Cũng may nhờ có chương trình cho HSSV vay vốn nên em mới thực hiện được ước mơ học tập. Em cũng muốn khi ra trường sẽ tìm được việc làm phù hợp để dành tiền trả cho ngân hàng, cũng là để mẹ đỡ vất vả hơn”.

Cũng có hoàn cảnh khó khăn như Trang, em Lê Văn Toàn ở huyện Tĩnh Gia cũng sẽ không thể theo học tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội nếu không có chương trình cho HSSV vay vốn của Nhà nước. Nhà nghèo nhưng Toàn học rất giỏi và chịu khó vừa đi học vừa tranh thủ đi làm thêm những lúc rảnh rỗi nên sau khi ra trường được một năm, Toàn đã trả xong khoản vay cả gốc lẫn lãi.

Chị Đặng Thị Tiếp, thành viên tổ vay vốn xã Anh Sơn (Tĩnh Gia) cho biết: “Người dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống rất khó khăn. Để nuôi được những đứa con học đại học, cao đẳng, hầu hết họ đều phải dựa vào nguồn vốn vay của chính sách tín dụng đối với HSSV. Khi nhận được hồ sơ xin vay vốn của các hộ gia đình, chúng tôi sẽ đến xác minh hoàn cảnh cụ thể từng trường hợp rồi lập danh sách gửi lên ngân hàng chính sách xã hội để chờ giải quyết”.

Dễ vay - khó trả

Việc vay vốn đã giúp nhiều bạn trẻ được tiếp tục “giấc mơ đèn sách” nơi giảng đường, nhưng sau đó khi ra trường, khoản nợ này cũng khiến nhiều em phải đau đầu tìm mọi cách để trả. Tình trạng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, phải bươn chải nhiều nghề kiếm sống không còn lạ. Nhiều em phải làm công nhân, lao động phổ thông để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Lo cho bản thân đã khó nên việc trả nợ ngân hàng đành phải để cha mẹ tiếp tục gánh vác.

Em Nguyễn Thị Hằng, quê ở huyện Quan Hóa, sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội năm 2014 đã gửi hồ sơ đến nhiều nơi nhưng đều không được nhận. Không muốn về quê, Hằng bám trụ lại thành phố làm đủ nghề từ nhân viên tiếp thị, bán hàng tại siêu thị, phục vụ tại quán cà phê... nhưng với thu nhập ít ỏi, chi phí sinh hoạt ở thành phố lại đắt đỏ nên nhiều năm đi làm, Hằng không thể dành tiền gửi về cho gia đình trả nợ tiền học trước đây. Hằng tâm sự: “Gia đình em thuộc hộ nghèo, ngày đậu đại học, bố mẹ em làm hồ sơ vay vốn vì nghĩ lãi suất thấp như thế này thì kiểu gì cũng trả được nợ. Thời điểm đó, gia đình em được vay mỗi kỳ học 4 triệu đồng. Trong quá trình học, gia đình em chỉ có thể trả được phần tiền lãi, còn tiền gốc thì để lại đến khi ra trường, có việc làm, có thu nhập ổn định rồi sẽ trả dần, dự tính khoảng 3-4 năm là hết nợ. Thế nhưng, hiện tại công việc em không ổn định, thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 3 triệu đồng nên không có tiền gửi về cho bố mẹ trả nợ”.

Chị Bùi Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Hoàng Giang (Nông Cống), cho biết: Hội LHPN xã là một trong 2 tổ chức phụ trách việc vay vốn HSSV trên địa bàn. Trước đây, việc thu hồi vốn vay gặp nhiều khó khăn bởi, khi ra trường, ngân hàng và nhà trường không có thông tin để theo dõi thu hồi nợ. Bên cạnh những trường hợp sinh viên ra trường không có việc làm ổn định nên không có khả năng trả nợ thì vẫn có một số người tuy đã có việc làm nhưng không tự giác trả nợ hoặc đi làm ăn xa. Vì thế, gánh nặng trả nợ lại dồn lên gia đình. Những năm gần đây, hội LHPN xã đã bám sát để đẩy mạnh việc thu hồi nợ đối với những đối tượng này. Với những trường hợp đã ra trường nhưng chưa có điều kiện trả hết nợ thì sẽ được ra hạn thêm tối đa là 6 tháng để trả hết nợ.

Theo thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHCSXH Thanh Hóa): Chương trình cho HSSV vay vốn ưu đãi toàn chi nhánh hiện có 9.240 khách hàng còn dư nợ với số tiền 247,5 tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2019, có 193 khách hàng được vay mới và 1.364 khách hàng được giải ngân tiếp. Dự kiến trong kỳ 1 năm học 2019 – 2020, NHCSXH Thanh Hóa sẽ tiếp tục cho 322 khách hàng mới vay vốn và 1.450 khách hàng được tiếp tục giải ngân.

Về đối tượng vay vốn hiện nay cũng được mở rộng hơn so với trước kia. Cụ thể, không chỉ sinh viên hộ nghèo mới được vay mà sinh viên thuộc hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên y khoa có hoàn cảnh khó khăn đã tốt nghiệp (nhưng không quá 12 tháng)... cũng thuộc đối tượng được hưởng chính sách này.

Đối tượng mở rộng, mức vay tăng lên 1,5 triệu đồng/tháng/người và mức lãi suất ưu đãi là 0,55%/tháng đã, đang hỗ trợ ngày càng hiệu quả cho nhiều HSSV nghèo, khó khăn.

Bài và ảnh: Thu Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/von-vay-cho-hoc-sinh-sinh-vien-nhung-cau-chuyen-vay--tra/107231.htm