Vòng đeo tay giám sát hiệu quả cách ly tại nhà

Theo quy định hiện hành, các trường hợp F1 phải cách ly tập trung (CLTT). Tuy nhiên, việc cách ly các trường hợp F1 (tiếp xúc gần với ca bệnh F0) nay có thêm một tùy chọn đang được Bộ Y tế nghiên cứu thí điểm là cách ly tại nhà (CLTN).

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 ngày 24-5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo 2 tỉnh tâm dịch Bắc Ninh và Bắc Giang triển khai thí điểm CLTN đối với các trường hợp F1. Bộ Y tế đã thống nhất thí điểm tại hai địa phương này 2 biện pháp gồm CLTN và người dân tự lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Tại TP HCM, trong cuộc họp báo thông tin về dịch Covid-19 chiều 14-6, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết giải pháp CLTN là khả thi, giúp tâm lý của người bị cách ly nhẹ nhàng hơn.

Thực tế lâu nay, việc CLTT khiến không ít người lo lắng sợ bị lây nhiễm chéo trong môi trường cách ly khi nhiều người phải ở chung phòng. Hơn nữa, trong tình hình dịch bùng phát trong cộng đồng lần này, số lượng ca nhiễm nhiều, dẫn tới tình trạng cơ sở cách ly bị quá tải. Theo số liệu do Bộ Y tế công bố vào sáng 16-6, hiện cả nước có 38.846 người CLTT (trong đó, CLTT tại bệnh viện 2.045 người, tại cơ sở khác 36.846 người).

Tất nhiên, chỉ có những người có đủ điều kiện mới có thể được CLTN như: có phòng, nhà vệ sinh riêng… Bộ Y tế phải ban hành hàng loạt quy định có liên quan, chẳng hạn việc lấy rác thải như thế nào… Nhưng có lẽ, yếu tố quan trọng vẫn là ý thức tuân thủ của người dân. Làm thế nào để bảo đảm người được cách ly không tiếp xúc người khác, không đi khỏi nơi cách ly…

Vấn đề giám sát người CLTN có lẽ chỉ khả thi nếu có sự trợ giúp bởi công nghệ. Việc cài đặt ứng dụng giám sát GPS trên thiết bị di động là đơn giản nhất nhưng lại cũng dễ bị qua mặt nếu như F1 không phải lúc nào cũng cập kè điện thoại bên người. Vì thế, có người gợi ý áp dụng loại vòng đeo tay hay chân vốn đang được nhiều nước sử dụng để quản lý những đối tượng hình sự được tại ngoại hầu tra hay tạm tha. Nhưng điều này có thể ảnh hưởng đến quyền tự do của công dân, bởi họ đâu phải tội phạm. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, sử dụng các loại vòng giám sát dựa trên công nghệ AIoT sẽ kiểm soát việc cách ly hiệu quả, bảo đảm lợi ích hài hòa các bên và khi áp dụng cần có sự tự nguyện và coi đây là một trong những điều kiện để được CLTN. Loại vòng này không chỉ kết nối với cơ quan y tế để định kỳ thông báo các chỉ số sức khỏe của người đeo, mà còn báo động khi người đeo ra khỏi nơi cách ly.

Việc sử dụng vòng đeo giám sát bằng công nghệ có thể áp dụng để quản lý người chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện. Ngày 15-6, Bộ Y tế đã có công văn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học; sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục Quân y, y tế các bộ, ngành về việc tăng cường sàng lọc và quản lý người đến bệnh viện. Trong đó, có đề cập tới biện pháp quản lý chặt chẽ người nhà người bệnh vào chăm sóc (nếu được cho phép) bằng các biện pháp như nhận diện vân tay hoặc gắn vòng đeo tay không tháo rời được…

Phạm Hồng Phước

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-nghe/vong-deo-tay-giam-sat-hieu-qua-cach-ly-tai-nha-20210616205902269.htm