Vòng loại thứ ba là đỉnh núi ngăn cách giữa mơ và thực

10 trận ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 sẽ trả lời cho câu hỏi: Tuyển Việt Nam đang đứng ở đâu giữa hàng ngũ anh tài châu lục?

Theo tính toán của WeGlobe, cơ hội để tuyển Việt Nam dự World Cup 2022 là 4,44%, xếp thứ 10/12 đội góp mặt ở vòng loại thứ ba. Tất nhiên, con số thống kê trong bóng đá chỉ mang tính tham khảo.

Leicester City vô địch Premier League 2015/16 với tỷ lệ đặt cược 1 ăn 5.000. Đan Mạch đăng quang Euro 1992 với suất "vé vớt" dự vòng chung kết. Bóng đá là tổ hợp của những biến cố mà mỗi tình huống xảy ra có thể kéo trận đấu theo hàng vạn phương mà máy móc không thống kê được.

Tuy nhiên, con số cơ hội rất thấp của tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ ba là có lý do. Các học trò của HLV Park Hang-seo chưa từng được dự sân chơi này. 10 trận của vòng loại thứ ba lừng lững như một đỉnh núi cao chắn giữa giấc mơ và thực tại mang tên World Cup. Tuyển Việt Nam chuẩn bị vượt núi, nhưng bằng cách nào?

Sân chơi khắc nghiệt

Theo thống kê, cơ hội của tuyển Việt Nam chỉ đứng trên hai đội là Trung Quốc và Lebanon. Trong số này, Trung Quốc từng dự World Cup 2002. Thực lực Lebanon ngang ngửa tuyển Việt Nam. Ở Asian Cup 2019, hai đội từng cạnh tranh cho suất cuối cùng vượt qua vòng bảng. Ghi thêm một bàn nữa vào lưới Triều Tiên, Lebanon mới là đội cuối cùng góp mặt ở vòng 1/8 thay cho vị trí của thầy trò ông Park.

Nói vậy để thấy, vòng loại thứ ba World Cup sẽ là sân chơi đầu tiên tuyển Việt Nam không còn cơ hội gặp đội nào yếu hơn mình. Nguyễn Quang Hải cùng đồng đội có cái duyên Tây Á? Ở Asian Cup, tuyển Việt Nam thua Iran và Iraq. Chúng ta thắng Syria (giao hữu - PV) năm 2016, nhưng Syria từng lọt vào tới vòng play-off World Cup. Tương tự, lần gần nhất so tài với Nhật Bản, Trung Quốc của tuyển Việt Nam là những thất bại.

Những trận thua cách đây 5-10 năm, đơn cử như thất bại 1-6 trước Trung Quốc ở Hàng Châu năm 2009, không mang nhiều ý nghĩa. Với HLV Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam đã mang tâm thế mới. Theo BLV Vũ Quang Huy, các đội tuyển mạnh có thắng Việt Nam thì cũng phải thắng trầy trật. Cả khi thua, tuyển Việt Nam cũng khiến đối thủ sợ hãi như trận gặp Iraq, Nhật Bản (Asian Cup 2019 - PV) hay trận gặp UAE đêm 15/6.

 Tuyển Việt Nam ghi 2 bàn để khiến UAE run rẩy trong những phút cuối. Ảnh: Y Kiện.

Tuyển Việt Nam ghi 2 bàn để khiến UAE run rẩy trong những phút cuối. Ảnh: Y Kiện.

Tuy nhiên, bóng đá có minh định rạch ròi. Thua vẫn là thua. Một trận thua kiểu ngẩng cao đầu đôi khi vẫn ở khoảng cách rất xa so với chiến thắng. Thua Nhật Bản 0-1 mang lại sự tiếc nuối bởi ghi một bàn thôi là gỡ hòa rồi. Nhưng một bàn ấy là khoảng cách rất lớn giữa hai nền bóng đá mà phải rất lâu nữa, Việt Nam mới khỏa lấp được.

7 vòng chung kết World Cup trước khi HLV Park nhậm chức, tuyển Việt Nam chỉ thắng 7 trận, nhận 76 bàn thua. Ở Asian Cup, ngoại trừ năm 2007 được tham dự do là chủ nhà vòng bảng, Việt Nam không lần nào bước qua được vòng loại. Thành tích kém cỏi trên trận địa quốc tế được chỉ ra do thiếu va chạm, trải nghiệm thi đấu với các đội mạnh. AFF Cup tổ chức 2 năm/trận nhưng việc chạm mặt Thái Lan, Malaysia, Indonesia thực chất không giúp Việt Nam tạo sức bật về trình độ.

Suốt 15 năm từ 2003 đến 2018, ĐTQG chỉ một lần gặp Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, chưa từng gặp Australia, Saudi Arabia. Chúng ta chỉ định lượng năng lực của đối thủ mạnh qua truyền hình và video phân tích. Việc không có trải nghiệm thực chiến với các cường quốc bóng đá giống một võ sĩ chỉ quanh quẩn ở hạng bán chuyên.

Dưới thời HLV Park, tuyển Việt Nam không còn "yếu bóng vía". Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu đã so tài với đội trẻ của Iraq, Nhật Bản, Pháp... ở tuổi 19, 20. Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Văn Thanh... gặp đội U19, rồi U23 của Hàn Quốc, Nhật Bản, Qatar trong 6 năm mài giũa. Trải nghiệm phong phú ở cấp độ trẻ tạo nên một tập thể bản lĩnh, nhưng để gây bất ngờ ở cấp ĐTQG, các cầu thủ còn khoảng cách rất xa.

Không giống Asian Cup, nơi Qatar, Iraq tạo nên bất ngờ với 2 chức vô địch (2007, 2019), vòng loại World Cup là miếng bánh hàng ngày của các đội tuyển sừng sỏ. Từ năm 1998 đến nay, Nhật Bản, Hàn Quốc dự đủ 6 kỳ World Cup. Sau khi chuyển sang Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) từ vòng loại năm 2010, Australia là cái tên nghiễm nhiên có vé đi World Cup tiếp theo. Saudi Arabia và Iran chia nhau 4 lần tham dự trong khoảng thời gian này.

Trong 4,5 suất dự World Cup của châu Á, 3 suất gần như chắc chắn thuộc về Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. 1,5 suất còn lại là cuộc tranh giành của Iran, Saudi Arabia, Syria, Qatar, những ông lớn "nhóm 2" châu lục.

Thái Lan, đại diện Đông Nam Á gần nhất dự vòng loại World Cup, chỉ giành 2 điểm ở sân chơi này. Thực lực của đội bóng do Kiatisuk Senamuang dẫn dắt lúc ấy gần tương tự Việt Nam: đội trẻ vào bán kết ASIAD 2014, tuyển quốc gia thống trị đấu trường Đông Nam Á (ở mức độ thường xuyên hơn), nhưng tại vòng loại thứ ba, người Thái trở thành mỏ điểm.

"Nếu Asian Cup chỉ là giải đấu ngắn ngày thì vòng loại World Cup là sân chơi đòi hỏi sự bền bỉ. Các đội tuyển cũng có lực lượng mạnh nhất ở giải này và chơi với quyết tâm cao nhất, bởi dự World Cup đồng nghĩa với vinh dự và danh dự", BLV Vũ Quang Huy phân tích.

Vé dự World Cup châu Á được mặc định dành cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Các đội tuyển như Iran, Saudi Arabia, Iraq, Syria cạnh tranh 1,5 suất còn lại. Ảnh: Reuters.

Tuyển Việt Nam cần cải thiện điều gì?

Trận thua 2-3 trước UAE, nhìn lạc quan, giống như món quà nhắc nhở tuyển Việt Nam trước vòng loại quyết định. Các học trò của ông Park chơi đủ tốt để thể hiện tinh thần và ý chí Việt Nam, nhưng cũng gặp đủ trắc trở để phần nào hình dung thách thức tại vòng loại cuối. Tuyển UAE đứng hạng 8 châu lục, mới có một lần dự World Cup duy nhất (năm 1990 - PV), vẫn đủ sức "quần" tuyển Việt Nam suốt một giờ đồng hồ với thế trận áp đảo toàn diện.

Các đối thủ ở vòng loại thứ ba đủ sức đá theo cách tương tự với tuyển Việt Nam. Khi ấy, đội bóng của ông Park đối phó thế nào? Chỉ chơi bằng ý chí và tinh thần liệu có đủ?

"Ở vòng loại cuối, tuyển Việt Nam sẽ gặp những đội còn 'ngáo ộp' và mạnh hơn UAE. Nếu rơi vào thế bất lợi, chưa chắc các học trò của HLV Park gỡ được. Không có giải pháp phù hợp, chúng ta sẽ bị trôi đi rất nhanh trong các trận đấu chứ không còn cơ hội 'vuốt mặt' với bàn danh dự như trận vừa qua", BLV Ngô Quang Tùng khẳng định.

Vòng loại thứ ba sẽ khởi tranh vào tháng 9. HLV Park chỉ còn 3 tháng gấp rút chuẩn bị, sàng lọc lực lượng và phân tích, đánh giá đối thủ. Tuyển Việt Nam đã thể hiện tốt trên hai khía cạnh: Tinh thần, sự quyết tâm cùng năng lực phòng ngự dựa trên bộ khung chắc chắn được xây dựng suốt 3 năm.

Được va vấp với các đối thủ mạnh là bài học để tuyển Việt Nam thêm cứng cỏi, trưởng thành. Ảnh: Y Kiện.

Lực lượng dự vòng loại thứ ba nhiều khả năng không thay đổi khi đây vẫn là những con người tốt nhất của bóng đá Việt Nam, kết hợp với sự trở lại của Đỗ Hùng Dũng (có thể) và Đặng Văn Lâm.

Để trụ vững ở vòng loại cuối, HLV Park cùng học trò phải vừa đá, vừa học và nâng cấp lối chơi. 60 phút hỗn loạn và vội vàng trong trận gặp UAE là nốt trầm hiếm hoi của ĐTQG trong 3 năm dưới thời ông Park, nhưng điều đó cũng cho thấy: Gặp đối thủ đủ mạnh và tổ chức tốt, các cầu thủ không dễ giữ độ "lạnh".

Quên chuỗi 29 trận bất bại trước các đội Đông Nam Á đi, bởi những đối thủ trước mắt ở đẳng cấp khác.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận nhẹ nhàng rằng 10 trận sắp tới là cơ hội được va chạm, lăn lộn với các đối thủ mạnh, thậm chí là cơ hội được thua, tuyển Việt Nam sẽ thu hái được nhiều bài học.

Gặp Hàn Quốc, Nhật Bản là trải nghiệm đôi khi dùng tiền cũng không mua được. Với tuyển Việt Nam lúc này, thua Nhật Bản, thua Australia còn giá trị hơn nhiều so với thắng Malaysia, Indonesia. World Cup 2026 với số đội mở rộng từ 32 lên 48 sẽ mở ra cánh cửa rõ ràng hơn cho tuyển Việt Nam. Khi ấy, những trận đấu trước mắt có giá trị lớn đến mức không thể đo đếm được.

"Tuyển Việt Nam cần quá trình để phấn đấu không ngừng, học hỏi và tích lũy. Trong 12 đội ở vòng loại cuối, đội bóng của HLV Park đang thiếu bản lĩnh, kinh nghiệm so với các đối thủ. Phải có bước cải thiện đột biến, tuyển Việt Nam mới có thể nghĩ đến kết quả khả quan ở vòng loại này. Nếu không, chúng ta tiếp tục cọ xát, học hỏi để chuẩn bị cho chặng đường dài phía trước".

"Tuyển Việt Nam phải va chạm với các đội mạnh để trưởng thành, để quá trình đi lên có thêm giá trị. Lứa cầu thủ này của tuyển Việt Nam còn trẻ, có thể sắm vai trụ cột trong 4 năm nữa. Sự tích lũy này sẽ giúp cầu thủ dày dạn và kinh nghiệm hơn", BLV Quang Tùng kết luận.

Đỗ Hùng Dũng: 'HLV Park chuẩn bị rất nhiều phương án chiến thuật' Tiền vệ tuyển Việt Nam chia sẻ cả ba trận đấu vừa qua đều không dễ dàng. Đối đầu với Malaysia khó khăn cả về chiến thuật lẫn khả năng đi tiếp của đội nhà.

Nam Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vong-loai-thu-ba-la-dinh-nui-ngan-cach-giua-mo-va-thuc-post1228130.html