Vòng luẩn quẩn ở dải Gaza

Trong một bài viết mới đây, AP cho biết, sau 4 cuộc xung đột: 2008-2009, 2012, 2014, 2021 giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine, người dân tại dải Gaza luôn sống trong một nỗi sợ dai dẳng. Đó là nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột tiếp theo.

Không dễ gây dựng lại

Theo AP, 4 cuộc xung đột nói trên đều có chung kết quả: Người dân Palestine tại dải Gaza phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề về người và của. Trong mỗi cuộc xung đột, phía Israel luôn tuyên bố các cuộc không kích chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự của Hamas. Tuy nhiên, các cơ sở hạ tầng dân sự tại dải Gaza cũng gánh chịu thiệt hại vô cùng lớn. Thông qua các hình ảnh vệ tinh, Liên hợp quốc (LHQ) nhận thấy hàng chục khu vực dọc biên giới của dải Gaza liên tục bị tàn phá trong các cuộc giao tranh, trong số này có các thành phố và thị trấn đông dân như Rafah, Khuza'a và Beit Hanoun. Cơ sở hạ tầng chưa kịp tái thiết lại tiếp tục bị tàn phá trong một cuộc chiến mới. LHQ ước tính trong 4 cuộc xung đột vừa qua, tổng thiệt hại về nhà cửa, nông nghiệp, công nghiệp, cơ sở hạ tầng điện nước đối với dải Gaza lên tới hơn 5 tỷ USD. “Tổn thất do chiến tranh không dễ gì gây dựng lại được”, AP nhấn mạnh.

Cùng với đó, 4 cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.000 người Palestine mà hơn một nửa trong số này là dân thường. “Chiến tranh đã hủy hoại cuộc đời chúng tôi. Chúng tôi mất tất cả. Chúng tôi từng có một mái nhà nhưng giờ chẳng còn lại gì”, cô Khaldiya Nassir, sống tại thị trấn Beit Hanoun và có chồng thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel, chia sẻ với AP.

Nhà cửa tại thị trấn Beit Hanoun bị hư hại nặng nề sau cuộc xung đột giữa Israel và Hamas hồi tháng 5-2021. Ảnh: AP

Nhà cửa tại thị trấn Beit Hanoun bị hư hại nặng nề sau cuộc xung đột giữa Israel và Hamas hồi tháng 5-2021. Ảnh: AP

AP cho biết việc tái thiết tại dải Gaza chủ yếu phụ thuộc vào nguồn viện trợ nước ngoài thông qua các dự án do LHQ điều phối. Trong nhiều trường hợp, chỉ có các công trình bị thiệt hại nặng nề nhất mới được ưu tiên sửa chữa hoặc xây mới. Ngoài ra, còn phải kể đến tình trạng thiếu thốn vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép. Israel vốn áp đặt các biện pháp phong tỏa dải Gaza sau khi Hamas giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này hồi năm 2007, kiểm soát chặt chẽ vật liệu xây dựng được đưa đến dải Gaza do lo sợ rơi vào tay Hamas để phục vụ cho các công trình quân sự. “Dải Gaza rơi vào vòng luẩn quẩn của chiến tranh tàn phá, tái thiết rồi lại chiến tranh tàn phá. Nếu cứ như thế này, dải Gaza không bao giờ có thể hồi phục”, AP dẫn lời ông Rami Alazzeh, chuyên gia kinh tế của LHQ.

Thế hệ mất mát

Theo AP, khoảng 70% trong tổng dân số 2 triệu người tại dải Gaza đang ở độ tuổi dưới 30. Đây là thế hệ những người sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong thời chiến. Với họ, trong số những hậu quả khắc nghiệt của chiến tranh phải kể đến vấn nạn thất nghiệp và ảnh hưởng tâm lý. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tại dải Gaza lên tới 62%. Trong khi đó, các triệu chứng của tình trạng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) rất phổ biến với trẻ em tại dải Gaza-nơi có khoảng 640.000 em bé được sinh ra trong giai đoạn xảy ra các cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. “Mật độ dân số ở dải Gaza rất cao. Khi xảy ra các vụ không kích, kể cả tên lửa không rơi trúng tòa nhà bạn ở, bạn vẫn nghe và nhìn thấy chúng”, Yara Asi, một học giả chuyên nghiên cứu về y tế công cộng tại các khu vực xung đột, nhận xét với AP.

Năm nay 16 tuổi, Abdullah Srour đã bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề khi trải qua cả 4 cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Trong cuộc xung đột hồi năm 2014, một quả tên lửa đã rơi trúng phòng ngủ của Srour ở trại tị nạn Jabaliya. Phải mất tới vài năm điều trị Srour mới lấy lại được cân bằng. Thế nhưng, tới tháng 5 vừa qua, Srour lại phải chứng kiến cảnh lực lượng cứu hộ lôi những thi thể của các thành viên trong cùng một gia đình ra khỏi đống đổ nát. Giờ đây, cậu luôn trong tâm trạng lo sợ, cắn móng tay và không dám ngủ một mình. Mẹ của Srour cho biết, sau cuộc xung đột hồi tháng 5-2021, Srour “lại trở lại thời kỳ của một đứa bé 5 tuổi”. “Đó là một thế hệ mất mát. Một thế hệ đã mất đi những năm tháng cần thiết để có những trải nghiệm và xây dựng kỹ năng”, chuyên gia Alazzeh nhấn mạnh.

Chiến tranh giữa Israel và Hamas đã bào mòn tâm lý lạc quan của người dân tại dải Gaza. Theo AP, hiện chỉ có 14% người dân vùng lãnh thổ này có cảm nhận tích cực trong cuộc sống. Cô Majd Mashharawi, một kỹ sư tại dải Gaza cho biết, cuộc sống khó khăn và chiến tranh liên miên khiến không ai dám hình dung tương lai mình sẽ như thế nào. “Người dân tại dải Gaza đã trải qua 4 cuộc chiến, 14 năm bị phong tỏa. Bạn sẽ tính toán thiệt hại bằng tiền như thế nào? Làm sao có thể lượng hóa được nỗi thống khổ ấy?”, chuyên gia Alazzeh nêu rõ.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/vong-luan-quan-o-dai-gaza-671290