Vông nem chữa trĩ

Cây vông nem to, cao tới 10m, vỏ xanh rồi nâu, có nhiều gai ngắn.

Cây vông nem

Cây vông nem

Vào tháng 3-5, sau khi lá rụng, cây ra hoa. Chùm hoa dày gồm nhiều hoa màu đỏ chói. Quả đậu, màu đen, thót lại ở gốc và thắt lại giữa các hạt; hạt hình thận, màu đỏ hay nâu.

Theo Đông y, lá vông nem có vị đắng nhạt, hơi chát, tính bình, tác dụng vào 2 kinh vị và đại tràng. Vỏ thân cây vông nem có vị đắng, tính bình tác dụng vào 2 kinh can và thận.

Người dân thường dùng cây vông nem chữa tim hay hồi hộp, ít ngủ hoặc mất ngủ, trẻ em cam tích, viêm ruột ỉa chảy, kiết lỵ, viêm da, phong thấp, chân tê phù, ung độc...

Chữa phong thấp: Vỏ vông nem, cỏ chân chim, kê huyết đằng, phòng kỷ, y dĩ sao, ngưu tất mỗi vị 15g, sắc uống.

Sau khi sinh, máu xấu đưa lên choáng đầu, mờ mắt: Vỏ cây vông nem già, lá mần tưới, cỏ màn trầu, ngưu tất, mỗi vị 10-15g, sắc uống.

Chữa trẻ khó ngủ, trằn trọc, mồ hôi trộm: Hái lá vông nem và lá dâu bánh tẻ, mỗi thứ 10-15g, nấu canh ăn vào bữa tối.

Chữa viêm đại tràng mãn tính: Vông nem 15g, lá nhót 25g, sao vàng hạ thổ, sắc nước uống trong ngày.

Chữa đại tiện ra máu, trĩ: Lá vông nem 15g, lá sen 15g, sắc uống. Lá tươi giã nát đắp vào búi trĩ bị sa.

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/vong-nem-chua-tri-d265970.html