Võng "thư giãn”

Quán võng ven đường là chốn dừng chân lý tưởng của không ít khách đường xa trên hành trình dài. Nhưng bên cạnh võng thường, còn có cả quán võng với nhiều dịch vụ “tươi mát” hấp dẫn.

Dọc theo quốc lộ 1A có đến hàng chục quán võng, nhất là đoạn từ huyện Phù Cát hướng ra Bắc. Giữa trưa nắng hầm hập, trong cơn mưa xối xả hay cơn buồn ngủ kéo về, chiếc võng được mắc ven lộ là lựa chọn của nhiều người, đặc biệt là khách lái xe gắn máy. Tấp vô quán, khách gọi ly nước dừa, nước mía… mát lạnh với giá cả bình dân, rồi ngả lưng thư thái trên võng, hoặc tranh thủ chợp mắt. Vậy nên, quán võng ra đời ngày một nhiều. Nhiều đoạn đường, quán tập trung liên tiếp nhau kéo dài cả cây số.

Bà Phú pha nước cho khách đường xa dừng chân tại quán võng của mình.

Chốn dừng chân lý tưởng

Người đi đường thích dừng lại ở các quán võng gia đình có không gian xanh mát. Nằm đu đưa dưới những tán lá xanh rì, tận hưởng cơn gió trong lành, khiến lòng dịu lại sau những mệt mỏi, nóng bức. Để có được không gian dễ chịu đó, quán phải có mặt bằng rộng, trồng nhiều cây xanh.

Ra khỏi thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, người đi đường gặp một quán võng xanh như thế. Quán có đến gần 20 chiếc võng treo toòng teng giữa các cột trụ gỗ. Mái quán được phủ bạt, nằm dưới tán cây bàng, cây trứng cá, cây sanh. Từ quán, người dừng chân thỏa sức dõi mắt theo cánh đồng mênh mông trước mặt. Ấy là quán của ông Trần Văn Tài, 63 tuổi, ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát.

Quán võng của ông Tài đã có hơn 10 năm nay. Quán chỉ bán nước giải khát và dừa trái nhưng lúc nào cũng đông khách, nhất là vào mùa nắng nóng. Vào những ngày nóng bức, ông lấy một lúc vài trăm trái dừa mà vẫn không đủ. Khách ghé quán ông ngoài người đi xe máy, còn có cả khách đi xe du lịch.

“Nhiều khi có đoàn 2, 3 chiếc xe du lịch 12 chỗ ngồi mang biển số các tỉnh phía Nam dừng trước quán để nghỉ ngơi, uống nước. Tui phải mắc thêm võng, kê thêm bàn. Có đoàn khách còn “mượn” điện của nhà để tổ chức nấu cơm. Mấy anh cán bộ ở các xã xa trung tâm thị trấn cũng ghé quán võng của tui để tranh thủ “ngay lưng” buổi trưa trong những chuyến công tác”, ông Tài kể.

Con cái đều đã trưởng thành, có công việc, vợ chồng ông Tài dựa vào quán võng và mấy sào ruộng là đã thấy “thong thả”. Ông Tài bỏ nhỏ: “Khách đường xa, nhiều khi chỉ ghé quán một lần nên chẳng mấy khi có cảnh bán nợ, “khỏe” lắm. Vợ chồng tui cũng không vì vậy mà chặt chém khách. Tôi đang chuẩn bị xây thêm nhà vệ sinh để khách có chỗ “giải tỏa” mỗi khi ghé quán”.

Không chỉ bán dừa, nước giải khát, bà Nguyễn Thị Phú, 53 tuổi, ở thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, còn kinh doanh cả chè, sương sa… tại quán võng. Là một trong 3 quán võng nằm dọc theo Nhà máy May Phù Mỹ nên quán bà Phú còn phục vụ thêm đối tượng công nhân. Trước đây, bà Phú chỉ dọn bàn ghế chứ không có võng. Vài lần nghe khách than mỏi mệt, bà liền nghĩ đến chuyện tăng cường thêm võng. Vì quán nằm ở xa nhà, lại phải túc trực đến tận chiều tối nên việc nhà bà giao cả cho cậu con trai út.

Nhiều biến tướng

Trên từng cây số, quán võng là điểm ghé của nhiều khách đường xa và góp thêm thu nhập cho nhiều gia đình. Song, bên cạnh đó, có không ít những hình thức biến tướng của quán võng như quán võng chòi, võng “ôm”. Các quán võng này thường ít khi nằm dọc theo đường lộ mà khuất vào các khu dân cư đông đúc hoặc trên đoạn đường đèo.

Tại thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ, gần đây xuất hiện hình thức quán gồm nhiều chòi lá nhỏ, bên trong kê một bộ bàn ghế và một đến hai cái võng. Không ít người dân bày tỏ lo ngại khi thấy nhiều học trò tìm đến đây để tâm sự riêng tư hoặc trốn học, đánh bài… Nhiều phụ huynh đã cảm thấy lo lắng về những hệ lụy có thể xảy ra từ những cuộc hẹn, tụ họp tại những quán võng chòi này.

Lâu năm và “bạo dạn” hơn là một vài quán võng khác tại TP Quy Nhơn. Cũng gồm các chòi nhỏ có võng, nơi tình tự của nhiều cặp đôi yêu nhau, các quán này còn kín đáo cung cấp các dịch vụ “tươi mát” khác. Và những cuộc “ngã giá” chóng vánh vẫn âm thầm diễn ra ở chính nơi đây.

P.T.G, 20 tuổi, là con gái “miệt vườn” chính gốc, vừa tham gia vào đường dây cung cấp dịch vụ “sung sướng” khoảng 4 tháng nay, cho biết: “Từ 8 giờ đêm đến khoảng 2 giờ sáng là giờ hoạt động của các quán võng “ôm”. Để tránh gây chú ý, tụi em thường tập trung ở chỗ khác và sẽ có mặt khi chủ gọi. Tùy vào từng dịch vụ mà giá cả khác nhau.

Nếu khách chỉ cần người “tâm sự” và “thư giãn nhẹ” lúc uống nước thì chỉ khoảng 100 ngàn đồng/lần. Mọi việc sẽ diễn ra trong chòi, khách có nhu cầu cao hơn sẽ được hướng dẫn ra dãy phòng phía sau để “tận hưởng” tại chỗ hoặc đến nhà nghỉ. Dù dịch vụ nào đi nữa thì tụi em đều chỉ được hưởng 30% số tiền khách trả. Nếu chiều khách “phục vụ đến Z” thì sẽ có thêm khoảng để mua son phấn, bù vào những ngày vắng khách”.

G. cũng cho biết thêm, phần lớn khách của quán võng “ôm” là các tài xế xe tải hoặc những người say bét nhè. “Khách đến các quán võng ôm cũng giảm dần do quán thường nằm dưới các tán rừng nên khá lụp xụp, nhiều muỗi. Vì vậy, ban ngày, tụi em thường tự đi kiếm thêm các mối khách hoặc theo sự sắp xếp của chủ mà đi khách”, G. tâm sự.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20130805093826118p0c1201/vong-thu-gian.htm