Vọng tiếng ngàn năm đất Cẩm Thành

Từ xa xưa, trấn Quảng nghĩa (Quảng Ngãi) được hình thành trên đất của xã Cẩm Thành nằm bên sông Trà Khúc. Có một thời Cẩm Thành là cái tên chính thức của thị xã Quảng Ngãi (1954-1975). Nay được mở rộng, thành phố Quảng Ngãi phần lớn vẫn nằm trong diện tích 10 cây số vuông của xã Cẩm Thành cũ.

Cho dù thành phố sẽ được phát triển dọc sông hướng ra biển nhưng hình ảnh “Trà giang, Thiên Ấn chuông gầm sóng” (thơ Bích Khê) vẫn là biểu tượng cho Quảng Ngãi lịch sử trăm năm.

Lên núi Thiên Ấn

Trong mười cảnh đẹp của thành phố Quảng Ngãi thì cảnh quan rộng lớn của núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc được coi là thương hiệu du lịch của xứ Quảng này. Nhìn từ bốn phía núi Ấn đều hiện hình thang cân bên dòng sông Trà. Người xưa ví, đó là một cái ấn của Ngọc hoàng đóng xuống để trị thủy cho vùng đồng bằng rộng lớn, nên đặt tên là “Thiên Ấn niêm Hà” (Ấn trời đóng trên sông). Có điều lạ, thổ nhưỡng của của ngọn núi cao hơn 106 mét này là đá son.

Hình ảnh núi Thiên Ấn trong đô thị ngày nay.

Hình ảnh núi Thiên Ấn trong đô thị ngày nay.

Người xưa thường lấy đá ở đây mài ra làm mực để chấm sách chữ Hán. Nhà văn hóa Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) từng viết: “Phong cảnh nơi đây thật rất xinh/ Niêm hà có ấn của trời xanh/ Xem kia dấu vết còn vuông vức/ Nhận lại non sông rõ dáng hình”.

Điều đặc biệt phần đỉnh núi hình thang cân này rộng tới hàng chục mẫu đất. Một ngôi chùa lớn (Thiên Ấn tự) được xây dựng, với vườn tượng phật và tháp cao 30 mét tạo nên không gian thiêng liêng, dưới những vòm cây rừng cổ thụ quanh năm xanh tốt. Chùa đã được sắc phong từ thời vua Lê Dụ Tông (1727). Nếu từ đây nhìn về phía Tây dãy Trường Sơn tựa bức thành cao vút hùng vĩ in bóng xuống dòng sông Trà thật đúng “Non xanh nước biếc - sơn thủy hữu tình”.

Mỗi buổi chiều, người dân xứ Quảng thường được nghe tiếng chuông trên đỉnh Thiên Ấn vang vọng khắp nơi. Đại hồng chung (được dâng chùa 1845) có âm thanh ngân dài trôi theo dòng sông Trà đến chục dặm xa (dân gian gọi là chuông Thần). Tiếng chuông hòa trong tiếng nước reo và những âm thanh đàn xe nước tạo nên bản giao hưởng thiên nhiên kỳ thú.

Bên cạnh Đại hồng chung, chùa Thiên Ấn còn có giếng Phật (sâu 21 mét) quanh năm nước đầy trong vắt không bao giờ vơi cạn. Giếng này do một hòa thượng đào trong mấy năm trời mà vẫn không thấy nước. Tương truyền, có một nhà sư trẻ từ xa đến góp sức. Trải qua 3 tháng nhọc nhằn đục đẽo, khuân đá, giếng mỗi ngày một sâu. Tới đúng ngày thứ một trăm mới đụng tới mạch nước. Thấy nước dâng lên, hòa thượng vui mừng cất tiếng gọi học trò thì không thấy đâu nữa. Nhà sư trẻ kia đã hóa kiếp về trời.

Câu chuyện đã truyền miệng trong dân gian với câu ca dao: “Ông thầy đào giếng trên non. Đến khi có nước không còn tăm hơi”. Hiện nay đỉnh chuông Thần vẫn còn đó cùng với giếng Phật nên có thơ vịnh: “Giếng Phật mạch sâu mùi nước ngọt. Chuông Thần đêm vắng giọng đưa thanh”.

Xưa nay không ít tao nhân mặc khách đã lên dâng hương tại Thiên Ấn tự và thắp hương mộ nhà chí sĩ cách mạng Huỳnh Thúc Kháng trên núi. Ai nấy đều say mê cảnh vật xung quanh. Mỗi khi hướng về phía thành phố và sông Trà Khúc êm đềm trôi. Nhiều cảm xúc trào dâng. Họ đã để lại những vần thơ lai láng mơ mộng. Nào Tuần phủ Nguyễn Cư Trinh, Cao Bá Quát, hay Nguyễn Công Trứ. Nào những vần thơ của Nguyễn Thông, Nguyễn Khuyến và Cao Xuân Dực.

Vườn tượng Phật trên núi Thiên Ấn.

Rồi nữa, thi sĩ Bích Khê người sống ngay bên sông Trà Khúc, một thời dựng lều ở trên núi Thiên Ấn để chữa bệnh và làm thơ. Ông đã để lại nhiều bài thơ viết về con sông quê hương. Đặc biệt bài “Trên núi Ấn nhìn sông Trà”, Bích Khê đã để lại những câu thơ ẩn chứa tâm trạng: “Xót hồn cổ độ sông vài giọt. Xịch bóng tà huy nguyệt mấy canh. Nghìn dặm cố nhân đâu có tá?. Tiếng chim kêu lạnh đập trong cành”.

Hoặc không ít người đã thuộc những vần thơ của Hanh phủ Nguyễn Đình Thảng viết: “Ngàn đóa hoa xuân rọi Cẩm Thành. Sông Trà núi Ấn đẹp như tranh. Nước non diễm lệ ngàn xưa ấy. Quang cảnh phố, đồng chuyển mới nhanh”. Hay có những câu đối vô danh vẫn được khắc ghi trên bia đá thời gian: “Son non Ấn mài in hòn ấn, ấn đỏ son tươi. Nước sông Trà pha nấu nước trà, trà thơm nước đậm”.

Giếng Phật trên núi Thiên Ấn.

Xuôi dọc sông Trà

Rời thành phố, nếu đi dọc sông Trà (dài 135 cây số) về phía Đông, ta có thể dừng bất cứ chỗ nào để chụp cảnh đẹp. Bởi lẽ con sông lượn khúc bất ngờ với những bãi cát vàng bát ngát. Hoặc bất chợt lại gặp những ngôi nhà cổ hoang vu cùng những bông hoa đỏ thắm như đang đón chờ ai. Thi sĩ Cao Bá Quát đã từng tả: “Trà giang cửu khúc hồi hoàn”.

Nhưng có lẽ mơ mộng nhất khi ta dừng chân bên Cổ Lũy cô thôn tại cửa sông Trà (cách thành phố Quảng Ngãi gần 10 km). Một vạn chài cổ nhưng nối tiếng xưa là nơi hoang vu lạnh lẽo với gió gào rú từ biển khơi tràn về. Cô thôn hun hút những rặng dừa cùng vạt lau trắng muốt trên chốn cửa sông. Cố Lũy cô thôn mơ mộng, hoang hoải bên chân núi Phú Thọ (cao chừng 60m).

Đây là đất của hai thôn Cổ Lũy, trong đó Cổ Lũy Nam là doi đất nhô ra làm dòng sông Trà uốn khúc hợp lưu với dòng sông Vệ. Vì ở gần cửa biển nên triều đại Chăm xưa đã dựng đồn phòng thủ kiên cố ở đây để canh gác. Còn thôn Cổ Lũy Bắc hình thành khu dân cư ở phía Bắc Cửa Đại chạy dọc ven biển. Chính ở vùng này còn những di tích thành cổ của người Chăm.

Từ núi đá Phú Thọ có thể nhìn dọc sông Trà Khúc hướng ra Cửa Đại. Những thành quách xưa đã bị tan hoang qua chiến tranh tàn phá và gió bão biển khơi. Khi chiều thu xuống Cổ Lũy chìm trong sương khói mơ màng. Còn khi đông về, mưa gió mù mịt làm Cổ Lũy run rẩy trong những đợt sóng biển ào ạt dội về. Không gian hiu quạnh ôm lấy hai thôn. Cảnh trí liêu trai này đã được thi sĩ Bích Khê rung cảm: “Nơi đây làng cũ buồn thu quạnh. Anh có khi nào trở lại chưa? Ngày đi chậm lắm. Dòng sông biếc. Hừng sáng trong trời sợi sợi mưa” (Làng em).

Dưới chân núi Phú Thọ là Cổ Lũy cô thôn, một thôn xóm vùng cửa biển nổi tiếng với vẻ đẹp thơ mộng.

Nhưng khi du khách đến đây khó tưởng tượng được Cổ Lũy cô thôn đã từng ghi dấu những trận chiến khốc liệt để bảo vệ thành cổ Châu Sa (thuộc xã Châu Sa-Bình Sơn) Đây là nơi người Chăm đã dựng thành và được coi là trung tâm của một tiểu vương quốc thuộc Quảng Ngãi (875-982). Sau nhiều biến động lịch sử, thành cổ Châu Sa thuộc về triều đình Đại Việt. Hiện di tích thành cổ Châu Sa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia (1994). Một dấu khắc hình bóng Apsara còn đó. Tâm trạng du khách rất có thể bùi ngùi với những câu thơ để lại miệt cô thôn. Nỗi hoài cảm buồn rơi bên chân thành cổ: “Ta mệt mỏi trên đường dài gió bụi. Tựa tháp hoang vọng cõi Chăm xưa. Cặp vú nhỏ thiên thần vũ nữ. Apsara mộng mị xa mờ...”.

Trên sông Trà còn lưu dấu hình ảnh dẫy phố cổ Thu Xà. Những ai đến đây đều bâng khuâng tiếc nuối. Những con đường níu giữ chân người. Mái ngói cổ còn vương lại trăm năm mốc thếch với thời gian. Thật khó mà tưởng tượng được đó là Thu Xà một thuở sầm uất tàu thuyền vào ra (cùng thời với phố cổ Hội An). Đó là một thương cảng quan trọng của Quảng Ngãi cách đây ba trăm năm. Chính Cửa Đại Cổ Lũy là cửa biển đón người Hoa vào mở phố. Thu Xà là mảnh đất nằm trên đầu mối giao lưu của sông Trà và sông Vệ trước khi đổ ra biển.

Thành phố Quảng Ngãi nhìn từ núi Thiên Ấn.

Trước kia người dân bản xứ chỉ làm mỗi nghề đánh cá và làm hương quế. Nhưng từ khi có người Hoa tới dựng phố trên sông. Họ thu gom hàng từ khắp nơi đổ về giao bán cho tàu thuyền các tỉnh và nước ngoài cập bến. Đầu thế kỷ XX người Pháp còn xây kho dầu để bán cho dân. Nay nhiều người vẫn còn thuộc câu ca dao: “Chèo ghe xuống Vạn múc dầu. Hỏi thăm chú lái nhức đầu bớt chưa?”.

Nhưng cũng chính người Pháp cho xây đường sắt xuyên Việt đi qua làm thương cảng Quảng Ngãi không còn lợi thế. Hơn nữa một số nhánh sông nhỏ cũng bị phù sa bồi lấp, tàu thuyền rất khó ra vào. Lâu dần Thu Xà phố bị bỏ rơi. Cảnh chợ đìu hiu.

Thi sĩ Bích Khê (người Thu Xà) khi vãn cảnh phố buồn não nề vào mùa đông đã than vãn: “Nơi đây, làng cũ buồn thu quạnh. Anh có khi nào trở lại chưa. Nơi đây thành phố đời ngưng mạch. Mấy nàng lai khách vẫn buồn mơ” (Làng em).

Cuối cùng hai dãy phố Thu Xà đã bị Mỹ-ngụy san phẳng vào năm 1972. Di tích Thu Xà phố chỉ còn lại chùa Ông là tồn tại cho đến ngày nay. Tuy vậy Thu Xà phố mới nằm trên trục giao thông đường thủy vẫn là một cảnh đẹp trên bến dưới thuyền cho mọi người thưởng ngoạn. Nhất là người dân Thu Xà vẫn còn giữ được nghề làm kẹo gương, trở thành đặc sản trăm năm của Quảng Ngãi. Đây là món quà nằm trong câu đồng dao: “Chim mía Xuân Phổ. Cá bống sông Trà. Kẹo gương Thu Xà. Mạch nha Thi Phổ”.

Thành phố trẻ vào xuân

Mới đây tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức cuộc thi “Người đẹp núi Ấn sông Trà 2019” để kỷ niệm 30 năm tái lập sau khi tách tỉnh Nghĩa Bình. Cây cầu Thạch Bích hiện đại cũng mới được khánh thành vượt sông Trà tạo nên mạng lưới giao thông thuận lợi để chào đón những dự án phát triển quan trọng. Quảng Ngãi lớn lên trong nôi văn hóa Sa Huỳnh ngàn năm và trưởng thành trong cách mạng giải phóng dân tộc.

Với kỳ quan “Núi Ấn-sông Trà” cùng những tiềm năng du lịch sẽ được khai thác với mạng lưới rộng khắp. Đặc biệt trong đó có những di sản văn hóa độc đáo của đồng bào thiểu số trên dãy núi Trường Sơn cùng quần thể du lịch đảo Lý Sơn. Quảng Ngãi đang bước vào những mùa xuân sôi nổi nhất, thực hiện hàng trăm dự án phát triển kinh tế, mở ra những trang sử mới tươi sáng trong tương lai.

Vương Tâm

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/vong-tieng-ngan-nam-dat-cam-thanh-581125/