Voọc Chà vá trên tấm thiệp mừng năm mới của chủ tịch TP Đà Nẵng

Trong tấm thiệp mừng năm mới Bính Thân 2016, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có một điểm đặc biệt in ảnh "Gia đình nhà Voọc" và thông tin ngắn gọn về loài linh trưởng này...

Nhìn tấm thiệp chúc mừng năm mới Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 của lãnh đạo TP Đà Nẵng, nhiều người không khỏi bất ngờ. Những năm trước đây, lãnh đạo TP sông Hàn thường lựa chọn hình ảnh hoa mai, hoa đào làm biểu tượng; hoặc những công trình xây dựng được xem là biểu tượng của TP như cầu sông Hàn, cầu Rồng, Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng...

Năm nay, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lại lựa chọn hình ảnh một "Gia đình nhà Voọc" và thông tin ngắn gọn về loài linh trưởng được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế ví von là "nữ hoàng linh trưởng", đang tồn tại ở bán đảo Sơn Trà.

Tấm thiệp chúc năm mới đặc biệt của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

Nói về việc lựa chọn này, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: "Voọc Chà vá chân đỏ là loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ vô điều kiện. Những thông tin về loài Voọc Chà vá được in ngay trên tấm Thiệp chúc tết, tôi mong muốn gửi đến mọi người một lời chúc năm Bính Thân an khang, thịnh vượng".

"Đồng thời gửi thông điệp về việc chung tay bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm này. Với danh hiệu “nữ hoàng” của các loài linh trưởng, Voọc Chà vá hoàn toàn có thể trở thành một con vật biểu trưng của Đà Nẵng, giống như vượn cáo của Madagascar hay chuột túi ở Australia”, ông Thơ nói tiếp.

Từ hành động thiết thực này của người lãnh đạo TP Đà Nẵng, mong rằng Voọc Chà vá - cũng là hình ảnh đại diện chú Khỉ của năm Bính Thân 2016 - sẽ được nhiều hơn có ý thức chung tay bảo tồn loài linh trưởng này.

Tổ chức GreenViet, các thành viên nhóm Quản lý đô thị cùng một số đơn vị cho ra đời trọn bộ 3 mẫu với khoảng 77.000 ngàn bao lì xì Tết Bính Thân 2016 độc đáo, gồm hình tượng cậu bé Đô và cô bé Thị ngộ nghĩnh với lời nhắn “Vì một Đà Nẵng văn hóa, văn minh”.

"Nữ hoàng linh trưởng" còn gọi Voọc Chà vá là báu vật của TP Đà Nẵng như thừa nhận của người lãnh đạo TP và chính nhân dân nơi này

Trong đó có 55.000 mẫu có in hình những chú Vooc Chà vá chân nâu với dòng chữ “Chung tay bảo tồn đa dạng sinh học”. Tất cả đều được phát hành miễn phí. Chỉ trong vài giờ chia sẻ trên mạng facebook, toàn bộ số thiệp đã được đăng ký hết - để nói được sự trân trọng của người Đà Nẵng với "nữ hoàng linh trưởng" này.

Từ thời xa xưa, Sơn Trà là một hòn đảo gồm 3 ngọn núi nhô cao. Ngọn phía đông nam trông như hình con nghê chồm ra biển, nên gọi là hòn Nghê. Ngọn ở phía tây hình dạng như cái mỏ con diều hâu, nên gọi là ngọn Mỏ Diều. Ở ngọn phía bắc vươn về phía ngọn Ngự Hải bên kia cửa biển dài như cổ ngựa, nên gọi là ngọn Cổ Ngựa.

Qua thời gian dài, dòng nước biển chảy ven bờ đã tải phù sa đến bồi đắp dần lên tạo thành doi đất chạy từ đất liền ra đảo. Bán đảo Sơn Trà hình thành từ đó và trở thành "lá phổi xanh" cho Đà Nẵng bao đời qua.

Ngày nay ngay tại những ngọn này hình thành những khu du lịch nổi tiếng như Bãi Rạng, Bãi Đa, Bãi Bụt, hay khu nghỉ ngơi Đông Dương. Đặc biệt nơi đây có ngôi chùa Linh Ứng linh thiêng và những resort xinh đẹp nằm dọc bờ biển với hàng chục cây số.

Sự xuất hiện nhiều khu du lịch cũng ảnh hưởng cảnh quan, vệ sinh môi trường lẫn cả môi trường sống của 530 cá thể linh trưởng thuộc danh mục nhóm IIB ở mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam và tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.

Cần khu bảo tồn sinh thái cho Voọc Chà vá và cả bán đảo Sơn Trà

Đáng nói số linh trưởng ở bán đảo Sơn Trà chiếm đến 83% số lượng Voọc trong thiên nhiên được biết đến trên thế giới. Theo số liệu khảo sát nghiên cứu, theo dõi của Tổ chức bảo tồn Voọc chà vá quốc tế và theo các nghiên cứu được công bố mới nhất của nhiều chuyên gia trong nước cho thấy.

Nếu ở nhiều nơi trên thế giới, loại linh trưởng này có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới, thì tại bán đảo Sơn Trà lại đang phát triển ổn định. Nguyên nhân từ hệ thống núi non của Hải Vân sơn ở phía bắc, bán đảo Sơn Trà ở phía nam vây lại thành hình cánh cung tạo nên một vịnh biển mang tên Vũng Sơn Trà, hay còn gọi bằng nhiều tên khác khá quen thuộc như Vũng Tiên Sa, Vũng Thùng, Vũng Hàn, Vịnh Đà Nẵng.

Nhờ vậy, bán đảo Sơn Trà như một tấm bia che chăn mọi cơn bão hay áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào thành phố yên bình này. Bán đảo Sơn Trà có gần 4.000 ha rừng, trong đó một phần là đất đồi đang được phủ thêm loại cây công nghiệp.

Bán đảo Sơn Trà là nơi giao lưu giữa hai hệ động vật và thực vật tiêu biểu của hai miền Nam - Bắc, với núi Sơn Trà cao đến gần 700 mét được xem như đài khí tượng thiên nhiên của nhân dân quanh vùng.

Trong đó, Voọc Chà vá chân đỏ chính là biểu tượng cho bán đảo Sơn Trà và cũng là một động vật nằm trong sách quý cần bảo vệ. Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và Vooc Chà vá đã trở thành một phần đáng tự hào khi nhắc tới thiên nhiên phong phú, tươi đẹp nơi đây và cũng từ tấm thiệp đặc biệt của người lãnh đạo TP Đà Nẵng.

Anh Tuấn

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/chuyen-nu-hoang-linh-truong-ve-dep-du-lich-da-nang-a227092.html