VPBank báo lãi 4.000 tỷ trong quý 1/2023, nợ xấu tăng

Chiều 18/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã VPB) tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2023, trong đó báo lãi quý 1/2023 và đặt ra mục tiêu lợi nhuận đầy tham vọng cho cả năm.

Trước giờ bắt đầu, đại diện của Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) đã có mặt tại đại hội. SMFG là tập đoàn mẹ của Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - nhà đầu tư chiến lược của VPBank.

Ông Nguyễn Đức Vinh - thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPBank.

Ông Nguyễn Đức Vinh - thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPBank.

Tại đại hội, ông Nguyễn Đức Vinh – thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPBank đã trình bày kế hoạch phát triển 5 năm giai đoạn mới (2022-2026) của ngân hàng với mục tiêu duy trì tăng trưởng trên dưới 30% mỗi năm.

Với mục tiêu tham vọng này, ông Vinh cho biết nguồn lực mới chính là cơ sở quan trọng để thực hiện. Giá trị vốn hóa của VPB tại thời điểm cuối năm 2022 đã tăng lên 120.000 tỷ đồng, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của đối tác chiến lược SMBC trong thời gian tới.

Với nguồn lực này, ngân hàng nhắm đến xây dựng tập đoàn tài chính đa năng với các chiến lược cụ thể là phát triển ngân hàng giao dịch, mở rộng phân khúc khách hàng, mở rộng hoạt động ngân hàng đầu tư, thúc đẩy công ty chứng khoán, dịch vụ bảo hiểm... “Nếu không tìm kiếm động lực mới thì không thể đạt được sự tăng trưởng cao”, ông Vinh nói.

Đối với năm 2023, ông Vinh nhận định đây là năm hết sức quan trọng trong chiến lược 5 năm của ngân hàng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Sự tăng trưởng chậm lại của quý 1 đã là một thách thức với nền kinh tế nói chung.

“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nhìn thấy cơ hội ở 6 tháng cuối năm. 6 tháng đầu năm cũng là hồi chuông cảnh tỉnh để có giải pháp thiết thực để khắc phục các nút thắt. Vì vậy, ban điều hành vẫn không thay đổi kế hoạch tham vọng, giữ nguyên mục tiêu đã trình cổ đông”, Tổng giám đốc VPBank cho biết.

Chia sẻ thêm về lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực “nóng” thời gian qua và có ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng, ông Vinh đánh giá, thị trường bất động sản đang nằm ở giai đoạn phát triển, có giai đoạn phát triển quá nóng nhưng chưa có khó khăn mang tính chất khủng hoảng hệ thống. Với sự vào cuộc của Chính phủ, Tổng giám đốc VPB tin rằng khó khăn sẽ dần được gỡ khó.

Đối với thị trường trái phiếu, ông Vinh cho rằng quy mô trái phiếu doanh nghiệp hiện chưa lớn, nhưng giai đoạn đầu khi bung ra thì có một số trái phiếu không đáp ứng đủ chất lượng, ảnh hưởng chung dẫn đến tâm lý của nhà đầu tư.

“Hơn 90% trái phiếu trên thị trường hiện nay đáp ứng đủ quy định về phát hành, tài sản đảm bảo”, ông Vinh khẳng định và cho biết VPB cũng tham gia đầu tư trái phiếu, tư vấn, hỗ trợ các tổ chức phát hành, góp phần gỡ khó cho thị trường này.

Ban lãnh đạo VPBank điều hành đại hội.

Trả lời câu hỏi cổ đông về kết quả kinh doanh quý 1/2023, Tổng giám đốc VPBank cho biết, ngân hàng mẹ đạt lợi nhuận hơn 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 7%, tăng trưởng huy động 11%. FE Credit vẫn còn khó khăn, không có lãi quý 1 và không hoàn thành kế hoạch.

Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận ngân hàng mẹ VPB giảm 55%. Tuy nhiên quý 1/2022, VPB ghi nhận lợi nhuận đột biến nhờ thu nhập khác hơn 5.500 tỷ đồng. Còn so với quý 1 các năm khác thì lợi nhuận 3 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng.

Về tình hình nợ xấu, theo ông Nguyễn Đức Vinh, trong quý 1/2023, nợ xấu của VPBank tăng lên mức 2,6%, từ mức 2,19% cuối năm 2022. Ngân hàng dự kiến nợ xấu tiếp tục tăng trong quý 2 nhưng sẽ dưới 3%, và giảm trong quý 3 và quý 4. Đến cuối năm, VPB đặt mục tiêu nợ xấu đưa về khoảng 2,2%.

Với FE Credit, ông Vinh chia sẻ, đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến mảng tài chính tiêu dùng. Đây là nguyên nhân khiến FE Credit lỗ hơn 2.000 tỷ trong năm 2022, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động chung của ngân hàng. Tuy nhiên Tổng giám đốc VPB nhận định, đây vẫn là thị trường tiềm năng, với hơn 60% người dân chưa có khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng. FE Credit đang đánh giá lại mô hình kinh doanh, giảm dần phân khúc rủi ro cao để cải thiện các chỉ số tài chính.

VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận tỷ USD, chia cổ tức tiền mặt 10%

Tại đại hội lần này, HĐQT VPBank trình cổ đông phương án bán 1,19 tỷ cổ phiếu cho SMBC với giá 30.159 đồng/cổ phiếu, theo thỏa thuận vừa ký kết vào ngày 27/3 vừa qua. Số tiền thu về là 35.904 tỷ đồng.

Với số tiền này, VPBank cho biết sẽ dùng 5.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn; 6.000 tỷ đồng đầu tư góp vốn mua cổ phần công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm… và phần còn lại sẽ dùng để phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất và hệ thống công nghệ thông tin.

Ngân hàng này cũng dự kiến bán 30,22 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về 302,2 tỷ đồng. Sau các đợt phát hành, vốn điều lệ VPBank sẽ tăng lên gần 80.000 tỷ đồng.

Năm 2023, VPBank đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 24.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD), tăng trưởng 13% so với năm 2022. Tổng tài sản đạt 877.000 tỷ đồng, tăng 39%; tiền gửi khách hàng ước đạt 518.000 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ và dư nợ cấp tín dụng 636.000 tỷ đồng tăng 33%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Ngân hàng lên phương án chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt tỷ lệ 10%, tương đương 1.000 đồng/cổ phiếu. Cổ tức sẽ được chi trả trong quý 2 hoặc quý 3/2023.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vpbank-bao-lai-4000-ty-trong-quy-12023-no-xau-tang-post20560.html