VPBank đã nhận tiền cọc trong thương vụ bán 15% vốn điều lệ

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) đã nhận được 10% tiền đặt cọc từ đối tác Nhật Bản - Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) trong thương vụ bán 15% vốn điều lệ.

Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông thường niên VPBank. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông thường niên VPBank. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank Ngô Chí Dũng chia sẻ trong Đại hội đồng thường niên năm 2023 của ngân hàng diễn ra chiều 18/4 ở Hà Nội.

Theo đó, Chủ tịch VPBank cho biết ngày 17/4, ngân hàng đã nhận được 10% tiền đặt cọc, tương đương với 3.590 tỷ đồng từ SMBC sau khi ký kết thỏa thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho đối tác này. Phần còn lại sẽ nhận được sau khi ngân hàng hoàn tất các thủ tục pháp luật về phát hành cổ phần riêng lẻ cho cổ đông nước ngoài. Dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất vào tháng 7, 8 tới đây và khi đó đối tác sẽ chuyển nốt số tiền còn lại để VPBank thực hiện tăng vốn.

Thương vụ này mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1 (vốn nòng cốt của ngân hàng), nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Ông Ngô Chí Dũng đánh giá việc hợp tác với SMBC giúp cho VPBank củng cố nền tảng vốn, cho phép ngân hàng nâng cao quy mô tổng tài sản, tăng trưởng tín dụng, nâng cao sản phẩm tài chính, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu cho mọi phân khúc khách hàng, mở rộng phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài (FDI).

Đồng thời, với tư cách cổ đông chiến lược, SMBC sẽ chia sẻ bí quyết về quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, chuyển đổi số... cho VPBank. Mặt khác, với mạng lưới rộng lớn, SMBC sẽ giúp VPBank huy động vốn với vị thế tốt hơn trên trường quốc tế và VPBank cũng có thể tiếp cận hơn 200.000 khách hàng của SMBC khi họ tham gia vào thị trường Việt Nam.

Trước đó tại đại hội, Hội đồng quản trị VPBank cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành cho nhà đầu tư chiến lược. Cụ thể, VPBank dự kiến sẽ bán 1,19 tỷ cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược SMBC với giá 30.159 đồng/cổ phiếu, theo thỏa thuận vừa ký kết hôm 27/3. Số cổ phiếu này tương đương 15% vốn cổ phần VPBank (sau phát hành). Vốn điều lệ của VPBank sau phát hành sẽ tăng từ 67.434 tỷ đồng lên 79.339 tỷ đồng.

Ngoài ra, VPBank còn có kế hoạch phát hành 30,22 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP), với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thu về 302,2 tỷ đồng. Số cổ phiếu này sẽ bị phong tỏa tối đa 3 năm, được nới lỏng thời gian hạn chế chuyển nhượng tùy thuộc vào chính sách nhân sự trong mỗi thời kỳ.

Tổng Giám đôc VPBank Nguyễn Đức Vinh trình bày kế hoạch kinh doanh năm 2023. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Đồng thời, VPBank cũng trình cổ đông việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của ngân hàng từ mức 17,642% lên thành 30% để thực hiện việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Về cổ tức, VPBank dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (tương đương 1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng) vào khoảng quý II-III trong năm nay. Số tiền dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt là 7.934 tỷ đồng. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2022.

Ông Ngô Chí Dũng cũng tiết lộ với cổ đông rằng VPBank định hướng chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm liền. Vốn của VPBank đủ để duy trì tăng trưởng cao trong 5 năm tiếp theo và đủ để chia cổ tức tiền mặt cho các cổ đông.

Về mục tiêu kinh doanh năm 2023, VPBank lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 13% so với năm 2022, đạt mức 24.003 tỷ đồng. Nếu tính trên các hoạt động kinh doanh cốt lõi, mức tăng trưởng này tương đương 53%.

Tổng tài sản dự kiến tăng 39% trong năm 2023, đạt 877.460 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 41% lên 518 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 33% lên 636 nghìn tỷ đồng. Mức tăng trưởng tín dụng thực tế sẽ được thực hiện dựa trên các hạn mức tối đa/quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Cập nhật kết quả kinh doanh quý I/2023, lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng mẹ VPBank đạt hơn 4.000 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng 7%, huy động vốn tăng 11,5%. Còn tại Công ty Tài chính FE Credit, tình hình kinh doanh vẫn khó khăn và báo lỗ trong quý đầu năm.

Liên quan đến việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết hiện VPBank đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, đã giảm 5.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối 2022. Dự kiến từ nay đến cuối tháng 6 sẽ giảm xuống còn 20.000 tỷ đồng và đến hết năm 2023 giảm được 50%.

Trong số trái phiếu doanh nghiệp VPBank nắm giữ có gần 60% là trái phiếu lĩnh vực bất động sản. VPBank đang tài trợ cho hơn 40 nhà phát triển bất động sản, không có nhà đầu tư nào chiếm quá 1% tổng dư nợ và 100% trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo. VPBank khẳng định có đủ khả năng xử lý nếu trái phiếu có vấn đề.

Giá cổ phiếu VPB trong phiên giao dịch ngày 18/4 giảm 0,98% xuống mức 20.250 đồng/cổ phiếu tại thời điểm chốt phiên./.

Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/vpbank-da-nhan-tien-coc-trong-thuong-vu-ban-15-von-dieu-le/288310.html