VPBank: Lợi nhuận năm 2020 vẫn hướng tới con số trên 10.000 tỷ đồng

Giữ lại cổ tức để tăng vốn điều lệ, lợi nhuận giảm nhưng vẫn trên 10.000 tỷ đồng và tiếp tục phát triển là ngân hàng đa năng hoàn chỉnh, hướng vào phân khúc khách hàng bán lẻ…, là những nội dung chính được đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP VPBank (mã chứng khoán VPB), diễn ra chiều 29/5/2020 tại Hà Nội.

Hành trình 10 năm vươn lên top đầu trong hệ thống ngân hàng

Năm 2019, tất cả các chỉ tiêu kinh doanh của VPBank đều vượt kế hoạch, chất lượng tài sản được nâng cao khi ngân hàng đa tất toán toàn bộ dư nợ trái phiếu VAMC. Lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đã đạt mức cao nhất trong lịch sử với 10.324 tỷ đồng, tương đương 109% kế hoạch và tăng 12,2% so với năm trước.

 Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP VPBank (mã chứng khoán VPB), diễn ra chiều 29/5/2020 tại Hà Nội.

Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP VPBank (mã chứng khoán VPB), diễn ra chiều 29/5/2020 tại Hà Nội.

Báo cáo trước các cổ đông, Tổng giám đốc VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, mục tiêu đầu năm 2020 ngân hàng đặt mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 29%, tức là khoảng 13.500 - 14.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid- 19 nên ngân hàng phải điều chỉnh kế hoạch. Theo đó, VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế khoảng 10.214 tỷ đồng, giảm 1,1% so với năm 2019. Trong đó, lợi nhuận ngân hàng mẹ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 15%, song lợi nhuận của FE Credit sẽ điều chỉnh giảm nhẹ bởi quan điểm phát triển thận trọng, có thể phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro.

Các chỉ tiêu tăng trưởng khác trong năm 2020 của ngân hàng hợp nhất vẫn tiếp tục tăng như quy mô tổng tài sản dự kiến đạt mức 425.132 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2019; tăng trưởng tín dụng 12,3%; huy động vốn tăng 10,4%...

Chia sẻ cụ thể về sự điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận, ông Vinh bày tỏ: Có thể cổ đông nhìn thấy con số chỉ tiêu lợi nhuận (hợp nhất) giảm thì có hơi buồn nhưng đây là chỉ tiêu ban lãnh đạo ngân hàng cam kết trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Riêng với ngân hàng mẹ, mục tiêu lợi nhuận năm nay vẫn đề ra cao hơn 10 - 15% so với năm trước. “Và nếu diễn biến tích cực theo dự kiến (là Covid-19 sẽ được kiểm soát ở Việt Nam và thế giới vào cuối quý 2) thì ban điều hành cũng đặt mục tiêu sẽ đạt kết quả cao hơn, khoảng 10 - 20% tùy diễn biến của 6 tháng cuối năm đối với sự kiểm soát dịch bệnh và sự phục hồi của nền kinh tế. Chúng tôi sẽ cố gắng để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho ngân hàng và cổ đông.”- ông Vinh khẳng định.

Những cam kết cho một mục tiêu kinh doanh năm 2020 đạt kết quả tốt nhất có thể của vị Tổng giám đốc nhà băng không phải không có cơ sở nếu biết rằng hành trình 10 năm qua VPBank đã nỗ lực để có được một chỗ đứng thực sự vững chắc trong hệ thống ngân hàng nội địa.

Năm 2019, VPBank là một trong 4 ngân hàng hoành thành trị quản trị rủi ro đáp đứng Basel II. Các chương trình tối ưu hóa vẫn tiếp tục được tái cấu trúc 2020. Kết thúc 10 năm cải cách với 2 nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020, VPB đã đạt được các chỉ số quan trọng: các chỉ số kinh doanh đều tăng 14-16 lần, vươn lên top 5 ngân hàng có giá trị tổng tài sản lớn nhất hiện nay. Đặc biệt, tăng trưởng của ngân hàng tập trung vào chất lượng và hiệu quả. Ông Nguyễn Đức Vinh thông tin, nếu như tăng trưởng ở quy mô rất cao trong 10 năm qua thì chất lượng ở tăng trưởng còn tốt hơn với mức tăng 39 lần về doanh thu hoạt động, đạt 36 nghìn tỷ đồng, là ngân hàng có doanh thu lớn nhất trên thị trường. VPBank cũng vào top 2 ngân hàng có hiệu quả, lợi nhuận, chỉ số an toàn tốt nhất trên hệ thống ngân hàng hiện nay; là 1 trong 2 ngân hàng cổ phần có vốn chủ sở hữu lớn nhất trong hệ thống, hơn 42 nghìn tỷ…

Thời gian tới, chiến lược được VPB tập trung: phát triển là ngân hàng đa năng hoàn chỉnh, hướng vào phân khúc khách hàng bán lẻ…

Lợi nhuận tăng mạnh sau dịch

Theo lãnh đạo VPBank, đến cuối quý I/2020, lợi nhuận của ngân hàng đạt hơn 2.900 tỷ đồng, song đến cuối tháng 4/2020 đã đạt xấp xỉ 4.000 tỷ đồng. Tại thời điểm ĐHCĐ, lợi nhuận ngân hàng đã vượt 5.100 tỷ đồng – bằng 50% kế hoạch cả năm và dự kiến sẽ đạt 6.000 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2020.

Trong đề xuất để trình ĐHCĐ thông qua, năm nay sẽ không chia cổ tức. Theo đó, mặc dù kết thúc năm 2019, ngân hàng vẫn còn lợi nhuận chưa phân phối là hơn 7.000 tỷ đồng, song lãnh đạo ngân hàng dự kiến không chia cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu, mà trình cổ đông giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2019 để tăng vốn chủ sở hữu. Cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của VPBank đã vượt 42.000 tỷ đồng, trong khoảng Top 5 ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất thị trường.

Hội đồng quản trị (HĐQT) VPBank cũng trình phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP) năm 2020. Tổng số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 17 triệu cổ phiếu, giá bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng với mức giải tỏa tối đa là 30% sau 1 năm, 35% sau 2 năm và 35% sau 3 năm.Bên cạnh đó, HĐQT VPBank cũng kiến nghị cổ đông ủy quyền cho HĐQT linh hoạt mua lại cổ phiếu quỹ tùy theo diễn biến thị trường.

Về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (hiện trên 20%); trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài bán bớt cổ phiếu đến đâu, ngân hàng sẽ giảm “room” đến đó, dự kiến giảm xuống 15% để giành cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài khác.

Tại đại hội, các cổ đông sẽ bỏ phiếu để bầu ra Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2020 - 2025.

Danh sách ứng cử vào Hội đồng quản trị của VPBank có 5 ứng viên, trong đó 4 ứng viên cũ là: ông Ngô Chí Dũng (Chủ tịch), ông Bùi Hải Quân (Phó chủ tịch), ông Lô Bằng Giang (Phó chủ tịch), ông Nguyễn Đức Vinh (thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc) và một người mới là ông Nguyễn Văn Phúc - ứng cử vào vị trí thành viên HĐQT độc lập.

Ông Nguyễn Văn Phúc được bầu thay thế cho ông Nguyễn Văn Hảo, thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ hiện tại.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vpbank-lo-i-nhua-n-nam-2020-va-n-huo-ng-to-i-con-so-tren-10000-ty-do-ng-138147.html