VPBank toan tính gì?

DoanhNhanOnline – Việc cổ đông nước ngoài Oversea-Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) thoái 14,88% cổ phần khỏi VPBank liệu có phải là động thái dọn đường cho nhà đầu tư mới? OCBC: Mua, bán và có lãi Trong lúc thông...

DoanhNhanOnline – Việc cổ đông nước ngoài Oversea-Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) thoái 14,88% cổ phần khỏi VPBank liệu có phải là động thái dọn đường cho nhà đầu tư mới?

OCBC: Mua, bán và có lãi

Trong lúc thông tin về cổ đông ngoại OCBC bán toàn bộ gần 86 triệu cổ phần trong VPBank (chiếm 14,88% vốn điều lệ ngân hàng này) tràn ngập mặt báo những ngày này, thị trường có vẻ đang cố gắng tìm hiểu động thái tiếp theo nào sẽ diễn ra với VPBank? Phía OCBC đã gửi văn bản tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc rút toàn bộ phần vốn góp tại VPBank, qua đó chính thức chấm dứt tư cách cổ đông lớn của ngân hàng Việt Nam từ ngày 22/11/2013, sau hơn 7 năm hợp tác. Cụ thể, ngân hàng của Singapore bắt đầu mua 10% cổ phần VP Bank từ năm 2006, sau đó 2 năm lại tiến hành mua thêm khoảng 4,88% cổ phần nữa. Đến năm 2012, OCBC được chia thêm hơn 10 triệu cổ phần, nâng tổng số cổ phần nắm giữ tại VPBank lên gần 86 triệu.

Ngân hàng OCBC không phải là nhà đầu tư duy nhất rút vốn khỏi VPBank thời gian gần đây. Theo thông tin trên báo chí, ngày 27/12/2012 Công ty cổ phần Đầu tư Châu Thổ đã bán toàn bộ trên 86,5 triệu cổ phần VPBank, tương đương tỷ lệ 14,99% vốn cổ phần của ngân hàng này. Trước đó, đây là cổ đông lớn nhất của VPBank. Tương tự như Châu Thổ, OCBC cũng chỉ đóng vai trò là nhà đầu tư tài chính của VPBank, mặc dù cả hai đều là cổ đông lớn nhất nhì tại ngân hàng Việt Nam này. Hơn nữa, OCBC còn là ngân hàng thuộc loại lớn nhất Singapore xét theo giá trị vốn hóa thị trường, và tính đến trước cuộc chia tay, họ cũng là cổ đông nước ngoài lớn nhất và duy nhất tại VPBank.

Sớm hơn Châu Thổ và OCBC, vào năm 2010 một cổ đông nước ngoài khác là Quỹ đầu tư Dragon Capital cũng đã thoái 20% vốn trong VPBank. Điểm chung của cả ba giao dịch rút vốn của cổ đông lớn nêu trên là rất khó nhận biết, ai là người mua thực sự số cổ phần chuyển nhượng.

Nhìn vào mức độ hiệu quả của giao dịch OCBC chuyển nhượng 14,88% vốn (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho 3 nhà đầu tư cá nhân trong nước, rõ ràng ngân hàng Singapore đã có mức lợi tức tương đối cao là 35%, tương đương 7%/năm tính từ năm 2006. Sự tăng trưởng ổn định của VPBank là một tác nhân chính dẫn đến tính hiệu quả của khoản đầu tư này. Cụ thể, VPBank đạt lợi nhuận ròng gần 143 tỷ đồng năm 2008, tăng lên 383 tỷ năm 2009, đến năm 2010 đạt 503 tỷ và tăng lên tới 800 tỷ vào năm 2011. Nhưng năm 2012, lợi nhuận của ngân hàng đã sụt giảm xuống chỉ còn 640 tỷ đồng. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm nay VPBank chỉ đạt lợi nhuận 423 tỷ đồng. Giả thuyết OCBC lo ngại về sự sụt giảm lợi nhuận kinh doanh của VPBank dẫn đến quyết định rút lui hầu như không đủ cơ sở. Bởi lẽ, tuy là nhà đầu tư tài chính, song cung cách đầu tư của OCBC không phải lướt sóng ngắn hạn để kiếm lời nhanh. Tiềm lực tài chính và thời hạn của khoản đầu tư vào VPBank cho thấy, ngân hàng Singapore đã thu quân thắng lợi với mức lợi nhuận đáp ứng kỳ vọng.

Dọn đường cho người mới?

Mặc dù luồng thông tin phân tích về thương vụ không phải là ít, trong đó có cả những phát ngôn chính thức từ VPBank, được Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Đầu Tư Chứng Khoán để trấn an nhà đầu tư, nhưng hiện vẫn chưa rõ diễn biến tiếp theo với ngân hàng Việt Nam này là gì. Có thể nêu lên một giả thuyết như sau. Căn cứ vào thực tế, rất có thể đây là thương vụ dọn đường cho một nhà đầu tư nước ngoài khác rót vốn vào VPBank. Muốn làm được điều này, các cổ đông Việt Nam của VPBank cần mua lại số lượng lớn cổ phiếu của một tổ chức nước ngoài, sau đó sẽ bán lại số cổ phiếu này (hoặc nhiều hơn) cho nhà đầu tư mới với một mức giá có thể cao hơn.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm ngoái của VPBank là 26%, nằm trong nhóm cao nhất khối ngân hàng thương mại cổ phần. Trong 9 tháng đầu năm nay, theo Báo cáo tài chính hợp nhất 3 quý đầu năm 2013, dư nợ của ngân hàng này đạt 46.786 tỷ đồng, tăng mạnh từ mức 36.523 tỷ đồng cuối năm ngoái. Tương tự, vốn huy động của VPBank tăng mạnh hơn, lên mức 87.300 tỷ đồng so với 59.500 tỷ đồng ngày 30/12/2013. Tổng tài sản của ngân hàng 9 tháng đầu năm nay cũng đã tăng 16,5%. Mức lợi tức cho OCBC là 35%, tương đương 7%/năm như đề cập ở trên. Phân tích sâu hơn, theo một chuyên gia tài chính (không muốn nêu tên), tỷ suất sinh lời này ở mức trung bình của thị trường và có vẻ như chấp nhận được cho cả hai phía VPBank – OCBC. Nhìn rộng hơn trong lĩnh vực đầu tư tài chính, chuyên gia này nhận xét rằng, các tổ chức nước ngoài thường đầu tư vào doanh nghiệp, ngân hàng của Việt Nam với danh nghĩa “nhà đầu tư chiến lược” hay “cổ đông chiến lược nước ngoài”, tuy nhiên về bản chất họ cũng chỉ là nhà đầu tư tài chính mà thôi.

“Mục đích lớn nhất của nhà đầu tư kiểu này chỉ là tìm kiếm lợi nhuận”, vị chuyên gia nói. Khi OCBC đầu tư vào VPBank năm 2006, thị trường tài chính trong nước đang lên cơn sốt. Sau thời gian thịnh vượng này, tình hình đã xấu đi và gần như đang đóng băng tại thời điểm này. Do vậy, việc nhà đầu tư tài chính Singapore này thoái được khoản vốn 1.200 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận nói trên cũng có thể coi là chấp nhận được. Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư ngoại thoái vốn khỏi VPBank sẽ không gây ảnh hưởng nhiều tới bản thân ngân hàng này, giống như trường hợp ngân hàng HSBC thoái vốn khỏi Bảo Việt vào năm ngoái.

VPBank gia nhập nhóm 12 ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam, còn gọi là nhóm G12, kể từ cuối năm 2011 và có những thành tích ấn tượng trong 9 tháng đầu năm nay như đã nói. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường ngân hàng gặp nhiều thách thức lớn như hiện tại, rất có khả năng ban lãnh đạo VPBank muốn đề ra một chiến lược bứt phá mới trong hoàn cảnh các đối thủ khác gặp khó khăn. Với OCBC, họ đã mua, bán và chốt lời thành công sau không ít những thăng trầm khi chung thuyền với đối tác Việt Nam. Việc rút lui có lẽ thuận cho cả hai. Tỷ lệ chào bán cho nhà đầu tư mới tại VPBank sẽ dao động ở mức độ trên dưới 20%. Theo luật, nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tối đa 30% vốn trong một ngân hàng Việt Nam. Giả dụ nếu cổ đông mới đầu tư dưới 20% thì có thể không cần OCBC phải thoái vốn (hiện tại VPBank không còn nhà đầu tư nước ngoài nào, tức sở hữu nước ngoài là 0%).

Theo một nguồn tin trong giới tài chính, không loại trừ khả năng người mới được VPBank dọn đường về “sống chung” chính là một quỹ đầu tư hàng đầu trên thế giới có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng và đang hoạt động tại thị trường tài chính Việt Nam. Cái tên của nhà đầu tư bí ẩn này đã được nguồn tin trên tiết lộ với Doanh Nhân, tuy nhiên còn quá sớm để khẳng định sự chính xác của thông tin này. Hỏi nhanh một số đại diện ngân hàng và quỹ đầu tư, người viết đều nhận được sự từ chối với lý do “không biết” hoặc “hãy còn quá sớm”. Vì thế, hãy tạm hình dung “người mới” của VPBank là một nhà đầu tư lớn, tiềm lực vốn dồi dào, đầu tư vào nhóm tài sản lớn của doanh nghiệp trong nước và luôn luôn giữ kín thông tin đầu tư của mình.

Thành Trung

admin

Admin Creativa

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/vpbank-toan-tinh-gi/