Vpop 2018: Trào lưu âm nhạc mới hay chuyện 'thuận mua vừa bán'?

Vpop trong năm 2018 đã có nhiều biến chuyển, đặc biệt về các ca khúc phổ biến và những tên tuổi thống trị BXH âm nhạc. Thay đổi này phản ánh sự thay đổi trong nhu cầu của khán giả.

Thị trường âm nhạc năm 2018 đã có bước tiến thay hình đổi dạng rõ rệt. Bên cạnh các tên tuổi nổi bật trên truyền thông, cục diện Vpop còn gọi tên những người mới, những cái tên mới. Họ mang đến thứ âm nhạc mới mẻ, gần gũi và hiện đại mà khán giả muốn nghe.

Vpop có nhiều thay đổi, tên tuổi mới đang dần chiếm lĩnh thị trường âm nhạc.

Âm nhạc nên “bán” cái khán giả cần

Trong mỗi bước tiến của âm nhạc, chúng ta sẽ có những cái tên mới, bài hát mới, xu hướng âm nhạc mới thống trị thị trường. Đó là các ca khúc luôn được nghe ở bất cứ nơi đâu, từ quán cà phê, siêu thị cho đến cửa hàng quần áo.

Các tác phẩm này mang tính đại chúng và phục vụ cho số đông khán giả, mà nhiều nhất là những người trẻ. Điều này được thể hiện rõ qua cột mốc âm nhạc năm 2018 với vô vàn những ca khúc mới ra đời, được khán giả trẻ đón nhận nồng nhiệt và đạt những thứ hạng cao trên BXH #zingchart.

Nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami từng viết: “Thế giới gần như chẳng có gì thay đổi trong 10 năm, trừ âm nhạc và những chương trình truyền hình”.

Khoảng thời gian 10 năm trước, những tên tuổi thống trị Vpop như Bảo Thy, Đông Nhi hay Phạm Quỳnh Anh đều thể hiện các ca khúc sâu lắng và nhẹ nhàng. Chỉ sau 10 năm, không chỉ các tên tuổi mới mà cả những ca sĩ lâu năm cũng chuyển hướng sang những trải nghiệm âm nhạc mới.

Âm nhạc với ca từ đơn giản hơn, giai điệu trẻ trung hơn đang dần chiếm lĩnh thị trường. Ngay cả những gương mặt kỳ cựu của các thế hệ âm nhạc trước đó còn cho thấy sự hiện đại, “bắt kịp xu hướng” bằng cách cover lại những bài hát của “bọn trẻ” hôm nay như Thu Phương hay Thanh Hà.

Nhu cầu của khán giả chính là yếu tố quyết định xu hướng âm nhạc.

Công bằng mà nói, âm nhạc và người nghệ sĩ muốn nổi tiếng ắt phải theo đuổi thị hiếu của khán giả. Thị trường “cầu” gì, nghệ sĩ “cung cấp” điều đó.

Nói đơn giản hơn chính là người nghe thích thì nghệ sĩ mới ra sản phẩm để đáp ứng nhu cầu.

Khán giả chính là người quyết định thị trường, còn nghệ sĩ là người làm cho thị trường đó trở nên đa dạng và nhiều sự lựa chọn hơn.

Vì vậy, âm nhạc khó lòng đi theo để chiều theo thị hiếu, sở thích của một bộ phận khán giả nhỏ. Thay vào đó, việc bắt kịp xu hướng của cả cộng đồng trở nên quan trọng hơn.

Thuận "mua" vừa "bán"

Một sản phẩm thành công là khi ca khúc đó có khả năng khơi gợi cảm xúc, ký ức của người nghe, giúp họ nhớ đến những kỷ niệm, câu chuyện cá nhân.

Khi nghe các bài hát này, nhiều người trẻ thấy được hình ảnh của họ trong đó với những tình huống tương tự. Vì vậy, các ca khúc đó hiển nhiên được yêu thích một cách rộng rãi.

Yếu tố cảm xúc, dễ gợi sự đồng cảm quyết định khá nhiều đến thành công của một tác phẩm âm nhạc.

Nói về điều nay, bạn Phương Anh, sinh viên năm cuối trường Đại học Hoa Sen, chia sẻ: “Nhiều lúc ở nhà, em bật mấy bài hát nhạc trẻ của Kay Trần, Đạt G để nghe thì bố mẹ bảo: ‘Nghe nhạc gì kì vậy’. Nhưng với bản thân em thì không thấy kì. Có những câu chuyện trong các bài hát đó em cảm thấy giống với em, bạn bè em cũng vậy, mà có thể ở thế hệ bố mẹ không trải qua nên không đồng cảm”.

Từ những tác phẩm gần gũi, dễ nghe, dễ cảm, nhiều nghệ sĩ trẻ đã làm nên các kỷ lục khác nhau trên BXH #zingchart, giống như trường hợp của Nguyễn Trọng Tài. Hongkong1 nổi lên từ clip quay cảnh cậu hát bên bàn nhậu.

Sau đó, sức nóng từ video trên giúp bản audio chính thức nhanh chóng tiến thẳng lên vị trí đầu bảng #zingchart real-time chỉ sau 52 phút ra mắt.

Cũng trong năm nay, hàng loạt ca khúc Indie/Underground liên tiếp đứng nhất #zingchart như Cùng anh (Ngọc Dolil, STee, Hagi), Người âm phủ (OSAD, VRT), Vô tình (Xesi, Hoaprox), Buồn của anh (K-ICM, Đạt G, Masew), Buồn không em (Đạt G), Cô gái m52 (HuyR, Tùng Viu).

Đó là những thành tích mà có khi chưa bao giờ xuất hiện trong thị trường nhạc Việt những năm trước đó.

Âm nhạc và những xu hướng ở mỗi thời kỳ sẽ còn là câu chuyện dài với nhiều sự tranh cãi. Ở mỗi giai đoạn trong cuộc sống, mỗi thời kỳ khác nhau của xã hội, âm nhạc sẽ có những hướng đi và những giá trị khác biệt.

Vì vậy, đừng “bắt ép” âm nhạc phải gò mình trong một chiếc áo không vừa vặn nào đó.

Nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng luôn biến đổi theo từng thời kỳ.

Có rất nhiều con đường để đi đến cái đích của âm nhạc. Âm nhạc có lúc lặng yên, có khi lại sôi nổi, nhộn nhịp. Và nghệ sĩ là người thể hiện rõ những điều âm nhạc muốn truyền tải đến người nghe.

Thông điệp âm nhạc của họ, những người trẻ đang vươn mình mạnh mẽ trong âm nhạc, cũng trở nên táo bạo và "hết mình" hơn: Hãy chơi đi! Chơi để không phải hối tiếc, để biết bản thân đã hết mình với âm nhạc trong những ngày trẻ.

Tuệ Lâm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vpop-2018-trao-luu-am-nhac-moi-hay-chuyen-thuan-mua-vua-ban-post899430.html