VTV đau đầu với nạn vi phạm bản quyền trên Internet

Rất nhiều các chương trình phim, game shows do VTV sản xuất và sở hữu bản quyền đã bị thu lại, phát sóng tràn lan trên Internet. Vi phạm tràn lan và công khai nhưng trên thực tế những đơn vị vi phạm bị xem xét, xử phạt còn quá ít so với những gì đang diễn ra.

Phim Quỳnh búp bê đang được nhiều kênh YouTube phát sóng.

Phim Quỳnh búp bê đang được nhiều kênh YouTube phát sóng.

Theo báo cáo của VTV tại Hội thảo bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số tổ chức tại Hà Nội mới đây, hàng năm VTV đã đầu tư kinh phí rất lớn mua bản quyền các chương trình truyền hình, game shows, phim, các giải đấu thể thao quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, bản quyền của VTV đang bị vi phạm nghiêm trọng trên Internet với các hình thức như: Một số đài PT-TH địa phương sử dụng chương trình truyền hình của VTV mà không xin phép, hay thỏa thuận giữa hai bên. Khi các đài địa phương tiếp phát sóng chương trình của VTV đã tự ý cắt quảng cáo hoặc chèn quảng cáo của mình vào. Một số trường hợp thì các đài địa phương thu các chương trình giải trí trên kênh VTV3 và phát trên kênh sóng của mình.

Các chương trình game shows đặc sắc phải đầu tư chi phí bản quyền và chi phí sản xuất rất tốn kém nhưng lại bị sao chép và phát tràn lan trên Internet, in thành băng đĩa lậu bán trên thị trường. Một số chương trình thể thao phải đầu tư kinh phí bản quyền rất lớn, đặc biệt là bản quyền trên hệ thống truyền hình trả tiền đã bị các đài khác thu lại để phát sóng mà không phải trả chi phí bản quyền.

Theo đại diện VTV, trên Internet việc vi phạm bản quyền các chương trình đặc sắc của VTV diễn ra khá nghiêm trọng. Một số vụ vi phạm gây thiệt hại nặng nề nhất phải kể đến là hồi năm 2017 VTVcab đã hai lần bị cắt sóng giải bóng đá Champions League và Europa League do bị các đơn vị khác vi phạm bản quyền trên Internet, sau đó K+ mua lại gói bản quyền này vào tháng 3/2018 nhưng ngay sau khi vừa lên sóng đã bị xâm phạm trên nhiều trang mạng và App OTT.

Hai bộ phim ăn khách do VTV sản xuất là Người phán xửSống chung với mẹ chồng ngay trong tháng đầu tiên phát sóng đã có trên 400 tài khoản Facebook và YouTube vi phạm. Giải bóng đá World Cup 2018 cũng đã bị vi phạm bản quyền nghiêm trọng trên mạng xã hội và trên các trang web lậu.

Theo khảo sát của ICTnews, hai bộ phim ăn khách mới chiếu trên sóng VTV là Ngày ấy mình đã yêuQuỳnh búp bê cũng xuất hiện tràn lan trên mạng Internet và trang mạng xã hội YouTube.

Vi phạm tràn lan nhưng trên thực tế những đơn vị bị xem xét, xử phạt còn quá ít so với những gì đã và đang diễn ra trên mạng Internet. Cũng theo báo cáo của VTV, trong thời gian qua một số trường hợp vi phạm bản quyền của đã bị xử lý. Ví dụ, hai công ty Phú Thái và Bắc Á đã phải bồi thường 500 triệu đồng vì tự ý khai thác hai bộ phim Bí thư tỉnh ủy Chạy án của VTV. Hai nhà mạng lớn nhất Việt Nam và một cá nhân bị xử phạt 75 triệu đồng do phát lậu phim Sống chung với mẹ chồng Người phán xử. Gần đây nhất cũng bị xử phạt 20 triệu đồng, 3 công ty truyền thông khác đã bị buộc phải bồi thường giá trị hơn 100 bản tin thời sự của VTV.

Truyền hình là một ngành sản xuất nội dung số chủ lực, do đó các đơn vị truyền hình bên cạnh việc bỏ tiền sản xuất nội dung, thì cũng phải cần đầu tư thêm kinh phí, công nghệ và nhân lực để bảo vệ bản quyền nội dung của mình.

Theo ông Stephane Baumier, Phó Tổng giám đốc K+, ngoài khoản phí bản quyền lớn đã bỏ ra, K+ cũng phải đầu tư không nhỏ để nâng cấp hệ thống cũng như xây dựng đội ngũ chuyên giám sát, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm bản quyền. Song rất khó có thể giải quyết triệt để vấn nạn này nếu không có sự hợp tác từ người người sử dụng và sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (Hội Truyền thông số Việt Nam), bên cạnh việc xử lý bằng pháp lý thì các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ nội dung số có chiến lược riêng trong bảo vệ bản quyền. Giống các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như Facebook và YouTube tự đưa ra chính sách riêng để đảm bảo quyền của chủ sở hữu quyền trên đó.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, các nhà sản xuất nội dung số Việt Nam nên sử dụng nhiều hơn những giải pháp về công nghệ. Bởi vì các cơ chế về xử phạt hành chính, kiện ra tòa dân sự quy trình giải quyết khá lâu, khi xử lý xong thì thiệt hại cũng rất lớn. Trong khi đó vi phạm bản quyền trên môi trường số diễn ra rất nhanh. Ví dụ, với một trận bóng đá, sau khi livestream trên mạng xã hội, từ khi bị báo cáo cho đến lúc bị gỡ đã tồn tại vài tiếng. Nhưng nếu qua đường thủ tục hành chính có khi phải mất vài ngày hoặc vài tuần, khi giải quyết được thì các đơn vị làm nội dung đã thiệt hại khá lớn rồi. Do đó, dùng biện pháp công nghệ sẽ hỗ trợ tốt hơn cho bảo vệ bản quyền.

My Lan

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/vien-thong/so-hoa-truyen-hinh/vtv-dau-dau-voi-nan-vi-pham-ban-quyen-tren-internet-172820.ict