Vụ 13 mộ liệt sĩ: Hội Cựu TNXP lên tiếng

UBND tỉnh Bắc Kạn cũng thành lập tổ công tác, lên kế hoạch tìm kiếm toàn bộ thông tin và nhân chứng sống về việc chôn cất, quy tập 13 liệt sĩ thanh niên xung phong.

Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) về vụ 13 mộ liệt sĩ TNXP hy sinh ở hồ Tân Minh, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn không có hài cốt.

Theo Hội Cựu TNXP, đây là sự việc có tính chất rất nghiêm trọng, liên quan đến việc thực hiện pháp luật về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc; tâm tư, tình cảm của gia đình thân nhân liệt sĩ, gây bức xúc trong cựu TNXP, dư luận xã hội…

Vì vậy, Hội Cựu TNXP Việt Nam đề nghị Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo các cơ quan liên quan và tỉnh Bắc Kạn điều tra, xác minh, làm rõ bản chất sự việc và xử lý những sai phạm (nếu có). Cơ quan chức năng cần nhanh chóng trả lời các gia đình thân nhân liệt sĩ, dư luận xã hội và đảm bảo việc thực hiện đúng quy định pháp luật về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Cha mẹ qua đời, ông Hà Văn Năm là người thờ cúng cô mình, liệt sĩ Hà Thị Sằm.

Cha mẹ qua đời, ông Hà Văn Năm là người thờ cúng cô mình, liệt sĩ Hà Thị Sằm.

Liên quan đến sự việc trên, bà Địch Thị Loan, con liệt sĩ Địch Xuân Dong (TNXP duy nhất lập gia đình trước lúc hy sinh), cho biết từ lúc khai quật 13 ngôi mộ liệt sĩ đến nay đã gần ba tháng nhưng các thân nhân liệt sĩ chưa nhận được bất kỳ thông tin nào từ UBND tỉnh Bắc Kạn hay Sở LĐ-TB&XH tỉnh này.

Chiều 13/12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Dương Bằng Giang, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Kạn cho biết hiện UBND tỉnh này đã thành lập tổ công tác để tìm kiếm thêm thông tin về các đợt quy tập di chuyển hài cốt liệt sĩ từ nhân chứng còn sống trong lực lượng quy tập trước đây. Tổ công tác do Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng làm tổ trưởng.

Tổ công tác sẽ chia làm hai nhóm: Nhóm một làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên để tìm kiếm các hồ sơ lưu giữ liên quan đến quá trình quy tập hài cốt liệt sĩ TNXP lần đầu đến khi di chuyển sang Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông năm 1990.

Đồng thời nhóm một sẽ phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tìm kiếm các nhân chứng còn sống có tham gia quy tập hài cốt liệt sĩ TNXP về Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông để khai thác thông tin.

Nhóm hai tìm kiếm các hồ sơ lưu giữ tại huyện Bạch Thông liên quan đến quá trình quy tập hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang liệt sĩ tỉnh từ khi xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông đến nay.

Đồng thời nhóm hai cũng sẽ tìm kiếm các nhân chứng còn sống có tham gia quy tập hài cốt liệt sĩ TNXP về Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông. Nhóm cũng gặp nhân chứng còn sống nắm được các thông tin liên quan đến việc quy tập hài cốt liệt sĩ TNXP (từ khi truy điệu, chôn cất liệt sĩ lần đầu tại đồi Nà Coóc, thôn Quan Làng, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới đến khi quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ năm 1990) để thu thập thông tin.

Xác định vị trí mộ liệt sĩ TNXP tại nơi an táng ban đầu, vị trí nghĩa trang liệt sĩ cũ và vị trí mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông cũ.

Vậy địa phương có tiến hành khai quật lại nơi chôn cất ban đầu của các liệt sĩ không? Ông Giang từ chối trả lời câu hỏi này và nói: “Hiện công việc đang được triển khai, khi nào có thông tin chúng tôi sẽ thông báo”. Theo ông Giang, thời gian thực hiện kế hoạch trên từ tháng 12 năm nay đến tháng 2/2020.

Theo Viết Long/Pháp Luật TP.HCM

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vu-13-mo-liet-si-hoi-cuu-tnxp-len-tieng-post1025226.html