Vụ 14 cán bộ 'ăn đất' ở Đồng Tâm: Sẽ kháng án lên TAND cấp trên

Mới đây, TAND huyện Mỹ Đức đã tuyên án đối với 14 bị cáo nguyên là cán bộ xã và cán bộ huyện trong vụ án sai phạm đất đai ở xã Đồng Tâm.

Thông tin mới nhất mà PV có được, thời gian tới các luật sư và bị cáo sẽ làm đơn kháng cáo lên cấp trên.

Theo đó, 10 bị cáo nguyên là cán bộ xã Đồng Tâm bị tuyên án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Trong đó, Tòa tuyên bị cáo Nguyễn Văn Sơn, nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm 36 tháng tù; Lê Đình Thuần, nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm 42 tháng tù; Nguyễn Văn Bột, nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Văn Đức, nguyên Chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm 30 tháng tù; Nguyễn Tiến Triển, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm 30 tháng tù giam; Nguyễn Xuân Trường, nguyên cán bộ địa chính xã Đồng Tâm 6 năm 6 tháng tù; Bùi Văn Dũng, nguyên Trưởng ban Tài chính xã Đồng Tâm 30 tháng tù; Bùi Văn Hồng, nguyên Xã đội trưởng xã Đồng Tâm 30 tháng tù; Nguyễn Văn Minh, nguyên Trưởng công an xã Đồng Tâm 20 tháng tù và bị cáo Nguyễn Văn Khang, nguyên Kế toán ngân sách xã Đồng Tâm 20 tháng tù giam.

Các bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm.

4 bị cáo nguyên là cán bộ huyện Mỹ Đức bị tuyên án về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tòa đã tuyên bị cáo Phạm Hữu Sách, nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mỹ Đức 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tháng; Đinh Văn Dũng, nguyên Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức 36 tháng tù; Bạch Văn Đông, nguyên Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức 30 tháng tù và Trần Trung Tấn, nguyên cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tháng.

Liên quan đến phiên xét xử này, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Hồng Hiển, Công ty luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự - một trong những luật sư cho 14 bị cáo.

Trong phiên tòa vừa qua, các luật sư “xoáy” vào những nội dung gì để gỡ tội cho thân chủ của mình?

Trong số 14 bị cáo thì được chia thành 2 tội trạng khác nhau đó chính là tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Khi nghiên cứu hồ sơ, tôi và các cộng sự cùng nghiên cứu và lên phương án gỡ tội cho những thân chủ của mình. Tôi là người trực tiếp bào chữa cho bị cáo Bạch Văn Đông và cái mà tôi hướng đến phiên tòa là bị cáo Đông vô tội. Căn cứ mà tôi đưa ra, là việc chưa có đủ căn cứ để kết tội bị cáo Đông theo như cáo trạng mà VKSND huyện Mỹ Đức truy tố. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là HĐXX chưa xem xét một cách thấu đáo, sắp tới chúng tôi sẽ kháng cáo vụ án lên tòa án cấp trên.

Luật sư Lê Hồng Hiển đang bào chữa tại phiên tòa.

Vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm vừa được TAND huyện Mỹ Đức đưa ra xét xử đối với 14 bị cáo do có hành vi xẻ đất chia cho các cán bộ nguyên là lãnh đạo xã Đồng Tâm, gây bức xúc trong dư luận. Khi nhận bào chữa cho các bị cáo trong vụ án này, luật sư có bị áp lực gì không?

Trong bất cứ vụ án nào dù lớn hay nhỏ, được dư luận quan tâm hay không đều không ảnh hưởng gì đến quá trình hành nghề của tôi, vì vậy tôi không cảm thấy có áp lực gì. Đặc thù nghề nghiệp luật sư là đứng ra bảo vệ, bào chữa cho thân chủ bị cáo buộc thực hiện hành vi phạm tội, đó có thể là hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản hay các hành vi phạm tội bị cả xã hội lên án, bất bình như tội phạm về ma tuý, hiếp dâm trẻ em... Kể cả đối với các vụ án như vậy, Luật sư vẫn đứng ra bảo vệ, bào chữa cho các bị cáo theo quy định của pháp luật. Đây là quyền của bị cáo được pháp luật quy định. Theo quy định của pháp luật thì chính những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là những trường hợp bắt buộc phải có luật sư bào chữa.

Nhận bào chữa cho các bị cáo có hành vi phạm tội mà các hành vi đó gây ra hậu quả xấu về dư luận và được cho là nhạy cảm, luật sư có thể chia sẻ gì thêm về điều này?

Trước hết, phải khẳng định, vụ án vừa qua xét xử 10 cán bộ ở xã về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và 4 cán bộ ở huyện về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng do cấp sổ đỏ sai quy định đối với diện tích đất có nguồn gốc là đất dùng để bồi thường tái định cư của UBND tỉnh Hà Tây từ năm 1996.

Quay trở lại vụ án này, dù được cho là vụ án nhạy cảm hay không, dư luận bức xúc hay quan tâm hay không thì không ảnh hưởng đến việc bào chữa của luật sư. Bởi luật sư có quyền bằng mọi biện pháp hợp pháp để làm sáng tỏ vụ án, đưa ra các chứng cứ gỡ tội để bào chữa cho thân chủ. Đây vừa là quyền nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của Luật sư.

Xin cảm ơn luật sư!

Theo Tầm Nhìn

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/vu-14-can-bo-an-dat-o-dong-tam-se-khang-an-len-tand-cap-tren-p52925.html