Vụ 2 người buôn pháo: Oan đã rõ

Hai ông không phạm tội buôn bán hàng cấm thì sao tòa tỉnh lại nói là được hưởng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội.

Vụ việc ông Vũ Văn Điện (51 tuổi) và ông Đinh Trọng Khang (55 tuổi) đang yêu cầu TAND tỉnh Nam Định xin lỗi công khai và bồi thường oan vẫn khiến dư luận chú ý. Phân tích của TS Phan Anh Tuấn thể hiện TAND tỉnh đã xét xử oan hai ông nhưng đang cố tình né trách nhiệm.

Theo TS Tuấn, Điều 155 (tội buôn bán hàng cấm) BLHS 1999 quy định theo kiểu viện dẫn, tức là muốn hiểu thế nào là hàng cấm thì phải dựa vào các văn bản quy định về hàng cấm. Ông Điện và ông Khang buôn bán pháo nổ vào ngày 19-11-2015 nên để xác định pháo nổ có phải là hàng cấm hay không thì phải dựa vào văn bản quy định về hàng cấm tại thời điểm đó. Thời điểm này, danh mục hàng cấm được quy định tại Luật Đầu tư 2014 (hiệu lực từ ngày 1-7-2015) và kinh doanh các loại pháo thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện (phụ lục 4 kèm theo), chứ không phải kinh doanh hàng cấm.

Theo khoản 1 Điều 7, Điều 8 BLHS 1999, một hành vi chỉ bị coi là tội phạm nếu tại thời điểm thực hiện BLHS quy định hành vi đó là tội phạm. Hành vi của ông Điện và ông Khang lúc đó không phải là buôn bán hàng cấm và không phạm tội này, do BLHS 1999 không quy định đó là tội phạm. Quyết định giám đốc thẩm ngày 12-3-2018 của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án của TAND tỉnh Nam Định, tuyên bố hai ông không phạm tội buôn bán hàng cấm và đình chỉ vụ án là vì lý do này.

Ông Điện và ông Khang. Ảnh: T.PHAN

Ông Điện và ông Khang. Ảnh: T.PHAN

Trong công văn ngày 5-7-2018, TAND tỉnh trả lời cho rằng không làm oan hai ông vì Nghị định 59/2006 (sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 43/2009) thì các loại pháo là hàng cấm kinh doanh. Nhưng theo Luật Đầu tư 2014 thì pháo thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo tòa, hai văn bản trên mâu thuẫn nên mới có luật sửa đổi, bổ sung luật này (quy định cấm kinh doanh pháo nổ).

Nhưng lập luận của tòa không đúng, vì Luật Đầu tư 2014 có giá trị thay thế Nghị định 59/2006 chứ không phải mâu thuẫn. Theo tinh thần của Hiến pháp 2013, những vấn đề hạn chế liên quan đến quyền con người (trường hợp này là quyền tự do kinh doanh) thì phải được luật định. Ngoài ra, về giá trị pháp lý, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định khi hai văn bản có nội dung khác nhau về cùng một vấn đề thì Luật Đầu tư ra đời sau và có giá trị cao hơn so với Nghị định 59.

Nếu tòa cho rằng do pháp luật thay đổi, ông Điện và ông Khang được hưởng lợi nên không được Nhà nước bồi thường là không đúng và có sự nhầm lẫn nghiêm trọng khi áp dụng điểm d khoản 2 Điều 32 Luật TNBTCNN.

ThS NGUYỄN TRƯƠNG TÍN,giảng viên môn Luật TNBTCNN,
ĐH Luật TP.HCM

Nguyên nhân dẫn đến oan sai cho ông Điện và ông Khang là do các cơ quan tiến hành tố tụng không nắm vững quy định viện dẫn trong BLHS. Mặc dù quy định BLHS không thay đổi nhưng các văn bản pháp luật viện dẫn có thể có thay đổi, dẫn đến hành vi bị coi là tội phạm có thể thay đổi (mở rộng hoặc thu hẹp hành vi bị coi là tội phạm).

Về việc bồi thường, TAND tỉnh cho rằng do có sự thay đổi về chính sách pháp luật nên ông Điện và ông Khang được hưởng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, do đó không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại là không đúng quy định. Vì khái niệm “do có sự thay đổi về chính sách, pháp luật” chỉ áp dụng khi tại thời điểm thực hiện hành vi thì hành vi đó là tội phạm và khi truy cứu trách nhiệm hình sự thì do có sự thay đổi của chính sách pháp luật mà xử lý khoan hồng cho người phạm tội hoặc miễn trách nhiệm hình sự. Trường hợp này, như đã phân tích, ông Điện và ông Khang không phạm tội buôn bán hàng cấm nên không thể nói là được hưởng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội.

Tóm lại, TAND tỉnh Nam Định đã gây oan sai ông Điện và ông Khang trong vụ án này và phải bồi thường thiệt hại cho hai ông theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN). Việc né tránh bồi thường oan sai cho hai ông là cố tình không chấp hành quyết định giám đốc thẩm đã có hiệu lực pháp luật.

Án giám đốc thẩm là căn cứ bồi thường

Theo diễn biến, TAND TP Nam Định (tỉnh Nam Định) đã trả đơn kiện yêu cầu bồi thường oan với lý do là hai ông không cung cấp được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Đây là nhận thức và cách hiểu sai luật. Theo Luật TNBTCNN, người đã chấp hành xong hình phạt tù có thời hạn mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động trách nhiệm hình sự xác định hành vi không cấu thành tội phạm thì thuộc phạm vi TNBTCNN. Trong vụ án này, quyết định giám đốc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Nam Định, tuyên bố hai ông không phạm tội buôn bán hàng cấm và đình chỉ vụ án chính là văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường (khoản 5 Điều 3, Điều 9 Luật TNBTCNN).

TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/vu-2-nguoi-buon-phao-oan-da-ro-843730.html