Vụ 2 nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý Đà Nẵng: Khắc phục được vấn đề ô nhiễm sẽ được hoạt động trở lại?

Trong khi đại diện của VCCI đặt câu hỏi 'giải quyết dứt điểm' vụ việc 2 nhà máy thép vào thời gian cụ thể nào thì Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng cho biết, đang chờ ý kiến chỉ đạo, và lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng thì cho rằng, không thể kéo dài mãi được, nhưng giải quyết cực kỳ khó khăn.

Đà Nẵng dừng hoạt động 2 nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý

Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng

Đề nghị xử phạt hành chính và tạm dừng hoạt động 6 tháng

Tại chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri” lần 4 do HĐND TP. Đà Nẵng tổ chức, một lần nữa, vấn đề về việc hoạt động hay không hoạt động của 2 nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý tiếp tục được cử tri quan tâm.

Theo ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng - thực hiện kết luận thanh tra ngày 3/10, Sở TN&MT đã triển khai những việc liên quan đến nhiệm vụ chức năng của sở.

Cụ thể, ngày 30/10, Sở TN&MT Đà Nẵng đã có văn bản gửi UBND TP. Đà Nẵng về hướng xử lý, khắc phục ô nhiễm tại 2 nhà máy thép. Và đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố.

Theo kết luận thanh tra, Nhà máy thép Dana Ý có 3 vi phạm và Nhà máy thép Dana Úc có 4 vi phạm. Căn cứ trên những hành vi vi phạm của 2 nhà máy thép, Sở đề nghị xử phạt với số tiền tương ứng, đồng thời tạm dừng hoạt động 2 nhà máy trong 6 tháng.

Lưu ý trong phát biểu của mình, ông Tô Văn Hùng cho biết, trong thời gian 6 tháng chấp hành án phạt, nếu 2 nhà máy thép khắc phục được những vấn đề về ô nhiễm môi trường thì có thể cho phép hoạt động trở lại.

Ông Hùng nói thêm, ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề được đặt ra tại tất cả các nhà máy thép trong khu vực Liên Chiểu chứ không riêng gì tại 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc. Vi phạm chủ yếu hiện nay vẫn là khoảng cách ly vệ sinh. Theo quy chuẩn, khoảng cách ly này rất khắt khe, đặc biệt là các cơ sở sản xuất nguy hại phải cách khu dân cư từ 500m - 1.000m. Tuy nhiên, cũng theo TCVN449/1987 có nội dung: Khi có điều kiện che chắn thuận lợi, có biện pháp khử chất độc hại và đảm bảo thì phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để giảm bớt kích thước khoảng cách ly vệ sinh. Ông Hùng cho rằng, đặt trong bối cảnh đô thị phát triển như hiện nay rất khó để giải quyết câu chuyện để đảm bảo khoảng cách ly theo quy chuẩn. Trong điều kiện doanh nghiệp ứng dụng công nghệ có thể khử chất độc, đảm bảo được các tiêu chuẩn xả thải, đảm bảo được môi trường thì cơ quan chức năng có thể xem xét để giảm khoảng cách ly này.

Phát biểu về vấn đề này, ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng - đề nghị phải rốt ráo giải quyết dứt điểm vấn đề tồn đọng kéo dài này. Nếu vẫn tiếp tục như vậy sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả người dân và doanh nghiệp. Và việc giải quyết phải đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên: Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) - bà Huỳnh Khánh Vân - đặt câu hỏi: Giải quyết dứt điểm những vướng mắc tại 2 nhà máy thép là bao lâu, phải có thời gian cụ thể. Bởi càng để lâu, thêm 1 ngày dừng hoạt động doanh nghiệp phải gánh trên vai thiệt hại càng lớn.

Đà Nẵng vẫn chưa đưa ra được giải pháp tối ưu để giải quyết "dứt điểm" các vướng mắc liên quan đến số phận 2 nhà máy thép

Phải giải quyết rốt ráo, không để kéo dài

Khi nói về vấn đề 2 nhà máy thép, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, việc 2 nhà máy thép vi phạm đến đâu sẽ xử phạt đến đó theo đúng quy định của pháp luật. Việc sai phạm của các cơ quan chức năng gồm các cơ quan tham mưu (Sở TN&MT, Sở KH&ĐT, Ban Hỗ trợ xúc tiến đầu tư) cũng như UBND TP. Đà Nẵng thời kỳ trước về việc cấp phép không đúng cũng sẽ bị tiến hành xử lý theo đúng quy định.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhìn nhận, vấn đề lớn nhất của 2 nhà máy là đã đặt ở khu vực mà việc thực hiện quy hoạch không được đầy đủ, không đúng chuẩn. "Cái sai của chúng ta là đặt nhà máy, bố trí nhà máy bên cạnh khu dân cư. Khu dân cư đó chúng ta cũng đã có cam kết giải tỏa nhưng cuối cùng chúng ta không giải tỏa, để dân tiếp tục làm nhà, càng ngày càng tiến sát gần nhà máy", ông Thơ nói, đồng thời cho biết thêm, những vi phạm của 2 nhà máy chỉ có thể xử phạt ở mức độ tạm dừng hoạt động chứ không đủ cơ sở để đóng cửa nhà máy.

Hiện nay, UBND TP. Đà Nẵng đang đứng trước khó khăn lớn đó là bước xử lý tiếp theo sau khi 2 nhà máy hoàn thành việc chấp hành xử phạt; là khi 2 nhà máy khắc phục xong vi phạm rồi thì có được hoạt động hay không, với khoảng cách ly chỉ mấy chục mét như vậy. Khi nhà máy khắc phục hoàn toàn về vấn đề môi trường từ 3-6 tháng thì chính quyền địa phương có vận động nhân dân để họ tiếp tục hoạt động sản xuất hay không?

Ông Thơ cho biết, hiện có đến 2 Phó Chủ tịch UBND thành phố là ông Hồ Kỳ Minh và ông Đặng Việt Dũng và các sở ngành cùng tập trung nghiên cứu giải pháp giải quyết vấn đề này và phải giải quyết rốt ráo, không thể kéo dài mãi được, nhưng chính quyền thành phố đang phải “giải quyết một hậu quả cực kỳ khó khăn liên quan đến 2 nhà máy thép”. Trước mắt, thành phố vẫn sẽ tiến hành xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.

Vũ Lê - Xuân Hoài

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vu-2-nha-may-thep-dana-uc-va-dana-y-da-nang-khac-phuc-duoc-van-de-o-nhiem-se-duoc-hoat-dong-tro-lai-111370.html