Vụ 32ha đất công giá bèo: Sếp Công ty Tân Thuận bị bắt, Quốc Cường Gia Lai thế nào?

Bán rẻ 32ha đất công với giá bèo gây thất thoát, hai cựu lãnh đạo Công ty Tân Thuận là Trần Công Thiện và Nguyễn Văn Minh vừa bị khởi tố bắt giam. Dư luận đặt câu hỏi liệu Công ty Quốc Cường có phải chịu trách nhiệm liên quan vụ việc trên?

Liên quan vụ bán 32 ha đất công giá bèo ở Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP HCM), ngày 6/1, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Trần Công Thiện, nguyên Tổng giám đốc và ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (công ty 100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh).

Hai bị can trên bị bắt giam để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí theo Điều 219 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 do có sai phạm nghiêm trọng khi bán khu đất rộng hơn 32 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Cụ thể, tháng 6/2017, Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai khu đất 32 ha ở Phước Kiển với giá 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách hơn 419 tỷ đồng. Giá này được cho là rẻ bất thường nên Văn phòng Thành ủy đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá lại và kết quả cho thấy Công ty Tân Thuận gây thất thoát hơn 150 tỷ đồng.

Một góc khu đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Ảnh: CAND

Một góc khu đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Ảnh: CAND

Ngày 27/12/2017, Thường trực Thành ủy đã có chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng, yêu cầu phải đàm phán lại và báo cáo Thường trực Thành ủy. Tháng 4/2018, Ban Thường vụ Thành ủy cho rằng, việc ký hợp đồng này không đúng theo Quyết định số 1087-QĐ/TU ngày 31/3/2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các Công ty TNHH MTV thuộc sở hữu của Đảng bộ thành phố.

Việc chuyển nhượng đất không qua đấu giá trái với quy định tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP (về quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp) và không đúng với nghị định 44/2014-NĐ-CP (quy định về giá đất).

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã yêu cầu Công ty Tân Thuận đàm phán với đối tác hủy hợp đồng - không đồng ý việc bán chỉ định. Ban Thường vụ Thành ủy cũng chỉ đạo xem xét giải quyết việc thực hiện chuyển nhượng theo đúng quy định pháp luật.

Công ty Tân Thuận có hành vi bán tài sản có giá trị lớn, nhưng việc sang nhượng này không đúng thẩm quyền. Theo đó, ông Trần Công Thiện là người chịu trách nhiệm chính, trực tiếp trong việc chỉ đạo điều hành.

Dư luận đặt câu hỏi, liên quan vụ việc trên, liệu Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai có phải chịu trách nhiệm?

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, với thông tin như trên, việc ông Trần Công Thiện, nguyên Tổng giám đốc và ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận bị khởi tố hình sự về tội phạm thuộc nhóm tội phạm về chức vụ.

Đây là tội danh mà chủ thể bắt buộc phải là người có chức vụ quyền hạn. Với những người tham gia giao dịch này và những người có liên quan mà không phải là người có chức vụ, quyền hạn sẽ không bị xử lý về tội danh này.

Tuy nhiên, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trong vụ án này cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân, động cơ của việc bán rẻ bất động sản này so với giá thị trường gây thất thoát 150 tỷ đồng của Công ty Tân Thuận.

Trong trường hợp có dấu hiệu của các hành vi vi phạm pháp luật khác, hành vi đó thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm khác thì sẽ xử lý đối với người vi phạm theo quy định của pháp luật, sẽ khởi tố bổ sung tội danh khác hoặc khởi tố thêm những người khác với vai trò đồng phạm.

Luật sư Cường cho rằng, trong những vụ án như thế này sẽ không loại trừ trường hợp xảy ra hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ giống như vụ AVG vừa xét xử.

Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ có hành vi tác động tiêu cực của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai tới cán bộ nhà nước để được mua đất với giá rẻ hay không, trình tự thủ tục mua bán có tuân thủ các quy định của pháp luật hay không? Trong trường hợp có sai phạm thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào yếu tố lỗi và hậu quả xảy ra mà cơ quan điều tra sẽ xử lý người vi phạm quy định của pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường.

“Đối với Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai thì cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét làm rõ hành vi, trách nhiệm của người đứng ra thực hiện giao dịch này. Giao dịch này đang được xác định là trái pháp luật nên sẽ bị hủy bỏ và thu hồi lại diện tích đất nêu trên. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người đại diện của doanh nghiệp này có vi phạm, tác động tiêu cực để thực hiện giao dịch đến mức phải xử lý bằng pháp luật thì cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét xử lý theo quy định pháp luật” - luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.

Mời độc giả xem thêm video Thanh tra Công ty Tân Thuận, yêu cầu kiểm điểm ông Tất Thành Cang:

Nguồn: Truyền hình Nhân dân.

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/vu-32ha-dat-cong-gia-beo-sep-cong-ty-tan-thuan-bi-bat-quoc-cuong-gia-lai-the-nao-1326948.html