Vụ ám sát cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto: Không ai phải chịu trách nhiệm?

(ANTĐ) - Dư luận Pakistan đã có những phản ứng khác nhau ngay sau khi Ủy ban điều tra do ông Heraldo Munoz, Đại sứ Chile ở Liên hợp quốc lãnh đạo (Ủy ban Bhutto) công bố kết quả cuộc điều tra vụ ám sát bà Benazir Bhutto, cựu Thủ tướng Pakistan. Trong bản phúc trình dài 65 trang công bố chiều 15-4, “Ủy ban Bhutto” khẳng định, Chính phủ Trung ương, chính quyền tỉnh Punjab và lực lượng cảnh sát thành phố Rawalpindi phải chịu trách nhiệm trước cái chết của bà Benazir Bhutto.

Ông Heraldo Munoz nhấn mạnh, tình trạng an ninh lỏng lẻo là nguyên nhân chính giúp sát thủ thành công trong vụ ám sát cựu Thủ tướng. Bản phúc trình kết luận, tuy biết rõ những nguy hiểm mà bà Benazir Bhutto sẽ gặp phải khi phát biểu tại cuộc mít tinh vận động tranh cử ở thành phố Rawalpindi, phía Bắc tỉnh Punjab hôm 27-12-2007, nhưng giới hữu trách đã không áp dụng những biện pháp cần thiết để đối phó. “Ủy ban Bhutto” cũng chỉ trích gay gắt cảnh sát địa phương trong việc “xóa hết dấu vết” khiến công tác điều tra của các cơ quan chức năng rơi vào ngõ cụt. “Không những không thu thập đầy đủ lời khai, thu thập chứng cứ và duy trì những chứng cứ tại hiện trường, cảnh sát còn dùng vòi rồng tẩy rửa nơi xảy ra vụ án. Đây là những thiếu sót không thể tha thứ trong công tác điều tra”. Ngay sau khi nhận được bản phúc trình của “Ủy ban Bhutto”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã chuyển tài liệu này cho cơ quan chức năng Pakistan. Theo đúng lộ trình ban đầu, bản phúc trình của “Ủy ban Bhutto” được công bố hôm 31-3, nhưng tới chiều 15-4 mới được tiến hành do “yêu cầu khẩn của Pakistan”. Pakistan cho biết, muốn “Ủy ban Bhutto” bổ sung một số nhận định từ cơ quan chức năng Afghanistan và Mỹ vào bản phúc trình trước khi chính thức công bố. Sở dĩ có chuyện này bởi Pakistan và Mỹ từng cho rằng, chỉ huy Taliban Baitullah Mehsud đứng sau cái chết của bà Benazir Bhutto. Pakistan từng treo giải thưởng trị giá 50 triệu rupee cho ai cung cấp thông tin để bắt sống hoặc tiêu diệt Baitullah Mehsud. Mỹ cũng treo giải thưởng trị giá 5 triệu USD cho người cung cấp tin giúp bắt hoặc giết chết Baitullah Mehsud. Cảnh sát Anh cũng cho rằng, Taliban đứng sau vụ ám sát bà Benazir Bhutto và Baitullah Mehsud là nghi can lớn nhất. Theo thông báo hôm 30-3 của ông Martin Nesirky, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, cơ quan này buộc phải hoãn công bố kết quả điều tra vụ ám sát bà Benazir Bhutto tới ngày 15-4. Và người đưa ra yêu cầu này là Tổng thống Asif Ali Zardari, chồng cựu Thủ tướng. Ông Martin Nesirky cho biết, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã nhận được “thông báo khẩn” của Tổng thống Asif Ali Zardari đề nghị hoãn công bố kết quả điều tra. Chủ tịch “Ủy ban Bhutto” khẳng định, cả Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Chính phủ Pakistan đều chưa được xem nội dung của bản phúc trình trước khi được công bố. “Ủy ban Bhutto” chính thức hoạt động sau khi giới truyền thông đưa tin, kẻ bị tình nghi lên kế hoạch ám sát bà Benazir Bhutto là Zainuddin đã bị bắn chết. Theo yêu cầu của Pakistan, tháng 6-2009, Liên hợp quốc đã cử một ủy ban độc lập tới nước này để điều tra về vụ ám sát bà Benazir Bhutto. Tuy hoạt động dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc, nhưng “Ủy ban Bhutto” hoạt động hoàn toàn độc lập trong việc điều tra, cũng như đưa ra kết quả. Cách đây đúng 2 năm, Quốc hội Pakistan đã thông qua nghị quyết đề nghị Liên hợp quốc điều tra vụ ám sát bà Benazir Bhutto. Quyết định công bố và hoãn công bố bản phúc trình đều diễn ra vào thời điểm nhạy cảm khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi. Tổng thống Asif Ali Zardari đề nghị lui thời gian công bố đúng thời điểm Cơ quan chống tham nhũng Pakistan gửi toàn bộ hồ sơ vụ kiện tới nhà chức trách Thụy Sỹ, yêu cầu tái điều tra cáo buộc tham nhũng, rửa tiền và phong tỏa khối tài sản của chồng bà Benazir Bhutto, người từng phải ngồi tù nhiều năm vì tội tham nhũng. Gần 7 năm trước, bà Benazir Bhutto và ông Asif Ali Zardari từng bị tòa án Thụy Sỹ tuyên phạt 6 tháng tù treo cùng khoản tiền 50.000 USD vì tội rửa tiền. Khi “Ủy ban Bhutto” công bố bản phúc trình cũng là thời điểm Đài Truyền hình Pakistan truyền hình trực tiếp cảnh Chủ tịch Thượng viện Farooq Naik công bố kết quả cuộc biểu quyết. Theo đó, Thượng viện nước này chính thức thông qua quyết định tước bỏ một số quyền hạn của Tổng thống Asif Ali Zardari. Hạ viện đã thông qua vấn đề này từ hôm 8-4. Những quyền hạn kể trên (giải tán Quốc hội, cách chức Thủ tướng…) thuộc về Thủ tướng Yousuf Raza Gilani. Đây được coi là bước ngoặt lớn trong lịch sử Pakistan, giúp chấm dứt tình trạng bất đồng chính trị cũng như giảm bớt sự phản đối của phe đối lập đang nhằm vào Tổng thống Asif Ali Zardari. Nhưng giới truyền thông lại cho rằng, vì Thủ tướng Yousuf Raza Gilani là người của Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) nên ông vẫn phải chấp hành những quyết định của Chủ tịch PPP là Tổng thống Asif Ali Zardari. Ngoài ra, ông Yousuf Raza Gilani là người trung thành với bà Benazir Bhutto, với PPP nên cũng sẽ tuân theo chỉ thị của ông Asif Ali Zardari. Điều này đồng nghĩa với việc, Tổng thống Asif Ali Zardari vẫn là người bổ nhiệm người đứng đầu các lực lượng vũ trang, giải tán Quốc hội và chỉ định các Tỉnh trưởng theo đề xuất của Thủ tướng Yousuf Raza Gilani.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=72262&channelid=7