Vụ án chạy thận: Bộ Y tế phản bác quan điểm của Viện Kiểm sát và luật sư bào chữa

'Việc luật sư cho rằng văn bản 4342 và 2322 mâu thuẫn và đây là nguyên nhân để Viện kiểm sát truy tố bác sĩ Lương là nhận định của họ trong quá trình tranh tụng. Tôi khẳng định, 2 văn bản trên không mâu thuẫn, không viết thừa, không có lỗi đánh máy', ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết.

Trước thời điểm Hội đồng xét xử tuyên án, chiều ngày 4/6, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí để bày tỏ quan điểm trước cáo buộc của Viện Kiểm sát và luật sư tại phiên tòa xét xử vụ án sơ thẩm “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại BV Đa khoa Hòa Bình ngày 29/5/2017.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định, sự cố chạy thận tại BV Đa khoa Hòa Bình là sự cố y khoa nghiêm trọng đặc biệt, chưa từng xảy ra trong lịch sử chạy thận nhân tạo ở Việt Nam.

Theo ông Quang, ở nước ta, các trạm y tế cũng đã chạy thận, trở thành kỹ thuật thường quy, chứ không phải là kỹ thuật cao, đặc biệt. Do đó, khi đã thường quy nhưng lại xảy ra sự cố, tức là bất thường.

Ông Nguyễn Huy Quang (trái), Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

Ông Quang cũng lưu ý, trong nguyên nhân gây nên sự cố trên là hóa chất dùng cho việc xúc rửa các bộ phận lọc thận chưa được phép nằm trong danh mục được sử dụng ở y tế; do không kiểm tra tồn dư hóa chất (Axit flour hydric và axit Clo Hidric) tồn dư cao gấp 245-260 lần cho phép; chủ thể thực hiện là giữa BV Đa kho Hòa Bình ký với Công ty Thiên Sơn và giữa Công ty Thiên Sơn - Trâm Anh.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết: Việc xây dựng quy trình kỹ thuật y tế, Bộ Y tế có hơn 7.000 quy trình kỹ thuật. Đối với quy trình thận nhân tạo, lọc máu, từ 2000 Bộ Y tế đã ban hành quy trình lọc máu thận nhân tạo. Bộ cũng đã từng bước cập nhật lại như năm 2004 và năm 2014. Đến năm 2018, Bộ Y tế đã bổ sung cập nhật 52 quy trình liên quan lọc máu. Một số giữ quy trình cũ, một số cập nhật mới.

Ý kiến cho rằng Bộ Y tế chậm trễ trong ban hành quy trình, ông Khoa khẳng định: “Y học phát triển theo sự tiến bộ liên quan các ngành khoa học khác. Việc ban hành quy trình kỹ thuật phải có lộ trình, thời gian, cập nhật tiến bộ mới”. Về nguyên lý, khi xảy ra sự cố, trách nhiệm của Bộ Y tế là phải đánh giá, rà soát lại tất cả quy trình liên quan. Bởi trong quá trình bảo trì thiết bị RO, đơn vị đã sử dụng hóa chất đặc biệt nguy hại, không được phép sử dụng; nồng độ tồn dư hóa chất cao là nguyên nhân gây nên thảm họa này.

Ông Nguyễn Minh Tuấn (phải), Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế), cho biết, theo quy định của pháp luật, các quy trình chuyên môn, có sự phân cấp trách nhiệm của các bên liên quan. Ví như, nhà sản xuất, đơn vị cung cấp trang thiết bị; Đơn vị sử dụng thiết bị.

Cũng theo ông Tuấn, thời gian qua, Bộ Y tế, tổ chức thường xuyên các hội nghị về sử dụng trang thiết bị. “Năm 2015, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hội thảo trong cả nước về trang thiết bị y tế, Sở Y tế Hòa Bình cử 11 người tham dự. Riêng BV Đa khoa Hòa Bình có ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng vật tư) và Trần Văn Sơn (phòng vật tư, bị cáo trong vụ án bị truy tố)”, ông Tuấn nói.

Về 2 văn bản do Bộ Y tế trả lời là Công văn 4342 ngày 2/8/2017, Bộ Y tế gửi cơ quan điều tra và công văn 2322 ngày 27/4/2018 Bộ gửi công ty Luật Nguyễn Chiến có mâu thuẫn, ông Quang khẳng định: 2 văn bản trên không mâu thuẫn, không viết thừa, không có lỗi đánh máy. Đây là nhận định của luật sư trong quá trình tranh tụng.

Ông Quang nói: Văn bản 4342, cơ quan điều tra hỏi Bộ Y tế về nội dung: Sửa chữa máy lọc nước RO 2; tiệt trùng nước; tiêu chuẩn AAMI là như thế nào? Chúng tôi trả lời rõ: Việc tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn của Mỹ được Việt Nam viện dẫn và được áp dụng tự nguyện chứ không bắt buộc. Nhưng CQĐT hỏi, kiểm tra hệ thống RO số 2 thì như thế nào? Chúng tôi ghi: Sau khi sửa chữa bảo dưỡng, hệ thống RO số 2, để bảo đảm nước trước khi đưa vào sử dụng phải có xét nghệm chất lượng nước. Căn cứ vào hợp đồng số 315 ngày 25/5/2017 giữa Công ty Thiên Sơn với BV Đa khoa Hòa Bình có ghi tiệt trùng nước và xét nghiệm tiêu chuẩn AAMI. Bản chất đây là quy định cụ thể, tự nguyện áp dụng tiêu chuẩn, trở thành ràng buộc pháp lý của hợp đồng.

Về Công văn số 2 trả lời cho công ty Luật Nguyễn Chiến, đề nghị hỏi việc hệ thống RO số 2, có phải bắt buộc xét nghiệm AAMI không hay tự nguyện? Vì văn bản không hỏi đích danh ở BV Đa khoa Hòa Bình mà là hỏi chung cho các hệ thống, nên chúng trả lời là tự nguyện. Theo tiêu chuẩn Việt Nam 7183, trong tiêu chuẩn đó, có dẫn áp dụng tiêu chuẩn AAMI của Mỹ. Tuy nhiên, về nguyên tắc, nếu trong hợp đồng có kiểm tra thì phải bắt buộc kiểm tra, ông Quang nói.

Như đã đưa tin, ngày 15/5, Tòa án Nhân dân TP. Hòa Bình đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự vụ án làm 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017.

Theo đó, 3 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm bác sĩ Hoàng Công Lương (32 tuổi, khoa Hồi sức tích cực) và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng Vật tư) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi) Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh về tội “Vô ý làm chết người”.

Ngày mai, 5/6, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.

PNVN sẽ tiếp tục thông tin về phiên tòa.

Như Ngọc

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/luat-doi/vu-an-chay-than-bo-y-te-phan-bac-quan-diem-cua-vien-kiem-sat-va-luat-su-bao-chua-post43522.html