Vụ án có dấu hiệu oan ngồi tù gần một thập kỉ - Kỳ 3: Luật sư chỉ ra điểm bất thường của vụ án

Theo LS Cường trong vụ án còn nhiều dấu hiệu bất thường cần được làm rõ: ' về vật chứng, lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Kết luận giám định; Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác...'.

Liên quan đến vụ anh Phạm Văn Hương (SN 1970, thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải, Thái Bình) cho rằng anh bị xử án oan và phải thụ án 10 năm tù ở trại giam Thanh Phong (Nông Cống, Thanh Hóa) về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo các bản án: Bản án hình sự sơ thẩm số 259/2006/HSST ngày 05/10/2006 của TAND tỉnh Thanh Hóa và Bản án hình sự phúc thẩm số 228/2007/HSPT ngày 20/3/2007 của Tòa Phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội.

PV có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Xuân Cường, luật sư thuộc Công ty luật TNHH Trương Anh Tú, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho anh Phạm Văn Hương.

“Đánh giá tổng hợp, toàn diện và khách quan các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy: Có căn cứ khẳng định người lái xe ô tô biển kiểm soát 14L-1837 từ Tiền Hải - Thái Bình vào đến địa phận tỉnh Thanh Hóa chính là Bùi Văn Tuận...”.

Đây là một trong những nhận định quan trọng của HĐXX phúc thẩm để hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Thanh Hóa”, Luật sư Cường nhấn mạnh.

LS Đặng Xuân Cường.

LS Đặng Xuân Cường.

Cũng theo LS Cường, căn cứ theo hồ sơ nghiên cứu, cũng như tài liệu được anh Hương cung cấp, sau gần 08 tháng điều tra, ngày 06/11/2004, CQCSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã ban hành bản kết luận điều tra kết luận anh Hương chính là người điều khiển xe ô tô 14L-1837 gây ra vụ tai nạn vào hồi 3 giờ 30 phút ngày 16/3/2004 trên địa bàn xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Tiếp đó, ngày 17/11/2004, VKSND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành bản cáo trạng truy tố anh Hương về tội “Vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo quy định tại khoản 3 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Gần 02 tháng sau đó, ngày 10/1/2005, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và ra bản án tuyên anh Hương phạm “Tội vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, tuyên phạt anh Hương mức án 9 năm tù giam.

Điều đáng chú ý trong việc kết án anh Hương đó là tài liệu mà TAND tỉnh Thanh Hóa đánh giá là chứng cứ buộc tội anh chỉ là lời khai của những người đi cùng chuyến xe (cũng được coi là người làm chứng), lời khai những người dân địa phương nơi xảy ra vụ việc tai nạn.

Đặc biệt là lời khai của chủ xe - người được tòa cấp phúc thẩm đánh giá là nghi can số 1 trong vụ án (Tuận đã cùng vợ con trốn khỏi địa phương ngay sau khi xảy ra vụ án) chứ không dựa trên bất cứ tài liệu nào khác cần phải có trong một vụ án về tai nạn giao thông như: Biên bản khám nghiệm hiện trường, Biên bản thực nghiệm hiện trường, Biên bản xem xét dấu vết vân tay trên vô lăng, Giám định pháp y về thương tích và cơ chế hình thành vết thương trên cơ thể anh Hương và Bùi Văn Tuận, Biên bản đối chất giữa những người có lời khai mâu thuẫn...

Anh Phạm Văn Hương.

Điều đáng nói, lời khai của những người kể trên là những lời khai, lời trình bày có nhiều mâu thuẫn.

Ngay sau khi bị TAND tỉnh Thanh Hóa kết án và tuyên phạt 09 năm tù, anh Hương đã làm đơn kháng cáo kêu oan, đề nghị TAND cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án để minh oan cho mình.

Ngày 28/4/2005, Tòa phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án.

Nhận định trong Bản án hình sự phúc thẩm số 453/HSPT ngày 28/4/2005 (phúc thẩm lần 1), HĐXX cấp phúc thẩm có phân tích và đưa ra nhận định hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Thanh Hóa với những nội dung quan trọng, nổi bật.

“Xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án từ điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm cũng như phúc thẩm lời khai của anh Hương là thống nhất.

Trong khi đó, sau khi xảy ra vụ án, trong vòng 03 ngay từ ngày 18/3 đến ngày 20/3/2004, cơ quan điều tra tỉnh Thanh Hóa có tiến hành lấy 2 lời khai của Bùi Văn Tuận nhưng ngay 2 lời khai này của anh Tuận đã tự mâu thuẫn với nhau về thời điểm giao tay lái cho anh Hương.

Mặt khác, lời khai anh Hương khai vào ngày 19/3/2004 và lời khai của Bùi Văn Tuận khai vào ngày 18/3/2004 ngay từ đầu đã không thống nhất với nhau về việc ai là người điều khiển xe ô tô khi gây tại nạn nhưng cơ quan điều tra không tiến hành đối chất giữa Hương và Tuận theo quy định”, LS Cường nói.

“Lời khai của người làm chứng tại địa phương - nơi xảy ra tai nạn là ông Nguyễn Văn Hằng được xác định có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhưng lời khai của người làm chứng này thể hiện trong hồ sơ vụ án cũng như tại phiên tòa lại có nhiều điều bất hợp lý.

Để đánh giá về lời khai của ông Nguyễn Văn Hằng, cơ quan điều tra cần phải tiến hành hoạt động thực nghiệm hiện trường để làm rõ xem lời khai của ông Hằng có hợp lý hay không?

Tuy nhiên, CQĐT đã bỏ qua hoạt động này và mặc nhiên chấp nhận lời khai của ông Hằng.

Ngoài ra, lời khai của một số người còn sống cùng đi trên chuyến xe cũng có nhiều điểm vô lý và tự mâu thuẫn với nhau đã được HĐXX cấp phúc thẩm phân tích trong nội dung bản án”, LS Cường nhấn mạnh.

Hiện trường vụ án bây giờ, nơi xảy ra vụ tai nạn cách đây 15 năm về trước.

“Trong vụ án này chủ xe - Bùi Văn Tuận là một nghi can, vì chính Tuận là người điều khiển xe ô tô từ đầu, nhưng trong suốt quá trình điều tra, cơ quan điều tra chỉ lấy 2 lời khai của Bùi Văn Tuận và cũng không áp dụng biện pháp ngăn chặn gì đối với Bùi Văn Tuận để Tuận bỏ trốn khỏi địa phương.

Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Bùi Văn Tuận cũng không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án để đến phiên tòa làm rõ những vấn đề có liên quan và đối chất với anh Huơng”, LS Cường đặt ra câu hỏi.

Đánh giá tổng hợp, toàn diện và khách quan các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy: “Có căn cứ khẳng định người lái xe ô tô biển kiểm soát 14L-1837 từ Tiền Hải - Thái Bình vào đến địa phận tỉnh Thanh Hóa chính là Bùi Văn Tuận.

Thời gian xe bắt đầu xuất phát ở Tiền Hải - Thái Bình vào khoảng 0h45 phút ngày 16/3/2004, khi xe bị tai nạn tại địa phận xã Quảng Trung-Quảng Xương-Thanh Hóa vào khoảng 3 giờ 30 phút ngày 16/3/2004, tức là xe ô tô mới chạy được hơn 2 tiếng đồng hồ, chưa phải là thời gian quá dài để nhất thiết phải đổi lái xe.

Theo như phân tích ở trên, lời khai của các nhân chứng còn có mâu thuẫn, việc điều tra ở cấp sơ thẩm chưa đầy đủ... nên cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.

Đề xuất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia phiên tòa đề nghị: Toàn bộ bản án sơ thẩm là không đủ căn cứ nên không được chấp nhận”, LS Cường phân tích.

Đánh giá tổng quan về vụ án trên, luật sư Đặng Xuân Cường cho biết: “Theo quy định tại Điều 10 của BLTTHS năm 2003 thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội.

Điều 64 của BLTTHS cũng quy định chứng cứ của vụ án được xác định bằng: Vật chứng; Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Kết luận giám định; Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

Như vậy khi kết tội anh Hương, các CQTHTT cấp sơ thẩm chỉ căn cứ duy nhất vào nguồn chứng cứ duy nhất là lời khai của những người làm chứng, người bị hại, người liên quan, hơn nữa, những lời khai này còn mâu thuẫn với nhau thì rõ ràng căn cứ buộc tội đối với anh Hương của tòa án cấp sơ thẩm là vừa thiếu, vừa yếu.

Trong vụ án này, do có sự mâu thuẫn lời khai giữa chủ xe và phụ xe nên để xác định chính xác ai là người trực tiếp lái xe gây ra vụ tai nạn thì 03 loại tài liêu, chứng cứ vô cùng quan trọng buộc phải thu thập được đó là: Bệnh án của anh Hương và Bùi Văn Tuận; Bản kết luận Giám định pháp y về thương tích của anh Hương và Bùi Văn Tuận; Biên bản thực nghiệm điều tra để làm rõ thành thương tích của người cầm lái khi xe ô tô xảy ra tai nạn…

Thiếu một trong các tài liệu chứng cứ kể trên thì việc giải quyết vụ án sẽ không đảm bảo được sự khách quan, toàn diện… thậm chí có thể dẫn tới oan sai”.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ án trên.

Duy Khương

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/vu-an-co-dau-hieu-oan-ngoi-tu-gan-mot-thap-ki--ky-3-luat-su-chi-ra-diem-bat-thuong-cua-vu-an-d103934.html